Canh tác chè công nghệ cao .
Ông Đoàn Trọng Phương – GĐ Cty chè Lâm Đồng, Phó CT Hiệp hội chè VN nói: "Hiện nay, một ngành nông nghiệp sạch, an toàn với việc áp dụng công nghệ cao đang được khuyến khích tại VN nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Với cây chè, việc áp dụng công nghệ cao càng được khuyến khích". Thế thì trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ cao trên cây chè Lâm Đồng đã được thực hiện như thế nào?
Giống – nhân tố quan trọng.
Về vấn đề chất lượng giống, thạc sỹ Phạm S – Phó GĐ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, người có rất nhiều năm theo đuổi nghiên cứu khoa học về cây chè – cho biết: Từ 1995 trở về trước, vùng nguyên liệu chè của Lâm Đồng chủ yếu được trồng bằng các giống chè trung du, chè lai tạp gieo ươm bằng hạt. Đến năm 1997, các đề tài nghiên cứu khoa học về giống chè ở Lâm Đồng mới bắt đầu được triển khai và kết quả đã bắt đầu được ứng dụng vào thực tế, trong những nghiên cứu và ứng dụng này, đáng kể là kỹ thuật nhân giống chè cành được xem như là "đột phá khẩu" trong công cuộc cách mạng xanh trên những đồi chè ở miền đất Nam Tây Nguyên này. Nhờ những nghiên cứu và ứng dụng này, đến năm 1997, trong số 17.500ha chè của toàn tỉnh đã có 7% diện tích được thay thế bằng các loại giống mới cho năng suất và chất lượng cao. Và cho đến thời điểm cuối năm 2004 này, trong tổng số 25.600ha chè của toàn tỉnh thì diện tích chè cao sản được canh tác theo công nghệ cao chiếm đến 7.215ha (28,6%). Đó là các giống chè TB14, LĐ97, LDP1, kim tuyên, tứ quý, thuý ngọc, Ôlong... Số liệu qua theo dõi của các nhà chuyên môn đưa ra: Hầu hết diện tích chè cành đều đạt năng suất bình quân 17 tấn/ha, cao hơn trên 10 tấn so với chè hạt; đặc biệt ở một số nơi, năng suất đạt đến 24 tấn, thậm chí có vườn còn đạt trên 25 tấn/ha. Bên cạnh đó, các giống chè chất lượng cao (kim tuyên, tứ quý, thuý ngọc...) cũng đã đạt đến năng suất 10 – 12 tấn/ha (nhưng giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với chè hạt và kể cả chè cành).
Trong chiến lược phát triển, Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ ổn định diện tích canh tác chè ở mức 26.000 – 28.000ha với năng suất bình quân đạt 16 – 18 tấn/ha. Và điều đặc biệt lưu ý là, trong diện tích này, cây chè giống mới (chè cành và chè chất lượng cao) chiếm khoảng 50%.
Áp dụng công nghệ cao đại trà.
7.215ha chè cao sản và chè chất lượng cao trong tổng số 25.300ha chè của cả Lâm Đồng hiện nay là con số còn khá khiêm tốn so với một tỉnh có diện tích chè bằng ¼ diện tích chè cả nước. Vả lại, diện tích 7.217ha này chủ yếu thuộc quốc doanh quản lý cho thấy, chất lượng loại cây trồng này trong dân là đáng báo động. Hơn thế, theo số liệu của Sở NN&PTNT Lâm Đồng thì trong tổng diện tích chè của người dân có đến 30% đã già cỗi, quá chu kỳ kinh doanh. Thử nêu thêm một vài số liệu: Một hécta chè chất lượng cao cho thu nhập mỗi năm từ 150 – 180 triệu đồng, chè cao sản: Trên 50 triệu đồng; trong khi đó thì thu nhập mỗi năm của một hecta chè hạt chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng. Như vậy, để Lâm Đồng thực sự là vùng nguyên liệu có tính quyết định đến sự phát triển của ngành chè cả nước thì yêu cầu đặt ra trong giai đoạn đến là phải cải tạo vườn chè, thay thế chè năng suất và chất lượng thấp bằng các thứ giống cao sản hoặc chất lượng cao và trước hết là nhằm vào đối tượng người dân.
Vậy, việc người dân áp dụng công nghệ cao vào vườn chè của mình có gì khó khăn không? "Không!" – Câu trả lời của các chuyên gia về nông nghiệp sau khi đã khảo sát công tác chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao của cơ quan chức năng đến người dân, trong đó có cả nhà nông ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Trong 3 năm qua, Lâm Đồng đã thực hiện chương trình hỗ trợ giá trồng chè chất lượng cao đã không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông cải tạo vườn chè của mình mà còn giúp người trồng chè tiếp cận với một lối canh tác mới tiên tiến hơn so với trước.
Nguồn:NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (27/3/2006)
|