Cảnh báo về nấm hoang dại.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Từ các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng; miền bắc, miền trung, miền nam đến hải đảo.Hiện nay, những hiểu biết của con người để phân biệt nấm ăn, nấm độc vẫn còn hạn chế. Một số người lầm tưởng cho rằng, những nấm mà côn trùng và động vật ăn thì không độc. Thực tế cho thấy một số loài động vật và côn trùng vẫn an toàn sau khi ăn nấm độc do trong cơ thể của chúng có những men phân hủy chất độc mà ở con người không có.
Một số vụ điển hình như: Năm 1996, ở Yên Bái do ăn phải nấm độc, một gia đình có sáu người chết. Tỉnh Phú Thọ có bảy người ăn nấm độc thì bốn người tử vong. Ở Cao Bằng, một gia đình có bốn người bị ngộ độc nấm và đã chết ba người. Năm 1997, ở Sơn La cả gia đình gồm vợ chồng và ba con đều bị chết do ăn nấm độc. Năm 2001, ở Bắc Giang có ba người đã chết do ăn nấm độc. Năm 2003, ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bảy người bị ngộ độc do ăn nấm hái ở rừng, trong đó một người đã tử vong. Năm 2004, ở Tuyên Quang cả gia đình có bốn người chết vì ăn nấm độc. Năm 2005, ở Gia Lai một người đã chết, mà nguyên nhân là do ăn nấm độc.
Mới đây nhất, ngày 7-3, tại Bắc Cạn xảy ra vụ ngộ độc nấm trong một gia đình có bốn người, ba người đã chết, còn một người đang trong tình trạng nguy kịch. Cũng trong thời gian này, ở Hà Giang một vụ ngộ độc nấm đã làm ba người bị tử vong.
Các dấu hiệu để nhận biết nấm độc như: Màu sắc sặc sỡ, mùi vị đắng, nấm có bao riêng và bao chung... đều không mang lại kết quả khả quan, như nấm chẹo, đồng bào dân tộc thường gọi là Bióoc-phèo - một loài nấm ăn ngon của vùng Lạng Sơn. Do mũ nấm có màu đỏ nên còn gọi là nấm lửa. Vì thế, màu sắc sặc sỡ không hẳn là nấm độc.
Nhưng nấm màu trắng có độc tố. Nấm độc tán trắng (Amanita verna) với màu trắng thuần khiết lại được gọi là nàng tiên giết người, vì đây là một trong những loài nấm nguy hiểm nhất. Chúng có ở nhiều tỉnh nước ta, nhất là các tỉnh miền núi, thường phát triển từ mùa xuân đến mùa thu.
Từ những mẫu vật nhận được, qua phân tích và xác định cho thấy: nấm độc tán trắng là thủ phạm gây ra phần lớn các vụ ngộ độc nấm. Do nấm có màu trắng, trông rất "hiền lành" cho nên dễ nhầm lẫn khi thu hái.
Những loài nấm có bao chung, bao riêng (trong ảnh) hoặc phát sáng vào ban đêm (nấm phát quang) là những loài độc. Nhưng cả điều này cũng không phải là tuyệt đối. Bởi vì loài nấm ăn nổi tiếng, mang tên hoàng đế La Mã Ceasar (Amanita Ceasarea) của vùng Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) cũng có bao chung, bao riêng với màu đỏ trên mũ nấm. Nếu nấm có vị đắng thì không nên ăn, trong khi đó nấm tràm (Boletus felleus), thường mọc dưới tán cây tràm, có vị đắng như mướp đắng (khổ qua) lại được người dân vùng Thừa Thiên-Huế và Ðông-Nam Bộ ưa thích. Họ còn cho rằng, nấm tràm ăn mát, an thần, tạo giấc ngủ sâu, có khả năng trừ giun.
Nấm thông hay còn gọi là nấm gan bò (Boletusedulis), có quả thể lớn, là loài nấm ăn ngon, có mùi thơm dịu, thường mọc trong rừng thông Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Ở đây còn có loài nấm độc với hình thái giống với nấm thông, nhưng lại có vị đắng. Chính nhờ có vị đắng này, đã giúp cho đoàn đi nghiên cứu nấm ở Ðà Lạt tránh được ngộ độc, do phát hiện ra vị đắng. Ðã xảy ra trường hợp thầy giáo và sinh viên của một trường đại học đi nghiên cứu nấm ở Lạng Sơn bị ngộ độc nấm. Rất may, những người này đã được đưa về Hà Nội cấp cứu kịp thời.
Cũng cần lưu ý, đun sôi nấu chín nấm không phải là biện pháp hữu hiệu để phòng độc. Vì một số độc tố rất bền vững, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Các độc tố của nấm được chia làm ba nhóm: Nhóm độc tiêu hóa, nhóm độc thần kinh, nhóm phá hủy các tế bào và mô. Trong đó, nhóm thứ ba là nhóm độc chính và nguy hiểm, bởi các chất Amanitin và Phalloidin, đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Nhiễm độc các chất này thường biểu hiện muộn. Khi phát hiện thì chất độc đã ngấm vào máu và não, khiến cho việc cứu chữa khó mang lại kết quả.
Các triệu chứng bị ngộ độc như: Buồn nôn, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra nước có mùi tanh thối, mệt mỏi toàn thân, trụy tim mạch... cần được khẩn trương sơ cứu: gây nôn để loại các chất độc ra khỏi cơ thể. Cho uống các loại nước: nước muối, nước bột sắn dây, ăn sống dạ dày và óc thỏ hoặc uống nước đậu xanh sống giã cả vỏ hòa vào nước. Ðiều thiết yếu là cần khẩn trương chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Ðể tránh những điều đáng tiếc xảy ra, chỉ nên ăn những nấm hoang dại khi biết chắc chắn là không độc. Cũng không nên ăn thử nấm. Bởi vì những loài nấm độc gây chết người, dù chỉ một miếng nấm bằng hạt nhãn đã có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, nấm độc không chỉ gây ngộ độc và xảy ra những điều đáng tiếc sau khi ăn. Nó còn được con người quan tâm do các chất có hoạt tính sinh học của chúng. Với liều lượng cao, nấm gây độc dẫn đến tử vong, nhưng với liều lượng nhỏ, lại là vị thuốc quý để chữa nhiều bệnh nan y. Ðây cũng là một trong những hướng để tìm nguồn thuốc của ngành dược trên thế giới.
bannhanong.vietnetnam.net (03/04/2006)
(Nguồn:NDOl)
|