Ngô lai-cây xóa nghèo cho bà con dân tộc.
Trong những ngày tháng 3, chúng tôi về thăm huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chủ tịch huyện Trần Trung Hiền,khẳng định cây ngô lai đã bám rễ với đất đai nơi đây và thực sự trở thành cây xóa nghèo cho đồng bào Khơ-me nông dân trong huyện.
Là huyện có đông bà con dân tộc, chiếm gần 60% số dân là đồng bào Khơ-me, trong những ngày đầu đưa cây ngô lai vào trồng trên vùng đất này cũng gặp không ít khó khăn, khi bà con chưa quen thay đổi tập quán trồng giống ngô địa phương. Nhưng qua thời gian đưa giống ngô lai về trồng thí điểm trên các vùng đất, kết hợp với việc chuyển giao kỹ thuật bằng chính hiệu quả của các điểm trình diễn kỹ thuật, với hiệu quả kinh tế trước mắt, đã giúp bà con nhận thấy và chuyển dần sang trồng ngô lai.
Hiện nay, diện tích cây ngô lai không ngừng tăng trong cơ cấu trồng ngô của huyện: 1.000ha/1.200ha trồng ngô năm 2005, khả năng trong năm 2006 sẽ có hơn 1.200ha trồng ngô lai. Điều dễ thấy là cây ngô lai đã ngày càng thu hút sự quan tâm của bà con dân tộc Khơ-me, bởi trồng ngô lai dễ hơn trồng lúa, chi phí đầu tư thì thấp, ít tốn công chăm sóc, không bị nhiễm sâu bệnh, nên không phải tốn chi phí thuốc trừ sâu. Đặc biệt đối với huyện Trà Cú, cây ngô lai đã thích ứng trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí mùa vụ của huyện. Huyện Trà Cú đã bố trí cơ cấu 3 vùng kinh tế, với đặc thù của địa hình phân biệt rõ: trong vùng 1 có địa hình nước ngập sâu thì trồng 1 vụ lúa, kết hợp nuôi thủy sản, vùng 2 là vùng ven sông Hậu chuyên canh cây mía đường, trên vùng 3 là vùng nước nông, trước đây chỉ chuyên trồng lúa, từ trồng 1 vụ đến 2 vụ, và có nơi nông dân trồng 3 vụ lúa/năm, nhưng huyện không khuyến khích trồng lúa vụ 3, nên việc đưa cây ngô lai vào trồng là hết sức thích hợp. Hiệu quả của nó không chỉ giải quyết bài toán mùa vụ, mà trong việc trồng xen canh cây ngô lai còn có tác dụng khôi phục độ màu cho đất, bổ sung cho trồng lúa hằng năm có năng suất cao hơn.
Chủ tịch huyện Trà Cú -Trần Trung Hiền,nói: cây ngô lai hiện đang chiếm 1/16 so với diện tích trồng cây lúa mỗi vụ trong huyện, nhưng hiệu quả của nó không chỉ đơn thuần giúp bà con dân tộc thoát nghèo theo mùa vụ, mà cây ngô lai còn giải quyết được nguồn thức ăn bổ sung cho đàn bò của huyện đang phát triển lên gần 30.000 con. Huyện có số lượng đàn bò lớn nhất trong tỉnh, và đây cũng là một kênh giúp bà con dân tộc nhanh chóng thoát nghèo từ nghề nuôi bò sinh sản.
bannhanong.vietnetnam.net (4/4/2006) (Nguồn:Báo Quân đội nhân dân)
|