Giống nếp thơm mới - N99
Trong SX hiện nay, việc gieo cấy các giống lúa nếp cổ truyền như nếp cái hoa vàng, nếp cau, nếp quả tuy có mùi thơm, ngon nhưng năng suất thấp, chống đổ kém và hầu như chỉ gieo cấy được một vụ trong năm. Bên cạnh đó, các giống nếp mới chọn tạo như IRI 352, N87, N97... cho năng suất cao, nhưng lại không có mùi thơm.
Việc nghiên cứu bảo đảm sự hội tụ trong một giống nếp có tổ hợp gen thơm, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận luôn là mối quan tâm của các nhà khoa học.
Thời gian qua, bằng phương pháp lai hữu tính có định hướng, các nhà khoa học thuộc Viện KHKTNNVN đã lai tạo thành công giống nếp N99 đáp ứng được mục tiêu trên. Giống lúa nếp N99 được tạo từ tổ hợp lai nếp 415/nếp 87. Từ tổ hợp lai này, bằng phương pháp chọn lọc hỗn hệ cải tiến trong các thế hệ F2 – F5 và chọn lọc cá thể các thế hệ sau đã xác định được dòng thuần ổn định N99.
Từ 1998 đến 2002, N99 được đưa trồng thí nghiệm quan sát, so sánh sơ bộ, khảo nghiệm điểm sinh thái, trình diễn và SX thử ở nhiều địa phương theo quy trình chuẩn quốc gia. Kết quả cho thấy: N99 là giống trung ngày, TGST vụ xuân: 160 ngày, vụ mùa: 117 ngày. Đây là giống có dạng hình thâm canh cao tương tự như lúa thường, có khả năng đẻ nhánh khá, số hạt chắc trên bông cao (120 hạt), khối lượng 1000 hạt đạt 25,5g cao hơn giống nếp IRi 352 và thấp hơn nếp 415.
Vụ xuân 2003 vừa qua, N99 tiếp tục được khảo nghiệm theo hệ thống khảo nghiệm quốc gia của Trung tâm KKNGCT TW tại các địa phương như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam và Điện Biên. N99 đạt NS từ 55 – 78 tạ/ha trong khi giống nếp quốc gia TK90 chỉ đạt 30 – 50 tạ/ha. Đặc biệt tại Điện Biên, N99 đạt NS rất cao (78 tạ/ha). Phối hợp các kết quả đánh giá trong phòng với thí nghiệm, khảo nghiệm trên đồng ruộng đều thống nhất. N99 chống chịu khá với một số loại sâu bệnh chính như: Sâu đục thân, cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá cấp 1 –3; chống đổ chịu rét trung bình (cấp 3 –5).
Chất lượng của giống nếp N99 được đánh giá bằng nấu nướng và qua phân tích trong phòng thí nghiệm tại Viện CNSTH (cũ). Năm 2001, kết quả cho thấy: N99 có dạng hạt bầu, hơi nhỏ hơn so với IRi 352, gạo thơm và đặc biệt dẻo lâu hơn so với IRI 352. Nhờ những đặc tính quí này, N99 đã được một số địa phương thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây, Nghệ An, Hải Phòng đưa vào cơ cấu trà xuân chính vụ, mùa trung để thay thế cho các giống nếp IRI 352, TK90.
Trần Thảo (Nông thôn Việt Nam) |