Nên trồng giống bưởi nào?
Do nhãn bị rớt giá, chúng tôi đang có ý định bỏ nhãn để trồng bưởi,
nhưng chưa biết nên trồng bằng giống nào. Xin được giới thiệu một số nét cơ bản
của những giống bưởi đang được trồng phổ biến?
Một giống bưởi tốt phải đạt được những yêu cầu là năng suất
cao, ổn định, ít nhiễm các sâu bệnh quan trọng. Dạng quả hình quả lê hoặc hình
cầu, vỏ trái sáng đẹp, vỏ dày trung bình, vách múi dễ tróc, con tép bó chặt,
ngon, ngọt, không xơ, không the đắng, nước quả nhiều, ráo, không hoặc ít hột.
Bưởi Năm Roi:
Được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và khá
nhiều ở các tỉnh Cần Thơ (cũ), Tiền Giang, Bến Tre … Trong quá trình chọn lọc,
Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm
Roi tốt, có các đặc điểm như : Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con
tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không
the đắng và đặc biệt là không hạt.
Bưởi da xanh:
Có nguồn gốc ở Bến Tre được trồng khá nhiều ở xã Mỹ Thạch An,
thị xã Bến Tre, hiện đang được trồng nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh
Long… Quả có dạng cầu, vỏ vẫn giữ màu xanh khi chín, con tép tróc khỏi vách múi
tốt, tép múi màu đỏ hồng, nước quả khá, vị ngọt không the đắng, nhược điểm của
giống này là có nhiều hạt.
Bưởi đường lá cam:
Được trồng nhiều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình
Dương). Dạng quả khá đẹp, phẩm chất ngon được thị trường trong và ngòai nước ưa
chuộng. Quả có trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2 kg/quả. Dạng quả có hình quả lê
thấp, vỏ quả khi chín có màu vàng xanh, láng, nhẵn và tróc rất tốt. Các con tép
bó chặt, vị ngọt rất ngon. Nhưng lại có nhược điểm là có khá nhiều hạt.
Bưởi Phúc Trạch:
Có nguồn gốc ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện tại được trồng ở hầu khắp 28 xã trong huyện và các vùng lân cận. Bưởi Phúc
Trạch được nhiều người xếp vào hàng một trong những giống bưởi ngon nhất nước ta
hiện nay. Trái hình cầu hơi dẹt, vỏ trái mầu vàng xanh. Trọng lượng trung bình
từ 1-1,2kg/trái. Mầu sắc thịt trái và tép múi phớt hồng, vách múi giòn dễ tách
rời, thịt trái mịn, đồng nhất, vị ngọt hơi chua. Độ Brix từ 12-14. Thời gian thu
họach vào khỏang tháng 9 hàng năm.
Bưởi Đoan Hùng:
Hiện được trồng nhiều ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, trên đất
phù sa ven sông Lô và sông Chảy. Có hai giống được coi là tốt nhất, đó là bưởi
Tộc Sửu (xã Chí Đàm) và bưởi Bằng Luân (xã Bằng Luân).Bưởi Bằng Luân trái hình
cầu hơi dẹt, trọng lượng trung bình 0,7-0,8 kg/trái, vỏ trái mầu vàng hơi xám
nâu, tép múi mầu trắng xanh, mọng nước, thịt trái hơi nhão. Vị hơi lạt, độ Brix
từ 9-11. Được thu họach vào tháng 10, tháng 11, có thể để được lâu sau khi thu
hái. Bưởi Tộc Sửu trái lớn hơn, trọng lượng trung bình từ 1-1,2 kg/trái. Thịt
trái nhão ít hơn giống bưởi Bằng Luân, vị ngọt lạt và có màu trắng xanh. Thu
họach sớm hơn bưởi Bằng Luân khỏang nửa tháng.
Bưởi Diễn:
Được trồng nhiều ở Phú Diễn, Phú Minh (Từ Liêm, Hà Nội). Bưởi
Diễn có thể là một biến dị của bưởi Đoan Hùng. Trái tròn, vỏ trái nhẵn khi chín
mầu vàng cam. Trọng lượng trung bình từ 0,8-1 kg/trái. Múi và vách múi dễ tách
rời nhau. Thịt trái mầu vàng xanh, ăn giòn, ngọt. Độ Brix từ 12-14. Thời gian
thu hoạch muộn hơn bưởi Đoan Hùng, thường trước Tết Nguyên đán khỏang nửa tháng.
Trên đây là một số giống bưởi đang được bà con nhà vườn ưa
thích và trồng nhiều. Các bạn có thể tham khảo và chọn lựa giống nào sao cho thù
hợp nhất với điều kiện đất đai, thời tiết, tập qúan canh tác… của địa phương
mình.
Nguồn tin: NNVN (Daily
News) |