Rầy nâu và giống cho lúa hè thu chính vụ.
ĐBSCL đang vào vụ gieo cấy lúa hè thu.Một trongnhững vấn đề nhà nông quan tâm là giống lúa kháng sâu rầy gây bệnh hại lúa.Nhịp cầu nhà nông kỳ này có nhiều nhà khoa học tham gia trao đổi đề tài mà bạn nhà nông quan tâm.
VỚI SỰ THAM GIA:
* PGS.TS. Mai Thành Phụng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống rầy nâu, công tác tại T/T Khuyến nông Quốc gia Phía Nam. * PGS. TS. Phạm Văn Kim - Bộ môn BVTV, Khoa NN & SHƯD - Đại học Cần Thơ. * ThS. Nguyễn Văn Liêm - Phó Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long. * KS. Tiêu Minh Tâm - Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Công ty CP BVTV An Giang - Đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện chương trình.
PGS. TS. Mai Thành Phụng: Cơ cấu giống lúa cho vụ hè thu (HT). Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT là không nên sử dụng một loại giống có diện tích vượt quá 40% cơ cấu giống của một vùng, địa phương. Đặc biệt khống chế những giống nhiễm rầy nâu nặng dưới mức 10%, nếu trên 10% phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Có 14 giống lúa chống chịu rầy nâu trung bình đến khá: VNĐ 95-20, IR 64, OM 2517, AS996, OMCS 2000, OM 3536, OM 1723, OM 2395, IR 50404, OM 576, OM 4495, OM 4498, MTL 325 và OM 2822. Trong đó IR 64 không khuyến cáo nhiều trong vụ HT nhất là những vùng đất phèn. Hai giống IR 50404 và OM 576 thì bạc bụng và thoái hóa cần phục tráng lại, OM 2822 hơi dài ngày và tỷ lệ lép cao.
8 giống lúa cần hạn chế dưới 10%: Jasmin 85, Nếp, VĐ 20, ST3, OM 1490, OM 2717, OM 2718, OM 2514.
Tuy nhiên, giống chỉ là một biện pháp cần phải kết hợp với 3 giảm 3 tăng dựa trên quy tắc trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên. Nên sử dụng giống xác nhận và nếu có điều kiện tốt nên sạ hàng.
* Hỏi: Khi đã thu hoạch hết lúa thì rầy nâu thường lưu trú ở đâu?
Đáp (PGS.TS. Phạm Văn Kim): Rầy nâu rất thích cây lúa chỉ khi nào trên ruộng không còn lúa nữa nó mới sống trên một số loại cỏ. Phần lớn khi lúa sắp sửa thu hoạch thì rầy nâu mọc cánh và di chuyển đi tìm nơi có lúa để gây hại. Nếu trên ruộng lúa của bà con có lúa chét và lúa rày mọc lên thì đây là nơi rầy nâu sống. Việc rầy nâu sống được trên cỏ là rất ít trong điều kiện chúng ta hiện nay, vì trong vụ HT này có lúa liên tục trên cùng một cánh đồng nên rầy nâu từ ruộng sắp thu hoạch nhảy sang ruộng mới sạ để tiếp tục sống.
* Hỏi: Vụ HT nên sạ lúa lúc nào là tốt nhất trên vùng đất không làm 3 vụ. Xin hướng dẫn cách làm đất thật tốt?
Đáp (Ths. Nguyễn Văn Liêm): Vụ HT thường xuống giống vào khoảng tháng 3,4,5 và thu hoạch vào tháng 7,8,9. Trước đây do điều kiện thủy lợi chưa tốt nên sau khi thu hoạch lúa đông xuân (ĐX) hoặc lúa mùa xong thì để đất nghỉ một thời gian chờ có mưa mới xuống giống, thời điểm xuống giống thường vào vụ HT. Những năm gần đây có hệ thống thủy lợi tốt hơn, một số nơi sau khi thu hoạch lúa ĐX bà con chủ động xuống giống lại vụ lúa HT. Do đó, tùy theo điều kiện thủy lợi của từng vùng, từng nơi mà tiến hành cày ải phơi đất khoảng 1 tháng rồi đưa nước vào ruộng để sạ. Trong điều kiện bà con muốn xuống giống sớm để tranh thủ thời vụ, thì không nên áp dụng cứng nhắc mà tùy theo điều kiện đất đai, điều kiện thủy lợi để đảm bảo sản xuất 3 vụ lúa. Sau một vụ lúa bà con nên cày ải phơi đất vì vụ HT trời nắng nên lợi dụng để phơi đất khoảng 1 tháng, sau đó đưa nước vào ruộng để tích lũy một số dưỡng chất và cắt đứt mầm sâu bệnh.
