Khi nông dân sản xuất lúa giống
Những năm gần đây,theo xu thế phát triển của xã hội, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng của thị trường nông sản đã không ngừng nâng cao, trong đó, chất lượng sản phẩm luôn đặt ra hàng đầu. Vấn đề được đặt ra, trong sản xuất nông nghiệp, phải tìm ra được giống lúa thuần, đạt chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở nước ta cho thấy, nguồn giống lúa từ các Viện, Trường, Trung tâm sản xuất hằng năm không đủ cung ứng cho nhu cầu mùa vụ của nông dân. Muốn cải tiến sản xuất, hội nhập kinh tế toàn cầu, con đường tất yếu, phải xã hội hóa công tác giống lúa, để người nông dân tự khả năng sản xuất ra hạt giống, phục vụ trên chính địa phương của mình.
Huyện Châu Phú, An Giang, được xem như một điển hình. Trong những năm qua, Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng chọn tạo giống lúa cho nông dân tại các xã, có nhiều nông dân sau khi học xong, đam mê sản xuất giống lúa và thực hiện nhân giống để phục vụ cho nhu cầu của địa phương của mình.
Theo bà Huỳnh Thị khắc Hạnh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú cho biết: “Từ khi phát động phong trào hướng dẫn nông dân kỹ năng chọn tạo giống lúa đến nay được 15 lớp, sau 10 tuần học tập 10 chuyên đề về kiểm tra sức sống hạt giống; hình thái và các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; qui trình sản xuất lúa giống tại cộng đồng; phương pháp điều tra và đánh giá cấp bệnh trên cây lúa; các phương pháp và kỹ năng lai tạo giống lúa; hiện tượng thoái hoá giống lúa và phương pháp phục tráng giống, qui trình kiểm định - kiểm nghiệm hạt giống... các học viên rất mê mà hiện nay có nhiều nông dân phục tráng giống lúa và nhiều nhóm chọn tạo giống.
Đặc biệt, ở xã Bình Phú còn thành lập 1 tổ nhân giống lúa 6 người, cấy 1 tép trên diện tích 4,1 ha, các giống lúa: OMCS 2000, OM 2517, OM 2492, OM 2514, mua giống siêu nguyên chủng ở trại giống Bình Đức về sản xuất ra giống lúa nguyên chủng.
Anh Nguyễn Bá An, ngụ ấp Bình Đức, xã Bình Phú rất mê sản xuất giống lúa, tham gia học xong lớp kỹ năng chọn tạo giống vụ hè thu thì đến vụ 3 Anh đã xuống trại giống Bình Đức mua 10kg giống lúa siêu nguyên chủng OM 2514, cấy 1 tép trên diện tích 2.000 m2 đất ruộng của mình. Sau 3 tháng thu hoạch được 8 tấn/ha. Anh An lấy giống gieo sạ trên diện tích 3,8 ha đất ruộng của mình còn lại Anh bán cho một vài hộ lân cận giá cả chênh lệch nhau từ 1.000-2.300đ/kg.
Bản thân Anh An có hơn 20 năm sản xuất lúa, cộng thêm những kiến thức được tích lũy từ lớp học, Anh đã ứng dụng thành công theo phương pháp chọn và lai tạo từ giống siêu nguyên chủng sản xuất ra giống nguyên chủng, vừa giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, hạt giống làm ra, đạt chất lượng cao, dễ bán.
Theo Anh, cây mạ tốt sẽ cho ra cây lúa khỏe và hạt giống tốt. Nên mạ đối với Anh đóng vai trò hết sức quan trọng,phải như đứa trẻ được sinh ra, cần phải nuôi đủ chất dinh dưỡng ngay từ đầu. Đất trồng ma nên chọn ở khu vực gần nhà để dễ chăm sóc.
Anh Huỳnh Tấn Hưng, Kỹ thuật viên nông nghiệp xã Bình Phú cho chúng tôi biết : “ Ở địa phương, ngoài nông dân Nguyễn Bá An mê sản xuất giống lúa, còn có nhiều nông dân khác, như anh Nguyễn Văn Đúng, anh Mẫn, anh Hảo, anh Trường, ...cũng say mê không kém...Chính vì vậy, Bình Phú cơ bản đã giải quyết được lượng giống cung cấp tại chổ, giảm chi phí vận chuyển cho nông dân, vận động ngày càng nhiều nông dân sản xuất lúa đạt chất lượng và hiệu quả cao”
Việc mở nhiều lớp hướng dẫn cho nông dân kỹ năng chọn tạo giống lúa đã mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương. Giải quyết một phần cơ bản về nguồn giống chất lượng cao, lại vừa góp phần tăng lợi nhuận thiết thực trong cộng đồng nông dân. Với sự tiến triển này, sẽ ngày càng có nhiều nông dân, tự mình sản xuất ra hạt giống lúa có giá trị, thích ứng với thị trường tiêu thụ.Người viết bài này cũng thật sự hy vọng rằng, trong những vụ mùa kế tiếp, nông dân sẽ lại được tiếp tục tham gia học các lớp như thế hoặc các lớp sản xuất lúa nâng cao để những hạt giống được tạo ra trên thị trường, mang đầy tri thức.
Phụng Tiên, Đài Truyền thanh Châu Phú |