Giống là tiền đề phát triển chăn nuôi hàng hoá
ĐNB và ĐBSCL là 2 vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Với lợi thế ở trong vùng có mật độ dân cư đông đúc, tiềm lực kinh tế khá cao so với vùng khác, cộng thêm tập quán ăn uống sử dụng thịt, trứng, sữa nhiều đã làm cho khu vực này trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất nước. Vớt sự thuận lợi về thiên nhiên, khí hậu, đất đai đã làm cho ngành chăn nuôi nơi đây có rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là heo, gia cầm, bò sữa, bò thịt…
Hiện cơ cấu ngành chăn nuôi các tỉnh trong vùng thể hiện sự thay đổi rõ rệt về chất, góp phần cải thiện năng suất trong chăn nuôi. Cụ thể, thông qua chương trình nạc hoá đàn heo, đến nay đàn heo các tỉnh phía Nam đã được cải thiện nhanh chóng, đàn heo ngoại và heo lai chiếm khoảng 80 - 90% tổng đàn, tỷ lệ nạc bình quân đạt 48 - 50% với hệ số tiêu tốn thức ăn 3.1 - 3.3 kg. Riêng đối với heo nọc làm việc, các giống Duroc và đực lai Dpi/PiD rất được ưa chuộng. ĐBSCL có tốc độ tăng sản lượng thịt heo hàng hoá đứng thứ 2 trong cả nước (sau ĐNB) đạt tỷ lệ tăng 15% so với năm 2003, cao hơn nhiều so với mức tăng đàn là 7%.
Hiện tỷ lệ nạc của đàn heo lai bình quân trên 48%, cao hơn nhiều so với các giống heo địa phương trước đây như Thuộc Nhiêu và Ba Xuyên (chỉ 38%). Chính vì thế, thời gian tới, ĐNB và ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình nạc hoá đàn heo, đặc biệt là chương trình thụ tinh nhân tạo để đưa nhanh giống tốt đã thích nghi với điều kiện Việt Nam vào sản xuất.
Về cơ cấu giống vịt, các bộ giống vịt cao sản như CV Super Meat, Khakicampbell, CV 2.000 hiện đang được nuôi phổ biến và phát huy tiềm năng con giống. Hiện tại, giống vịt thịt cao sản chiếm 20 - 25%, vịt trứng cao sản chiếm 10%, vịt địa phương và vịt lai chiếm 65%. Hiện nay ở ĐNB và ĐBSCL tồn tại 2 hệ thống chăn nuôi gà, gồm gà thả vườn và gà công nghiệp. Các giống gà công nghiệp phổ biến là Hubbard, ISA Brown.
Các giống gà thả vườn là Tam Hoàng, Lương Phượng, BT2. . . Trong tình hình dịch cúm gia cầm phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt, vịt là đối tượng có nguy cơ lan truyền bệnh nhanh thì việc tạm thời áp dụng các biện pháp mạnh như hạn chế, ngừng nuôi theo phương thức truyền thống là hết sức cần thiết. Điều cần làm hiện nay là phải đầu tư nghiên cứu thử nghiệm các mô hình chăn nuôi gà, vịt với quy mô khác nhau, địa hình sinh thái khác nhau, phương thức nuôi dưỡng khác nhau để tìm ra mô hình chăn nuôi bền vững nhất, giảm nguy cơ dịch cúm gia cầm nhất.
Đối với chăn nuôi đại gia súc thông qua chương trình cải tạo đàn bò, đến nay đàn bò lai Zebu tại ĐNB và ĐBSCL chiếm khoảng 30 - 35% tổng đàn với năng suất tăng cao hơn đàn bò địa phương từ 20 - 40%. Chương trình sữa quốc gia cũng đã nhập và lai tạo được một số giống bò tốt như Holstein và lai F1, F2... Các giống bò thịt có năng suất cao như Draught Master, Charolaise, Hereford, Brahman và các con lai của chúng cũng đã tỏ ra thích nghi tốt. Song song với chương trình bò sữa cần đẩy mạnh chương trình phát triển bò thịt và có thể coi đây là chương trình cho tất cả các tỉnh vì việc nuôi bò thịt đơn giản hơn, chăm sóc nuôi dưỡng dễ dàng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn và thị trường thịt hiện cũng lớn hơn hẳn thị trường sữa.
Đức Cường (Báo Nông nghiệp) |