Lào Cai: lúa lai về trên ruộng thôn bản cao Si Ma Cai.
"Gia đình đảng viên trồng lúa lai được vụ to, thế là cả làng, cả xã người Mông học theo trồng lúa lai nên đời sống bớt cơ cực hơn trước". Ông Vàng Seo Vảng, Bí thư xã Sín Chéng, kể về thành công quá trình đưa lúa lai về trên cánh đồng quê mình.
Si Ma Cai là một huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Tất cả các xã trong huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đất thì rộng nhưng diện tích trồng lúa thì ít chỉ chừng 920 ha (chiếm hơn 10% diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp). Sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, người dân có tập quán canh tác lạc hậu. Trước năm 2001, người nông dân Si Ma Cai chỉ canh tác một vụ bằng giống lúa địa phương năng suất và sản lượng thấp nên hầu hết hộ nào cũng lâm cảnh đói cái ăn triền miên, số ngày ăn mèn mén (sản phẩm làm từ ngô) hay ăn độn chiếm đa phần trong năm.
Năm 2001, Si Ma Cai bắt đầu triển khai thí điểm sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 150 ha tại các xã vùng ven sông Chảy là Sín Chéng, Bản Mế, Nàn Sín, Nàn Sán làm động lực thúc đẩy phát triển diện tích lúa lai trên toàn huyện. Bằng các chính sách hỗ trợ giống, phân bón và tổ chức chuyển giao kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cho người dân tại thực địa. Nhờ đó, người dân đã từng bước tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích lúa lai ngày càng được mở rộng từ 20% diện tích (năm 2001) nay toàn bộ diện tích lúa của huyện đã trồng lúa lai như Nhị ưu 838, Bác ưu 903, VL 20... Năng suất lúa không ngừng tăng qua các năm và đạt trên 45 tạ/ha, tăng gấp đôi so với trồng giống lúa địa phương. Thay đổi một thói quen canh tác của người nông dân vùng cao là cả một quá trình vận động, tuyên truyền vất vả của các đảng viên, chi đảng bộ, chính quyền cơ sở. Anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ nông nghiệp huyện Si Ma Cai kể lại: Hồi đó, huyện phải thành lập một tổ công tác đặc biệt đi làm mạ giống mới và mang tới từng thôn bản phát không cho các dân. Vậy mà nhiều hộ cũng chẳng chịu trồng lúa giống mới. Ông Vàng Seo Vảng, Bí thư xã Sín Chéng cho biết: Lúc đầu bà con vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả và chưa tin tưởng vào giống lúa mới, vì vậy Đảng ủy xã cử 2 gia đình đồng chí đảng viên là cán bộ lãnh đạo xã đi đầu làm thử, vụ đầu tiên những thửa ruộng cấy giống mới đã cho năng suất cao. Phát huy kết quả trên, vụ thứ hai Đảng bộ yêu cầu các đảng viên trong chi bộ vận động gia đình gương mẫu cấy toàn bộ giống mới, qua hai năm làm mẫu đưa giống mới vào sản xuất, năng suất, sản lượng lúa cấy giống mới cao hơn hẳn giống lúa địa phương, từ đó, nhận thức và niềm tin của bà về giống lúa mới đã được củng cố và cho đến nay thì toàn bộ diện tích ruộng nước của xã Sín Chéng được cấy bằng giống lúa mới. Anh nông dân Giàng A Say hồ hở chỉ vào mảnh ruộng vàng óng trước mặt nói: trước chỉ thu được 6 đến 7 thồ thóc nhưng nay nhờ cấy giống mới gia đình thu được hơn 10 thồ thóc, nhà mình bây giờ không phải ăn mèn mén nữa. Hộ gia đình ông Lèng Văn Phòng, thôn Bản Kha, xã Síng Chéng, có 0,8 ha ruộng lúa do cấy giống mới, mỗi năm thu từ 3 đến 3,5 tấn thóc... thừa cái ăn còn đem ra chợ bán lấy tiền mua các vận dụng khác.
Đưa các giống lúa lai vào sản xuất đã góp phần nâng tổng sản lượng lương thực trên toàn huyện đạt 10.500 tấn. Bình quân lương thực năm 2005 đạt 377 kg/người/năm, tăng 27 kg so với năm 2001. Tỉ lệ đói nghèo năm 2005 còn 15% (tiêu chí cũ), giảm bình quân 7%/năm. Sản xuất hàng hoá bước đầu đã được hình thành, người dân từng bước được tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, từ năm 2001 huyện đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để ổn định nguồn nước tưới, thâm canh tăng vụ trên nhiều diện tích lúa ở các xã.
Tuy nhiên, quy hoạch sản xuất vùng lúa hàng hóa ở Si Ma Cai vẫn còn chưa cụ thể, còn dàn trải, nhất là ở cấp xã. Việc ứng dụng đưa giống mới vào sản xuất chưa đi đôi với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, một số gia đình đưa giống mới vào sản xuất nhưng vẫn áp dụng biện pháp canh tác cũ dẫn đến năng suất chưa đạt cao. Si Ma Cai đang khẩn trương rà soát xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng sản xuất lúa hàng hóa phù hợp với hướng phát triển chung của toàn tỉnh. Đồng thời huyện cũng tăng cường công tác khuyến nông đến tận thôn bản, đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, ổn định nguồn nước tưới để thâm canh, mở rộng diện tích lúa hai vụ tại các xã ven sông Chảy.
bannhanong.vietnetnam.net (7/4/2006)
(Nguồn:TTXVN) |