Sản xuất và sử dụng cây giống bưởi sạch bệnh ở các tỉnh phía nam Việt Nam
Đầu tư trong việc sản xuất cây giống chất lượng cao luôn mang
lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho một chiến lược quản lý vườn quả . Do dịch bệnh
VLG và những bệnh do virus hoặc tương tự virus trong các vườn quả cây có múi ở
ĐBSCL là rất nghiêm trọng. Cho nên, chất lượng cây giống cây có múi đặc biệt là
cây giống sạch bệnh VLG trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc cải thiện
ngành trồng cây có múi ở nước ta. Quản lý cây có múi ở Việt Nam cần phải có đầu
tư cả về khoa học kỹ thuật lẫn quản lý nhà nước đến với một chương trình cây
giống có chứng nhận.
Cho đến nay, Viện NCCAQMN với chương trình nghiên cứu và ứng
dụng thành công về quy trình sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh bằng vi
ghép và indexing bệnh đã có 194 cây đầu dòng S0 được sản xuất và bảo quản ở vườn
cây (nhà lưới) của Viện để nhân giống và cung ứng cho vùng. Trong các chủng loại
cây có múi ở Việt Nam, bưởi là một trong những đối tượng đang có tiềm năng xuất
khẩu.
Do đó, tăng cường sử dụng cây giống bưởi sạch bệnh và quản lý tổng hợp
vườn bưởi chống tái nhiễm là những công việc quan trọng cho việc cải thiện sản
phẩm bưởi hàng hóa.
Bài báo cáo này trình bày một số kết quả liên quan các nội
dung: sản xuất cây đầu dòng bưởi chứng thực (So và S1 ) và quản lý tổng hợp bệnh
VLG trên mô hình trồng bưởi Đài Loan trong khuôn khổ hợp tác với FFTC.
Sản xuất cây đầu dòng bưởi So/S1 chứng thực theo quy trình vi
ghép cây có múi và indexing bệnh
Mô hình trồng bưởi sạch bệnh:
Mô hình trồng bưởi được thiết kế bởi Giáo sư Yang thuộc Đại học
Chung Shing, Đài Loan, gồm 2 điểm thực hiện:
- Mô hình 1: tại Trại Thực nghiệm Viện Nghiên cứu Cây ăn quả
miền Nam diện tích 1.600 m2 trồng 65 cây.
- Mô hình 2: xã Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang,
diện tích 1.715 m2 trồng 49 cây.
- Giống: bưởi 5 roi, gốc ghép Volkameriana.
- Thời gian trồng: tháng 6 năm 2000.
- Chỉ tiêu quan sát: Điều tra sâu bệnh hại quan trọng trên tất
cả các cây trong vườn, thời gian 1 lần/ tuần .
- Rầy chổng cánh (Diaphorina citri),
- Sâu vẽ bùa (Phyllocnistic citrella),
- Rầy mềm (Toxoptera spp.),
- Bệnh HLB và Tristeza (CTV) được kiểm tra bằng PCR và ELISA
hàng năm
- Thuốc được xử lý trên vườn khi mật số sâu bệnh cao.
Kết quả và thảo luận
Sản xuất cây đầu dòng So và bảo quản trong lô cây mẹ ở Viện
Có 12 giống bưởi thương phẩm ưu tú được chọn lọc và thông qua
quy trình vi ghép, indexing bệnh để sạch hóa và thiết lập cây đầu dòng cấp S0
với nhãn chứng thực của SOFRI. Từ cây S0, Viện đã sản xuất cây S1 và cung ứng
cho các nhà lưới trong vùng. Ngoài ra, cây giống bưởi sản xuất cung ứng cho nông
dân từ năm 1996 đến nay tổng số khoảng 25.000 cây.
Kết quả quản lý mô hình bưởi sạch bệnh
- Quản lý vườn cây
Mô hình được chuẩn bị trồng cây từ tháng 5 đến tháng 6 năm
2000, theo hướng dẫn của Giáo sư Yang, Đại học Chung Shing thực hiện trên vùng
thấp có mực nước cao trong tháng mùa mưa, kỹ thuật cần thiết giúp cho vườn thoát
thủy tốt tránh đọng nước đảm bảo hệ thống rễ phát triển tốt. Chuẩn bị hố trồng
cây có kích thước 1,5m x 1,5m x 1,2m, dưới hố được phủ một lớp đá 4/6 dày 30cm
để ngăn cản rễ phát triển xuống, mỗi hố trồng được nối liền bởi hệ thống thoát
nước trên mặt và dưới đáy hố với hố ga để quản lý mực nước thoát trong tháng mưa
và tưới trong tháng nắng.
Phân bón: Phân hữu cơ 30 kg/ cây/ năm, lần bón đầu trước khi
trồng cây. Đối với phân vô cơ bón 300g NPK(16-16-8) cho mỗi cây/ năm.
