Đánh giá nhanh độ thuần hạt giống rau F1
Trong những năm gần đây, nhu cầu hạt giống rau F1 cho sản xuất tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu này, bên cạnh việc nhập khẩu, nhiều đơn vị, tổ chức trong nước đã tự sản xuất giống. Tuy nhiên, chất lượng hạt giống luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất. Theo Trần Thượng Tuấn (1992) và Trịnh Hoài Vũ (2003) thì độ thuần và tỷ lệ nẩy mầm là 2 chỉ tiêu chủ yếu thể hiện chất lượng của lô hạt giống.
Thông thường, để đánh giá độ thuần của lô hạt giống trước khi đưa ra sản xuất người ta thường áp dụng phương pháp khảo nghiệm đồng ruộng để theo dõi cây khác dạng. Tuy nhiên, việc đánh giá theo phương pháp truyền thống này thường không chính xác (do ảnh hưởng của môi trường) và mất thời gian, tốn kém.
Trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp điện di protein SDS-PAGE để đánh giá độ thuần của một số bộ hạt giống rau các loại. Hạt giống rau đưa vào đánh giá là loại hạt lai F1 được sản xuất trong nước và nhập khẩu (Pháp, Thái Lan) hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường.
Thông qua phổ điện di protein, việc đánh giá được thực hiện bằng mắt thường dựa trên mức độ ăn màu (CBB-250) nhằm phát hiện các cá thể không thuần. Điều này có nghĩa là tất cả các protein trong cùng một giống trên phổ điện di của mỗi cá thể nếu có sai biệt về mức độ ăn màu được xem là không thuần. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn một số chủng loại hạt giống rau F1 đang được bán rộng rãi trên thị trường để đưa vào đánh giá. Trong đó bao gồm: Dưa hấu: 6 giống; dưa leo, cà chua, ớt mỗi loại 3 giống. Đây là những hạt giống rau F1 được sản xuất trong nước và nhập khẩu (Pháp, Thái Lan…). Mỗi lô hạt giống lấy ngẫu nhiên 20 hạt để đưa vào đánh giá.
Dựa trên kết quả chạy điện di protein của từng lô hạt giống của mỗi loại rau cho thấy, độ thuần của dưa hấu: 47,7- 80%, dưa leo: 55-60%, cà chua: 35-40%, ớt: 45-75%. Như vậy, theo tiêu chuẩn (322-1998) của Bộ Nông nghiệp-PTNT quy định về độ thuần của hạt giống phải đạt 98% thì tất cả những lô hạt giống trên đều không được phép lưu hành trong sản xuất. Trong số 6 lô hạt giống dưa hấu cũng chỉ có 2 lô có độ thuần 80% (một do trong nước sản xuất và một lô được nhập khẩu từ Pháp). Lô có độ thuần thấp nhất (47,4%) do một công ty của Thái Lan sản xuất. Những lô hạt giống này đều được đựng trong bao bì có ghi rõ các chỉ tiêu kỹ thuật của lô giống đó, đặc biệt là độ thuần đều được ghi từ 98 - 99%.
Tuy nhiên kết quả đánh giá lại hoàn toàn trái ngược.
Như vậy, việc ứng dụng kỹ thuật điện di protein trong đánh giá chất lượng hạt giống mặc dù đòi hỏi kỹ thuật cao, song lại nhanh cho kết quả (khoảng 10 ngày) với độ chính xác cao và có thể áp dụng với nhiều chủng loại hạt giống cây trồng.
Nguồn tin: NNVN (Daily News) |