* Hỏi: Thế nào là giống nguyên chủng, giống xác nhận, giống lúa và lúa giống? Một số giống lúa cho năng suất cao trong vụ ĐX nếu lấy giống lúa đó sạ cho vụ HT có cho năng suất như vụ ĐX hay không? Giống lúa Jasmin 85, OMCS 2000 biện pháp quản lý rầy nâu như thế nào khi sạ thưa? Vụ HT mưa nắng thất thường có nên áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng hay không? Trong 3 giảm 3 tăng thì khâu nào quan trọng nhứt?
Đáp (PGS.TS. Mai Thành Phụng): Giống tác giả do nhà khoa học sáng tạo ra thí dụ như VNĐ 95-20 do đột biến từ IR64 chọn lọc rất nhiều thế hệ. Siêu nguyên chủng từ giống tác giả nhân ra với qui trình rất nghiêm ngặt có độ thuần 100% , giống nguyên chủng có độ thuần 99,75%, giống xác nhận là 99,5%. Ngoài ra phải đảm bảo độ nảy mầm ít nhứt trên 85%.
Giống lúa là danh từ chung để gọi thí dụ như giống lúa thơm VNĐ 95-20, VĐ20... Còn lúa giống chỉ mục đích để sử dụng. Khi lai tạo các nhà khoa học thường chọn đặc tính giống cho năng suất cao ở vụ ĐX và HT cũng phù hợp mới giới thiệu đại trà ra sản xuất. Ví dụ giống OM 2718 phù hợp luôn cả vụ ĐX và HT. Tuy nhiên, cũng có những giống ĐX phù hợp nhưng HT thì kém thí dụ như IR 64, ĐX rất phù hợp năng suất rất cao nhưng vụ HT nhát phèn nhát gió nên lép rất nhiều, năng suất giảm. Do đó mỗi giống lúa có đặc tính chỉ phù hợp với tùy vùng đất, tùy vụ.
Giống Jasmin 85 rất nhiễm rầy nâu, dễ bị vàng lùn và lùn xoắn lá cần phải quản lý rầy nâu sớm ngay từ đầu, ngay cả OMCS 2000 là giống có khả năng chống chịu rầy nâu khá nhưng vẫn phải áp dụng sớm 3 giảm 3 tăng thì mới có kết quả.
Hiện nay hoàn toàn không có giống nào kháng tuyệt đối được rầy nâu, mà chỉ tạm gọi là chống chịu ở mức trung bình hoặc khá. Vì theo nghiên cứu mới nhứt ở TS. Lương Minh Châu - Viện lúa ĐBSCL cho thấy độc chất của rầy nâu đã chuyển biến rất lớn, chứng tỏ bộ giống của chúng ta chống chịu ở mức trung bình. Nếu có giống kháng thì trong quá trình canh tác cũng cần đề cao các qui trình kèm theo như sạ thưa, sạ hàng, dùng giống xác nhận, thăm đồng thường xuyên, không phun những thuốc gây hại thiên địch sớm... nếu phun thuốc phải theo 4 đúng.
Năng suất, chất lượng của một vụ lúa là cả một qui trình từ thời vụ, chọn giống, làm đất, phòng trừ cỏ, IPM, thăm đồng thường xuyên, sử dụng nhuần nhuyễn các loại phân, thu hoạch đúng độ chín, thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch... Chương trình 3 giảm 3 tăng là qui trình chung về quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp. Trong vụ HT này dù mưa nắng thất thường cũng nên áp dụng qui trình thâm canh tổng hợp mà nền tảng vẫn phải bám vào 3 giảm 3 tăng có nghĩa vẫn phải giảm giống để giảm áp lực sâu bệnh vì vụ HT thiếu ánh sáng. Nếu muốn giảm giống bà con cố gắng dọn đất cho tốt, sử dụng những giống có tỷ lệ nảy mầm cao. 3 giảm: giảm giống là không nên sạ quá dày chỉ sạ từ 80-100kg/ha vì sạ dày cây lúa mọc rất yếu về sau sâu bệnh rất nhiều và đặc biệt rầy nâu bộc phát rất cao. Giảm phân đạm, vì dư đạm cây lúa yếu ớt dễ đổ ngã, sâu bệnh nhiều. Chỉ bón vừa đủ hoặc hơi thiếu sau đó bổ sung bằng phân bón lá. Giảm thuốc, khi mức độ gây hại vượt quá mức thì mới dùng thuốc và cần sử dụng theo 4 đúng. Trong tình hình hiện nay cả 3 giảm này đều liên quan với nhau rất quan trọng, tương đương như nhau.
