Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Giống

"Thần mã" Đức Hòa -Long An.

Hình ảnh “ngựa kéo xe” chở hàng hóa, lúa thóc... nay đã là “quá khứ” với người dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Bây giờ, người ta nuôi ngựa để đưa đến trường đua tranh tài vào dịp cuối tuần. Với họ, huấn luyện ngựa đua đã trở thành “nghề” và “nghiệp”, vừa lợi ích kinh tế vừa vì cái thú đam mê không sao bỏ được...

Niềm đam mê...

Ngày hai lượt, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều, ngựa đua được chủ nuôi dẫn đi “quần bộ” (chạy bộ) và “quần nước” (chạy dưới nước) mà dân trong nghề gọi là “tập thể dục buổi sáng”. Hiện nay, một con ngựa đua “tên tuổi” có giá từ 20 triệu đồng... đến vô giá nếu được “trùm mền” (đoạt chức vô địch) 3 trận liền. Ngựa được chăm chút rất tỉ mỉ: ra khỏi chuồng được chải lông sạch, thoa dầu vào mũi để thông hơi, cột ngàm, xoa bóp dầu vào các khớp chân... rồi cho uống thuốc bổ trước khi chuẩn bị ra trận. Ngựa đua được ví như “vận động viên”, còn người chủ nuôi được xem là “huấn luyện viên”. Cái nghề huấn luyện ngựa đua là cả một “pho” bí quyết cha truyền con nối. Những câu chuyện xoay quanh các “lò” huấn luyện ngựa đã trở thành đề tài thời sự hấp dẫn vào dịp cuối tuần.

... Chúng tôi đến ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa tìm gặp ông Nhan Văn Trâm (Chín Trâm), Chủ Hội chủ ngựa huyện Đức Hòa. Ông được người nuôi ủy quyền giúp họ đăng ký danh sách cho ngựa tham gia vào các nhóm đua ở Trường đua Phú Thọ. Ông Trâm nói: “Bữa nay, tôi về đem ngựa lên trường đua Phú Thọ để tham gia cuộc tranh tài ngày thứ bảy”. Rồi ông kể thao thao bất tuyệt những chiến tích của một số ngựa đua từng “trùm mền” trên đường đua như: Giang Phi, Huỳnh Hoa, Hiệp Hòa, Phước Vân, Phụng Hoàng, Mã Thành... Với ông, trong cuộc đời của một “huấn luyện viên” chỉ một lần nhìn thấy con ngựa của mình “trùm mền” là họ đã thỏa mãn và ông cũng từng được như thế. Đó cũng là cách để khẳng định tên tuổi của mình trong làng nghề.

Phong trào nuôi ngựa đua có từ thời Pháp thuộc. Ông Nhan Văn Trâm kể tiếp: “Hồi xưa, người nuôi ngựa ở huyện cho rằng ngựa đua giống Việt Nam chạy trên đường đua ít bị què chân hơn ngựa nước ngoài, nhưng bước nhảy thấp. Do vậy, thời Pháp chỉ nhập giống ngựa đực ở nước ngoài về phối giống ngựa trong nước để cải thiện bước nhảy và phần lớn ngựa đua đều là giống lai”. Những năm 1950, phong trào nuôi ngựa đua ở Đức Hòa rất phát triển. Ông Phan Văn Chói, 62 tuổi, ở ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, từ năm 16 tuổi ông đã nuôi 4 con ngựa đua: Mã Hiệp, Mã Diện, Mã Phi Long, Mã Thành. Ông nhớ lại: “Hồi đó, tụi tui dẫn ngựa đi bộ 50 cây số lên tận Trường đua Phú Thọ để đua. Sau này, khi trường đua bị cấm hoạt động, nhiều người mang ngựa về Đức Hòa để kéo xe, bán lấy thịt. Nhớ và buồn lắm, nhưng chúng tôi vẫn lựa ngựa hay để gầy giống, bởi đó là niềm đam mê không sao bỏ được của những người đã dấn thân vào nghiệp huấn luyện ngựa đua”... Rồi phong trào nuôi ngựa đua ở Đức Hòa cũng lắng xuống.

Đến năm 1980, nhiều người mê ngựa đua ở huyện đã xin địa phương cho lập trường đua dã chiến ở xã Đức Hòa Thượng. Người dân khắp nơi trong huyện, tỉnh và một số tỉnh khác có dịp hội tụ về Đức Hòa xem đua ngựa vào những ngày lễ hội. Thời đó, có những tay huấn luyện viên nổi tiếng như: ông Hai Môn, ông Bảy Đương, ông Hai Khỏi... Ông Hai Môn được xem là “bậc thầy” trong nghề huấn luyện ngựa đua, với “bí quyết” chỉ dùng toàn thuốc bắc thoa các khớp chân ngựa, bồi bổ để ngựa chạy nhanh, nhảy xa... Ngoài ra, còn những “nài” ngựa xuất sắc như Nguyễn Văn Tai được cấp bằng “nài xuất sắc” nhất huyện từ năm 1980 đến 1984. Nhưng những cuộc đua dã chiến cũng kết thúc vào năm 1984, trường đua bị giải thể, ngựa lại ra kéo xe, chở hàng hóa, bán lấy thịt. Đến cuối thập niên 1990, phong trào mới được phục hồi.

