Bình Định: triển vọng khả quan trồng điều ghép trên đất bạc màu và đất cát.
Điều là một trong những loại cây trồng quan trọng của
Bình Định. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha điều, trong đó có 10.000 ha
đang cho quả. Qua kết quả khảo nghiệm, việc phát triển cây điều trên đất bạc màu
và đất cát ở Bình Định có triển vọng rất khả quan.
Cây điều thích ứng với nhiều loại đất, kể cả đất bạc màu, đầt
đồi gò, đất cát ven biển... Rễ cây điều ăn sâu nên chịu được khô hạn. Tán cây
lớn, vừa có tác dụng phòng hộ vừa góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Cây
điều không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, vốn đầu tư không quá lớn. Vì vậy, đây
chính là "cây xóa đói giảm nghèo" đã và đang tạo thu nhập cao cho người nông
dân, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nghiệp ở Bình Định. Với
thị trường xuất khẩu rộng lớn, giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, tương lai phát
triển cây điều ở Bình Định còn rộng mở.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích điều của Bình Định (khoảng trên
10.000 ha) trồng trong thập niên 1990, theo phương pháp thực sinh (trồng từ
hạt), quảng canh, ít được đầu tư chăm sóc, năng suất thấp, chỉ đạt 4-5 tạ/ha.
Những diện tích này cần được thâm canh, cải tạo bằng kỹ thuật
canh tác như chặt tỉa thưa, tỉa cành, chăm sóc (dọn cỏ, bón phân, tưới nước...),
trồng xen và đặc biệt là chú ý phòng trừ sâu bệnh nhất là thời kỳ ra hoa đậu
quả. Qua thực tiễn sản xuất kết hợp với đề tài nghiên cứu khoa học và xây dựng
mô hình của ngành NN-PTNT Bình Định những năm qua, cho thấy việc cải tạo vườn
điều bằng kỹ thuật canh tác là biện pháp khả thi, có hiệu quả cao. Điển hình như
hộ ông Phan Thành Lợi, ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm, Phù Cát) với diện tích 2
ha điều trên 10 năm tuổi, sau khi cải tạo và thâm canh, năng suất tăng từ 3
tạ/ha lên 1tấn/ha. Hộ ông Lê Văn Mười (Cát Nhơn - Phù Cát), hộ ông Nguyễn Ngọc
Ân (xã Nhơn Tân - An Nhơn) với diện tích 3 ha, năng suất chỉ 1-2 tạ/ha, sau khi
cải tạo, đã tăng lên 8-9 tạ/ha. Và còn rất nhiều vườn điều ở các địa phương
trong tỉnh được cải tạo, đầu tư thâm canh, mang lại hiệu quả cao.
Từ sau năm 2000 đến nay, với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên
cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (nay là Viện KHKTDHNTB), một số diện tích
trồng điều ghép đã phát triển tốt.Mô hình trồng điều ghép trên đất cát ven biển
ở Mỹ Thành (Phù Mỹ) với diện tích hàng chục ha, sau 3-4 năm đã cho quả, năng
suất gần 1 tấn/ha. Một số mô hình ở Cát Hiệp (Phù Cát) trồng điều ghép trên đất
cát bạc màu, đạt năng suất 1,5 - 2 tấn/ha. Các địa phương như: Hoài Ân, Hoài
Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh... nhiều hộ trồng điều ghép trên đất trung du đồi gò
cho năng suất 7-8 tạ/ha trở lên, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xóa
đói giảm nghèo. Đồng thời, những năm gần đây ở nhiều địa phương trong tỉnh đã
phát triển việc trồng xen dưới tán điều như trồng dứa, cây thức ăn gia súc, đậu
đỗ... vừa tăng thêm sản phẩm, vừa góp phần thâm canh cây điều để có năng suất,
hiệu quả cao hơn. Được biết, ở một số tỉnh trong khu vực, cây điều ghép được
trồng trên đất trung du đồi gò, đất bạc màu, đất cát ven biển cũng đã phát
triển, năng suất khá cao.
Vùng trung du đồi gò, đất bạc màu, đất cát ven biển cũng đã
phát triển, năng suất khá cao. hiệu quả chưa cao. Hy vọng việc phát triển trồng
cây điều ghép sẽ là một hướng đi tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái ở Bình Định.
Nguồn:BĐOL-bannhanong.vietnetnam.net (9/3/2006)
|