* Hỏi: ĐX vừa qua nông dân đã qua một trận dịch rầy và bệnh đạo ôn, để phòng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tôi đốt đồng đến khi lúa sạ được 30 ngày thì thấy có rầy mật số 3 con/tép lúa. Xin hỏi nên phun thuốc hay chưa hay chờ rầy đến tuổi 3 rồi mới phun thuốc?
Đáp (Ths. Nguyễn Văn Liêm): Trên trà lúa HT sớm, ở một số nơi rầy bắt đầu xuất hiện ở mật số cao và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Mặc dù bà con có đốt đồng nhưng do điều kiện canh tác gần như liên tục nên rầy nâu vẫn có khả năng truyền từ những ruộng khác sang để gây hại.
Để xác định ngưỡng phòng trừ rầy nâu thì dựa vào nhiều yếu tố trong đó chú ý tuổi lúa, tuổi rầy, đặc biệt là yếu tố thiên địch. Theo một số nghiên cứu cho thấy giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi có từ 3-6 con/tép lúa trở lên hoặc từ giai đoạn làm đòng đến trổ có 7-10con/tép thì có khả năng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cũng như năng suất lúa sau này. Do đó, ruộng 30 ngày có 3 con/tép thì nên tiếp tục theo dõi thêm tuổi rầy, chờ rầy đến tuổi 2-3 tiến hành phun thuốc hoặc xem xét thiên địch trên ruộng nhiều hay ít. Không nên phun thuốc khi rầy ở tuổi mới nở hoặc trưởng thành.
* Hỏi: Tại sao các nhà khoa học thường khuyến cáo bà con nên phun thuốc trừ rầy ở tuổi 2-3?
Đáp (PGS.TS. Phạm Văn Kim): Vòng đời rầy nâu bắt đầu từ con rầy lớn mang rất nhiều trứng di chuyển đến ruộng lúa non và tìm cách đẻ trứng trên ruộng lúa, mỗi ngày đẻ vài ổ trứng, có thể đẻ khoảng 20 ổ trứng và đẻ so le nên khi nở không đồng loạt, kéo dài cả tuần lễ. Rầy mới nở là rầy cám tuổi 1 -2 cũng có màu trắng rất nhỏ, tuổi 3 có màu hơi hồng và tuổi 4-5 rồi hình thành con rầy lớn, có trứng và bắt đầu đẻ trứng trở lại. Thông thường con rầy tới ruộng lúc cây lúa còn non và đẻ trứng trong đó, rầy non lớn lên trong khoảng hai mươi mấy ngày thành rầy trưởng thành và tiếp tục đẻ trứng trên bụi lúa đó hoặc nhảy sang bụi lúa lân cận tạo nên nhiều thế hệ. Đến khi lúa gần trổ thì rầy đã di chuyển đi nơi khác. Do vậy, khi phát hiện ra trên ruộng có nhiều rầy nhỏ li ti màu trắng là tuổi 1-2, thì không nên phun thuốc ngay mà phải chờ con rầy đầu tiên chuyển qua tuổi 3 nghĩa là đảm bảo các ổ trứng của một thế hệ rầy đã nở ra hết mới phun thuốc thì tất cả rầy đều chết. Nhưng nếu phun thuốc trễ vào giai đoạn rầy tuổi 4 -5 thì lúc đó rầy đã lớn và tính kháng thuốc sẽ cao hơn là rầy còn nhỏ.
* Hỏi: Vì sao thuốc Actara lưu dẫn kéo dài 3 tuần khi phun thuốc Actara diệt rầy lại cần phải phun đến gốc lúa, hiệu lực kéo dài thì tại sao rầy ở tuổi 1-2 lại không được phun? Thuốc Cruiser dùng để ngâm giống thì ngăn chặn được dịch hại nào? Có loại thuốc nào lưu dẫn từ trên xuống bên dưới hay không?
Đáp (Ks. Tiêu Minh Tâm): Khi sử dụng thuốc bà con cần tuân theo những khuyến cáo của nhà sản xuất và phải phun thuốc xuống dưới tới gốc lúa mới có cơ hội diệt rầy tốt. Một thí nghiệm cho thấy khi phun thuốc bằng cần phun mỗi một bước đi sẽ nhích ra một khoảng trống tạo thành những sọc ở giữa, nhưng nếu đưa cần phun lên cao thì thuốc sẽ đều ở phía trên. Như vậy với những thay đổi như bước đi, cách điều chỉnh cần phun cũng làm cho lượng thuốc trên đồng cũng khác nhau. Bà con cố gắng phun càng nhiều nước càng tốt để thuốc đổ xuống bên dưới tốt hơn và phun Actara ở giai đoạn trước 45 ngày để cắt lứa rầy đầu tiên thành công thì khả năng tạo chu kỳ tiếp theo sẽ không xảy ra, như vậy diệt rầy tốt nhứt.