Những người trong giới nuôi ngựa đa phần là những hộ khá, giàu, có như thế họ mới đủ khả năng “chiều” theo ý những con ngựa chiến.

Nghề và Nghiệp...

Hiện nay, nghề nuôi ngựa đua ở Đức Hòa là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Ông Chín Trâm, Chủ Hội chủ ngựa, cho biết: “Nuôi ngựa đua rất cực, hơn chăm con nhỏ, chi phí tốn kém. Đam mê là một lẽ, nhưng cũng phải đảm bảo thu nhập, đời sống của người nuôi. Toàn huyện có khoảng 500 hộ nuôi ngựa, mỗi hộ nuôi từ 1 đến 3 con, không có tiềm lực về kinh tế khó mà theo nghiệp huấn luyện được!”. Trong mỗi đợt đua cuối tuần, con ngựa về nhất được thưởng 7 triệu đồng và đứng ở tốp 5 sau cùng (từ hạng 8 đến hạng 12- một nhóm đua có 12 con) cũng được thưởng trên 500.000 đồng. Song, những người trong làng huấn luyện ngựa đua cho rằng muốn cuộc đua công bằng, sòng phẳng và mang tính giải trí thuần túy thì nài ngựa phải là người của mình, đó là cách tránh việc nài “làm độ” ở trường đua!

Những người nuôi ngựa như ông Phan Văn Khỏi, Huỳnh Văn Út, Trương Văn Tam, Phan Văn Chói, Lại Văn Sanh, Hai Môn,... đã ngoài 60, 70 tuổi nhưng nhắc đến trường đua, họ như sống lại thời trai trẻ. Ông Hai Khỏi đang sở hữu con Hiệp Hòa, Mã Thành, trong đó Mã Thành đã hơn 10 tuổi, nhưng vô địch cũng gần 10 năm qua. Còn ông Phan Văn Chói, xã Đức Lập Hạ, cho biết: Hiện tại, ông nuôi 2 con Mã Hiệp, Mã Phi Long để đua. Còn 7 con ngựa nái nuôi để gầy giống bán, đó là thu nhập chính của gia đình. Còn anh Bùi Văn Nhích, xã Đức Lập Thượng, ở tuổi 40 anh có gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi ngựa đua và là đời thứ 3 của “nghề” huấn luyện ngựa đua. Anh Nhích nói: “Tui nuôi 8 con, chủ yếu ngựa nái để gầy giống bán, một con ngựa mới tháng tuổi cũng được vài triệu đồng. Nếu ngựa đẹp, cha mẹ từng vô địch, giá từ trăm triệu đến vô giá”. Những bậc “huấn luyện viên” lão làng trong nghề cho biết: Ngựa nái 3 tuổi khi tham gia đua sẽ chạy nhanh và bước nhảy cao hơn ngựa đực, nhưng khi “lớn tuổi” thì ngược lại. Do đó, những con ngựa nái chỉ đua một thời gian rồi đem về gầy giống. Việc chọn lựa giống được tiến hành từ khi ngựa con mới lọt lòng mẹ và chỉ có “người trong nghề” mới biết “coi tướng” ngựa xấu tốt. Điều này rất quan trọng, vì nó quyết định thắng hay bại trên đường đua. Một con ngựa hay phải có thể hình đẹp, đùi to, chân sau dùn, móng to lài, eo nhặt, cổ vót trong lớn ngoài nhỏ, tai chặt, mặt dài. Nếu việc “coi tướng” sơ sót rất dễ gặp con “ngựa chứng” sẽ vất vả triền miên! Vì thế, mỗi lò đều có bí quyết riêng và không ai bảo ai, lâu ngày nó trở thành cái nghề cha truyền con nối.

Hiện tại, giống ngựa hay thời Pháp đã tuyệt chủng nên các “lò” đang gầy giống mới - một số được nhập từ nước ngoài, một số “tuyển” từ những chú tuấn mã đã từng vô địch. Tiền phối giống ngựa khá cao, từ 1 triệu đồng đến vài triệu tùy theo “xuất xứ” của ngựa cha. Một số ngựa đua đang được chú ý trên đường đua như: Phương Đông, Columpus, Phụng Lan Hương, Mã Long Hương, Marlboro... Chúng được đặt cho những cái tên rất đẹp khi lọt lòng mẹ, tiếng Tây, tiếng ta đều đủ cả! Song, quan trọng là ngựa phải được làm “giấy khai sinh” hẳn hoi. Ông Chín Trâm nói: “Làm giấy khai sinh do bác sĩ thú y ở Trường Đua Phú Thọ đảm trách. Nếu chủ nuôi không làm giấy khai tên họ, bố mẹ của ngựa con, thì ngựa bị mất quyền thi đấu khi trưởng thành (khoảng 3 tuổi)”.