Sau khi trồng 15 ngày cắt ngang thân cách mặt đất 60 cm và chọn
3 cành chính chung quanh thân để phát triển. Cành chính sẽ được tạo tán sau
khoảng 5 tháng phát triển. Đầu tiên dùng cọc tre cột tạo thành góc 30 độ với
thân chính và phân bố đều chung quanh thân. Đọt non trên cành chính để phát
triển bình thường chỉ hạn chế chiều dài phát triển cành bằng cách bấm ngọn khi
đọt non vừa phát triển, giúp cành sinh trưởng mạnh và mập khỏe. Tỉa cành sẽ được
tiến hành năm thứ 2, chuẩn bị cho đợt ra trái đầu tiên năm thứ 3.
Nước được cung cấp đầy đủ trong mùa khô, kết hợp phủ cỏ mặt
đất.
- Quản lý sâu bệnh hại
Rầy chổng cánh Diaphoria citri Kuw
Do rầy chổng cánh (RCC) là môi giới truyền bệnh HLB nên được
đặc biệt lưu ý. RCC được điều tra trên tất cả cây trên vườn mỗi tuần, kết hợp
bẫy màu vàng để phát hiện RCC xuất hiện trên mô hình. Ngoài ra các cây trên vườn
được kiểm tra bệnh HLB hàng năm bằng PCR.
Trên mô hình Thới Sơn, RCC ghi nhận có mặt sớm sau khi trồng 2
tháng, vào 30/8/2000, mặc dù khu vực này tương đối cách biệt với vùng trồng cam
quít, đây là cù lao trồng chủ yếu cây nhãn. Mật độ RCC hiện diện trên vườn cao
thay đổi từ 0,1-7,8 rầy/ đọt. Do năm đầu sau trồng cây còn nhỏ, tăng trưởng dinh
dưỡng mạnh, có nhiều đợt ra đọt non liên tục tạo điều kiện hấp dẫn rầy, và mật
số RCC xuất hiện cao trong các tháng mùa khô từ tháng 12 đến tháng 6, khi mật độ
cao nhất đạt 7,8 rầy/ đọt vào tháng sáu đầu mùa mưa, đây là giai đoạn cây trên
vườn có nhiều đọt nhất, cũng là giai đoạn rầy chổng cánh phát triển nhiều trong
năm. Kiểm tra bệnh HLB trên mô hình được tiến hành 2 lần trong năm 2001 và 2002.
Đối với mô hình Thới Sơn lần đầu ghi nhận 11 cây có triệu chứng
nhiễm HLB qua môi giới RCC truyền bệnh và lần 2 là 2 cây nhiễm bệnh. Tổng số 13
cây bị tái nhiễm bệnh qua môi giới truyền lan rầy chổng cánh sau 2 năm trồng
chiếm tỉ lệ 26,6 %. Trên mô hình SOFRI, có 2 cây ghi nhận tái nhiễm HLB, chiếm
tỉ lệ 3,1% . Tất cả những cây sau khi xác định bị tái nhiễm được trồng lại.
Bệnh Tristeza cũng được kiểm tra vào năm 2001, cho thấy sự tái
nhiễm xảy ra mau chóng. Trên 2 mô hình SOFRI và Thới Sơn bị tái nhiễm sau 8
tháng trồng với tỉ lệ 7,7 % và 14,3 %. Sự tái nhiễm bệnh Tristeza liên hệ với
mật số rầy mềm ghi nhận xuất hiện trên mô hình .
Sâu vẽ bùa (Phyllocnistic citrella) và rầy mềm (Toxoptera spp)
ghi nhận xuất hiện quanh năm, khi cây có đọt non nhưng mật độ không cao. Vì qua
phòng trừ RCC cũng đồng thời phòng trừ cả 2 loài trên. Tuy nhiên rầy mềm xuất
hiện sớm trên mô hình, đây là lý do sự tái nhiễm của Tristeza. Những sâu hại
khác như rệp sáp (scale) nhện, bù lạch có xuất hiện nhưng không quan trọng.
Phòng trừ bằng thuốc hóa học được thực hiện khi ghi nhận có RCC
xuất hiện trên mô hình. Đã sử dụng 10 loại thuốc trừ sâu và 2 loại thuốc trừ
bệnh, mục tiêu chủ yếu phòng trừ RCC và bệnh loét (canker) .
Kết luận và đề nghị
- Có 12 giống/dòng bưởi được chọn lọc làm cây đầu dòng So và
được lưu trữ, bảo tồn ở lô cây đầu dòng của Viện
- Việc quản lý tổng hợp mô hình cây bưởi sạch bệnh bao gồm
nhiều kỹ thuật hợp phần, trong đó sử dụng cây giống sạch bệnh và bảo vệ môi
trường là 2 yếu tố quan trọng.
Nguồn
Vietnamese Website
|