Nâng cao chất lượng giống trong sản xuất điều và hồ tiêu
Theo Gs.Ts Phạm Văn Biên (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), sản xuất điều và hồ tiêu hiện vẫn còn nhiều yếu kém về chất lượng mà nguyên nhân hàng đầu là do công tác giống chưa được coi trọng đúng mức, làm giảm đáng kể giá trị xuất khẩu. Để nâng chất lượng cho điều và hồ tiêu trong cả nước, trong giai đoạn 2006-2010, trước hết cần phải tập trung vào các nỗ lực nâng cao năng suất điều và tiêu bằng cách phát triển và ứng dụng các giống ghép mới có năng suất và chất lượng cao hơn.
Đối với điều, đó là các loại giống như PN1, CH1, MH5/4, MH4/5, MH 2/7, MH 2/6, MH 3/5 cho vùng Đông Nam bộ; hai giống DH 66-14 và DH 67-15 cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và 5 giống ES-04, EK-24, BĐ-01, KP-11 và KP-12 cho vùng Tây Nguyên.
Chúng ta cần nhập và thử nghiệm một số giống điều có triển vọng từ Uc, Brazil và Thái Lan để đa dạng hoá nguồn gien cây điều. Đối với hồ tiêu, vấn đề đầu tiên cần quan tâm vẫn là phải phổ biến rộng rãi các giống tiêu thích nghi tốt như Vĩnh Linh, Panniyur và Karimunda thay dần các giống tiêu cũ cho năng suất thấp. Áp dụng rộng rãi các qui trình tiên tiến trong nhân giống, trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước tiết kiệm. Khuyến khích hộ nông dân thực hiện hệ thống đa canh để giảm bớt sự lệ thuộc vào một sản phẩm và giảm rủi ro khi giá thị trường biến động.
Các sản phẩm tiêu xuất khẩu cần được đa dạng hoá hơn hiện nay như làm tiêu ngâm, tiêu xanh khô, tinh dầu tiêu, kẹo tiêu... Diện tích trồng điều của nước ta năm 2004 là khoảng 350.000 ha, nhưng có tới 250.000 ha trồng bằng hạt; giống không được chọn lọc, do đó nhiều vùng trồng điều năng suất thấp, chất lượng hạt kém, kích cỡ hạt nhỏ và không đều. Tuy là một trong số 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu hiện nay là nhân điều thô nên giá trị xuất khẩu thấp.
Mối liên kết giữa người trồng điều-đại lý thu mua-nhà máy chế biến- các doanh nghiệp xuất khẩu còn rất lỏng lẻo, gây ra tình trạng tranh giành nguồn hàng, đẩy giá nguyên liệu hạt điều lên cao một cách giả tạo, tự gây khó khăn cho cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mặt khác, chúng ta chưa có các hoạt động xúc tiến thương mại hữu hiệu nên chưa mở rộng được những thị trường còn nhiều tiềm năng ở bên ngoài. Thực trạng trồng hồ tiêu cũng có nhiều hạn chế không kém.
Diện tích trồng tiêu cả nước là khoảng 52.000 ha, phần lớn trồng ở qui mô nông hộ nhỏ lẻ với diện tích bình quân 0,2 đến 0,3 ha/hộ, cản trở việc thâm canh tăng năng suất. Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, nhưng phần lớn lượng hồ tiêu xuất khẩu của ta là theo tiêu chuẩn FAQ có giá thấp hơn so với xuất khẩu theo tiêu chuẩn ASTA khoảng 300 USD/ tấn và thấp hơn giá tiêu trắng cùng tiêu chuẩn của ấn độ, Inđônêxia và Malaixia khoảng 900 USSD/tấn./.
Nguồn tin: TTXVN (Daily News)
|