Xã hội hóa công tác giống nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
Công tác giống hay việc lấy giống để làm lúa được xem như là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng lúa gạo. Thêm nữa, An Giang với diện tích sản xuất lúa khoảng 530.000 ha, mỗi năm cần một lượng giống rất lớn phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong khi đó năng lực cung cấp giống của Trại giống, Trung tâm giống tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Do đó xã hội hóa giống lúa là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết.
Những năm gần đây, số nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng lên rõ rệt, tuy nhiên những giống lúa nông dân sử dụng đa số chỉ do trao đổi nên không đạt tiêu chuẩn giống xác nhận…Ông Võ Thanh Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đó không chỉ là trăn trở của nông dân mà còn là vấn đề quan tâm của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà trong việc nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu.
Công tác giống hay việc lấy giống để làm lúa được xem như là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng lúa gạo. Thêm nữa, An Giang với diện tích sản xuất lúa khoảng 530.000 ha, mỗi năm cần một lượng giống rất lớn phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong khi đó năng lực cung cấp giống của Trại giống, Trung tâm giống tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Do đó xã hội hóa giống lúa là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết. Chính vì thế, từ năm 2003 chương trình xã hội hóa công tác giống lúa được đặt ra đối với ngành Nông nghiệp nhằm nâng dần chất lượng lúa, gạo xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Tính đến vụ đông xuân 2005- 2006, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 304 lớp kỹ năng chọn tạo giống lúa thu hút gần 8.000 nông dân tham dự. Qua đó đã phát triển được 200 tổ, đội sản xuất giống xác nhận trên diện tích canh tác 2.800 ha, đáp ứng 50% nhu cầu giống cho vụ hè thu 2006. Đặc biệt, trong số này có 56 hộ có tay nghề chuyên môn cao trong sản xuất giống lúa nguyên chủng.
Có thể nói nhờ sự hỗ trợ tích cực về khoa học kỹ thuật từ các Viện, Trường và nông dân tiếp thu rất nhanh kiến thức khoa học, đến nay chương trình chọn tạo giống lúa cộng đồng đã được nhân rộng toàn tỉnh. Vị trí và vai trò của lúa giống được nâng cao trong nhận thức của người nông dân. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến nay phong trào sản xuất giống đã được phát triển nhanh chóng. Chính từ đây có nhiều nông dân sản xuất lúa giống cung cấp cho nhu cầu tại địa phương với giá cả hợp lý nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Nếu như năm 2004, đáp ứng được 30% nhu cầu giống xác nhận cho sản xuất thì đến năm 2005 đáp ứng 40% nhu cầu.
Trong nhiều địa phương thực hiện tốt vấn đề này có thể kể đến huyện Chợ Mới, nới sớm xác định thực hiện nhân giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường và xuất khẩu là nhu cầu bức xúc của nền sản xuất nông nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đồng thời thỏa mãn yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường là: Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Nguyễn Danh Trung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Huyện đã hình thành tổ nhân giống lúa nhằm xây dựng thương hiệu làm giống với nhiệm vụ dịch vụ và chuyển giao giống mới. Theo đó, huyện xúc tiến trồng khảo nghiệm giống lúa mới từ giống đầu dòng, siêu nguyên chủng của Trường đại học Cần Thơ và Viện lúa ĐBSCL (Ô Môn-Cần Thơ) để tìm ra các giống mới có chất lượng hiệu quả canh tác phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất từng vụ. Vụ 1-2006, huyện đã tổ chức trồng khảo nghiệm 11 giống siêu nguyên chủng: OM 4495, OM 4498, OM 2517, OM 3432, OM 3923, OM 4656, MTL 384, MTL 418, MTL 389, MTL 378, MTL 385 và 5 giống đầu dòng: OM 4088, OM 4089, OM 3378, OM 5637, OM 3428 từ Viện lúa ĐBSCL.
Nói về hiệu quả của công tác xã hội hóa giống lúa, bà Trần Thị Yến Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết thêm: Nhằm nhanh chóng tìm ra bộ giống mới chủ lực có khả năng thay thế OM 1490 ngày càng thoái hóa và từng bước tìm giống lúa phù hợp sản xuất từng vụ, cố gắng chọn 2- 3 giống lúa để quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc thù của huyện. Trong năm nay, huyện thực hiện 1.000 ha nhân giống lúa, trong đó: Đông xuân 400 ha, hè thu 200 ha, thu đông 400 ha ở 32 tổ nhân giống khắp 18 xã, thị trấn trên diện tích 684 ha. Vụ 1 đã nhân giống gần 300 ha, trong đó cấy tép 70 ha. Hiện huyện đã có trong tay 32 tấn giống được nhân ra gồm: OM 4495, OM 4088, OM 5637, OM 1490, OM 4926. Huyện còn được Sở Nông nghiệp đầu tư máy tách hạt lúa nhằm chọn ra những hạt giống thuần. Huyện còn tổ chức cho nông dân có kinh nghiệm nhân giống lúa xuống tận Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá các giống lúa hiệu quả nhất đặt hàng mua về nhân giống, nhằm sản xuất lúa hàng hóa, tăng giá trị, sản lượng. Đồng thời phát triển thêm các tổ nhân giống, mạng lưới nhân giống. Dự kiến, đến vụ 3-2006, huyện Chợ Mới cơ bản trồng lúa giống trên toàn bộ diện tích đất sản xuất và trở thành trung tâm bán lúa giống cho các địa phương.
Để thực hiện xã hội hóa công tác giống những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp tỉnh định hướng từ năm 2006 đến năm 2009 sẽ đáp ứng khoảng 60% -90% nhu cầu giống cho sản xuất; đến năm 2010 ổn định mức 90% nhu cầu giống cho sản xuất và đáp ứng 50% nhu cầu giống nguyên chủng được nhân từ phương pháp phục tráng giống. Đồng thời từng bước đưa giống ưu thế lai vào sản xuất và huấn luyện nông dân sản xuất giống siêu nguyên chủng.
bannhanong.vietnetnam.net (12/4/2006) (Nguồn:AGegov) |