Thời gian hiệu lực thuốc mang lại tùy thuộc vào cách phun và lượng thuốc phun, nếu phun quá ít thì khả năng phát tán thuốc trên đồng rất ít nên độ lưu bền ngắn lại. Nếu phun không tận chỗ rầy đang ở thì hiệu quả diệt rầy cũng kém, vì rầy nằm ở dưới gốc lúa. Hiện nay, không có thuốc trừ rầy nào có khả năng lưu dẫn từ trên xuống, chỉ có khả năng từ dưới lên, do vậy bà con nâng mực nước lên rồi phun thuốc thì hiệu quả rất cao.
Cruiser là thuốc dùng để xử lý hạt giống để chống những con bọ chích hút (bù lạch, rầy nâu) vào giai đoạn đầu. Cách làm; dùng 5cc thuốc Cruiser trộn với 25kg giống, xử lý vào khoảng 6-12 tiếng đồng hồ trước khi gieo. Hiệu quả mang lại là cây lúa mập hơn, mạnh hơn và khả năng chịu đựng tốt hơn khi bị những con côn trùng tấn công trong 2 tuần đầu tiên.
* Hỏi: Tại sao trên một miếng ruộng rầy nâu thường tập trung tấn công những nơi trũng thấp, có thể rút nước ra để hạn chế sự thiệt hại được hay không?
Đáp (Ths. Nguyễn Văn Liêm): Rầy nâu khi xâm nhập vào ruộng thì có thể tấn công cây lúa ở bất kỳ chỗ nào, tuy nhiên những chỗ trũng khả năng sinh trưởng của cây lúa tốt hơn, đẻ nhánh nảy chồi, sum suê hơn mật độ dày hơn. Mặt khác, cây lúa ở chỗ trũng có nước nên thường non mềm rầy nâu sẽ ưa thích hơn và tấn công nhiều hơn so với những chỗ khác. Biện pháp rút nước không phải là giải pháp tối ưu, vì rầy nâu thường sống ở dưới gốc lúa nếu rút nước thì gốc lúa sẽ bày ra nhiều hơn nên có chỗ để rầy tấn công nhiều hơn. Do đó, tốt nhứt nên sạ thưa bón phân cân đối và kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, để kịp thời phát hiện khi mật số cao thì có thể can thiệp bằng thuốc hóa học.
* Hỏi: Hiện nay, ruộng lúa ở địa phương tôi bị bệnh vàng lùn nhiều xin cho biết có phải do rầy nâu hay do thời tiết nắng hạn? Ngoài rầy nâu còn có côn trùng nào gây bệnh vàng lùn cho lúa hay không? Thuốc trị hiệu quả? Rầy nâu trưởng thành bay vào đèn lúc chập tối xin hỏi lúc này ở ngoài đồng nếu có rầy nâu thì rầy đang ở tuổi mấy? Khi rầy nâu có mang mầm bệnh chích vào cây lúa thì bao lâu cây lúa mới phát bệnh? Bệnh lúa cỏ và bệnh vàng lùn là một bệnh hay bệnh khác nhau?
Đáp (PGS.TS. Phạm Văn Kim): Bệnh vàng lùn do virus gây ra và chỉ do rầy nâu làm môi giới lan truyền. Bệnh vàng lùn và bệnh lúa cỏ thực sự là một do cùng một tác nhân gây ra nhưng có hai dòng khác nhau. Thông thường những con rầy bay vào đèn thường là những con bụng xẹp, không mang trứng nghĩa là đã đẻ trứng ở ngoài đồng rồi. Khoảng 7 ngày sau rầy sẽ nở rộ và cũng khoảng 7-10 ngày sau đó cần phải nghĩ tới phun thuốc trừ rầy nếu mật số quá cao.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi rầy chích hút vào cây lúa khoảng 4-5 ngày thì thể hiện triệu chứng bệnh nhưng tỷ lệ rất ít, chỉ 1-2 con rầy có gây trường hợp đó, phần lớn cây lúa thể hiện triệu chứng bệnh ở 11-12 ngày sau khi bị chích hút. Trong khoảng thời gian ủ bệnh, cây lúa vẫn có khả năng cung cấp nguồn bệnh cho những con rầy nâu khác lấy để truyền bệnh cho những cây lúa khác, do đó bà khi con phát hiện ra trên ruộng lúa mình có bệnh vàng lùn, nghĩa là trước đó 10-15 ngày đã có một đợt rầy nâu đến và truyền bệnh. Có những trường hợp con rầy nâu mang ít mầm bệnh nên sau khoảng 20 ngày cây lúa mới thể hiện triệu chứng bệnh.
* Hỏi: Giống lúa IR50404 có tính kháng rầy khoảng bao nhiêu phần trăm, độ cứng cây ít hay nhiều? Khi bị rầy thì sử dụng thuốc gì? Năng suất tối đa?
Đáp (PGS.TS. Mai Thành Phụng): Cho tới thời điểm này giống IR 50404 được các cơ quan nghiên cứu đánh giá có tính chống chịu rầy ở mức hơi nhiễm (cấp 5). Đặc điểm ngắn ngày khoảng 85-88 ngày. Độ cứng cây trung bình. Tuy nhiên có nhược điểm là bạc bụng.
Để quản lý rầy nâu bà con cần quản lý ngay từ đầu những biện pháp tổng hợp: sạ thưa sạ hàng, bón phân cân đối... nếu rầy tới ngưỡng cần phun thì nên sử dụng các loại thuốc đặc trị như Cruiser (xử lý giống), Actara, Bassa, Mypcin... Năng suất vụ đông xuân có thể đạt 7-8 tấn/ha, hè thu 5-6 tấn/ha. Đây là giống có diện tích trồng rất lớn, có khả năng thích nghi rất rộng. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến cáo mở rộng diện tích giống này ra nữa vì nếu trên 40% cơ cấu giống sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và bị áp lực rầy. Thứ hai do bị bạc bụng nên chỉ tiêu thụ nội địa là chính và bị thoái hóa nên cần phục tráng lại.
* Hỏi: Để quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn trong vụ HT này thì bà con mình cần thực hiện những biện pháp gì ?
Đáp (PGS.TS. Phạm Văn Kim): Một số vấn đề cần quan tâm:
- Áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng để giảm sự thu hút rầy nâu đến ruộng lúa: sạ thưa; giảm phân đạm, bón theo nhu cầu cây lúa; khi ngâm ủ giống sử dụng Cruiser để xử lý hạt trước khi đem gieo cũng mang lại hiệu quả trong giai đoạn đầu.
- Phải theo dõi ruộng thường xuyên để quyết định khi nào nên phun thuốc trừ rầy. Chú ý không chỉ chọn đúng loại mà cần phải phun đúng cách để thuốc xuống tới gốc lúa thì mới có hiệu quả. Một kinh nghiệm mà bà con nông dân áp dụng từ hơn 20 năm đến nay vẫn còn có hiệu quả khi lúa đã giáp tán đó là rải thuốc. Trộn thuốc có tính lưu dẫn như Bassan, Bassa, Padan... với dầu gazol (0,5 lít/công lúa) sau đó lấy dầu có thuốc này trộn với tro trấu và cát. Phải nhớ mang bao tay và bịt khẩu trang. Trước khi rải thuốc cần phải bơm nước vào trong ruộng để khi hạt cát nặng rớt xuống, dầu trong cát sẽ nổi lên trên và thuốc phát huy tác dụng. Còn những hạt trấu dính dầu và sẽ dính trong thân bẹ cây lúa làm cho thuốc thấm xuống và giết chết con rầy.
- Không lơ là đối với bệnh vàng lùn vì có thể gây thiệt hại nặng. Những vùng có bệnh vàng lùn nặng thì phần lớn con rầy đều có mang mầm bệnh. Bằng kỹ thuật cao các nhà khoa học đã xác định có khoảng 30% con rầy bắt được có mang mầm bệnh. Với tỷ lệ này thì số rầy đến ruộng bà con truyền bệnh sẽ rất cao do đó khi thấy có rầy mang trứng tới cần diệt ngay. Sau khi phun, cần theo dõi tiếp để quyết định thời gian phun lại diệt trứng rầy nở ra để hạn chế bệnh vàng.
- Bệnh vàng lùn thường xuất hiện sớm khoảng 25-35 ngày sau sạ, nếu phát hiện thì nhổ liền không để cho nó lây lan và những bụi lúa lân cận sẽ nhảy chồi lấp cái khoảng trống đó như vậy sẽ giảm được thiệt hại do bệnh vàng lùn gây ra.
bannhanong.vietnetnam.net (24/4/2006)
(Nguồn:CTOl-BTK NCNN)
|