Ngựa đua ngoài tạo nguồn thu nhập cho chủ lò, còn tạo việc làm cho những “nài” ngựa đã giải nghệ, mỗi lò có từ 1 đến 2 người làm. Anh Nguyễn Văn Thành, ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông làm nài ngựa từ năm 13 tuổi, khi giải nghệ, anh nhận chăm sóc ngựa cho một số hộ nuôi ở xã Hòa Khánh Đông, tiền công trên 1 triệu đồng/tháng. Năm nay mới 27 tuổi, nhưng Thành đã có 19 năm gắn bó với nghề nuôi ngựa. Anh Thành cho biết: “Thức ăn cho ngựa là cỏ, cà rốt, lúa hạt... Mỗi con ngựa đua tùy theo trọng lượng lớn nhỏ mà có khẩu phần ăn từ 5 đến 8 ký lúa tươi một ngày và lúa phải được lọc hết những hạt lép. Khi chuẩn bị đua vào cuối tuần, ngựa được chủ lò dẫn chạy bộ từ thứ hai đến thứ tư trong tuần, với quãng đường 5 km trở lên và cho quần nước”.

Hiện nay, cả nước chỉ có Trường đua ngựa Phú Thọ (TPHCM) tổ chức đua ngựa vào 2 ngày cuối tuần. Lực lượng ngựa đua phần lớn có xuất xứ từ các lò luyện “thần mã” ở Đức Hòa. Đua ngựa sẽ gắn liền với cá cược và những canh bạc “đỏ - đen”, nhưng với người nuôi ngựa ở Đức Hòa đó là chuyện ở trường đua! Họ nuôi ngựa vì thú đam mê không bỏ được. Khoảng 500 “lò” huấn luyện, với hơn 1.000 con ngựa đua nằm rải rác ở các xã Hòa Khánh Đông, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh... Người nuôi ngựa đua mong muốn được cống hiến, phục vụ cho người xem những trận đua mang tính giải trí thuần túy và sòng phẳng.

bannhanong.vietnetnam.net (13/4/2006)
(Nguồn:CTOl)



° Các tin khác
• Xót xa “vựa” cá đồng!
• Xã hội hóa công tác giống nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
• Khoa học công nghệ ĐBSCL : Ngổn ngang giống lúa.
• Phục tráng giống ngô nếp quý tại Cồn Hến-Huế.
• Xuất khẩu cây giống hoa nhân cấy từ phôi tế bào.
• Hà Nội: lập đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã.
• Tôm hùm giống xuất hiện dày ven bờ biển Ninh Thuận.
• Cơ cấu giống tốt,cơ giới hóa nhanh ,tạo nông sản xuất khẩu.
• Lào Cai: lúa lai về trên ruộng thôn bản cao Si Ma Cai.
• Ngô lai-cây xóa nghèo cho bà con dân tộc.
• Xuất khẩu cây giống: hướng đi mới của nông nghiệp Lâm Đồng.
• ADB hỗ trợ bảo tồn hành lang sinh học Ngọc Linh-Xê Sáp.
• Cà Mau: xuất hiện nhiều vườn chim cò mới.
• Giống cà chua năng suất 100t/ha.
• Tôm hùm giống xuất hiện mật độ cao ở biển Đà Nẵng.
• Cảnh báo về nấm hoang dại.
• Cây baobab (Adansonia) :Cái bồn giữ nước.
• Các địa phương thả hàng triệu tôm giống ra biển.
• Nhân nuôi thành công nhện bắt mồi bảo vệ cây trồng.
• Nghị định CP về quản lý động thực vật rừng quý hiếm.
• Xây công viên xuyên quốc gia để bảo vệ đa dạng sinh học.
• Nguy cơ hủy hoại nguồn đặc sản chè (trà) tuyết.
• Cây giống Island - thương hiệu đứng vững trong lòng nông dân .
• Quảng Nam: Cấm khai thác tôm hùm có thời hạn.
• Địa chỉ cung ứng hạt giống đáng tin cậy của nhà nông.
• Canh tác chè công nghệ cao .
• Bảo tồn nguồn gen giống chó Phú Quốc.
• Chó Phú Quốc: Huyền thoại và sự thật.
• Bảo tồn nguồn gene lan rừng VN trước khi quá muộn!
• CT CP Giống gia cầm Ba Vì: cung ứng gà, trứng giống sạch.

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb