Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh nhân giống bằng cấy mô và giâm hom
Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với chức năng nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng công nghê mới trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nghiên cứu cây nguyên liệu giấy và các vấn đề lâm sinh- xã hội liên quan đến rừng. Sau 5 năm kiên trì vận dụng tổng hợp các biện pháp tăng năng suất rừng trồng; đặc biệt là cải thiện giống bằng kỹ thuật nhân giống vô tính bằng phương pháp cấy mô và giâm hom đã cho kết quả cao.
Trong quá trình nhân giống bằng phương pháp cấy mô và giâm hom, các cán bộ của viện đã chủ động chọn lọc loài, chọn lọc xuất xứ và dòng ưu trội có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại.
Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Viện đã chọn ra được 6 dòng bạch đàn vô tính năng suất cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là gống chính thức được đưa vào sản xuất trong những vùng có điều kiện tự nhiên như: tỉnh Phú Thọ; đó là các giống bạch đàn PN2, PN4, PN14 và giống keo KL2, KL20, KLTA3 là các giống bạch đàn và keo lai là những dòng giống ưu trội, các giống trên được đưa từ ống nghiệm ra bầu đất trong các vườn ươm ở nhiều điều kiện khác nhau, đạt tỷ lệ cây sống trên 90%; do vậy đã được Hội đồng khoa học Nhà nước đánh giá cao.
Quy trình kỹ thuật nhân cây giống hiện đại theo phương pháp cấy mô và giâm hom đã được Viện đưa ra áp dụng rộng rãi trong sản xuất, hàng năm Viện đã cung cấp cho thị trường 3 triệu cây giống theo phương pháp cấy mô và 3 triệu cây giống theo phương pháp giâm hom với giá 100 đồng/cây đã được người trồng rừng chấp nhận, vì nó đã đem lại lợi ích to lớn cho người trồng rừng. Kết quả khả quan đề tài này, không những nhân nhanh được diện tích rừng mà còn đảm bảo cho cây mang toàn bộ tiềm năng di truyền cây bố, mẹ của chúng; đó là các tính sẵn có như: tốc độ sinh trưởng, dạng thân cây, chất lượng gỗ, cây gỗ thẳng và cành, nhánh ít hơn.
Từ kết quả trên, Viện đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật vườn ươm theo phương thức công nghiệp là chuyển từ gieo ươm cây trên bầu đặt trực tiếp trên luống nền cứng, bằng phương pháp treo trên giàn tạo cho cây môi trường sống độc lập ngay từ lúc mới cấy, trong quá trình sinh trưởng, cây không có cơ hội lệ thuộc vào nguồn nước, dinh dưỡng ngoài bầu cây như đặt trực tiếp trên nền đất; điều đó làm cho cây chịu đựng được các điều kiện bất lợi khi đưa lên đồi trồng và còn hạn chế được sự xâm nhập của nấm bệnh.
Sau 5 năm từ khi đề tài nhân giống chọn lọc của Viện được công nhận, diện tích rừng trồng của Viện có 3000 ha rừng bạch đàn, 20.000 ha rừng keo (một số diện tích rừng đã được thu hoạch, bình quân đã đạt được từ 20 đến 25 m3/ ha so với diện tích trồng cây bằng hạt đại trà tăng 15 m3/ ha).
Điều đó đã khẳng định công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom cùng với kỹ thuật thâm canh đồng bộ đã tạo cho ngành trồng rừng một hướng đi mới đạt năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhanh hơn./.
Nguồn tin: TTXVN |