Nguy cơ cạn kiệt giống cá quý:cá chiên ở sông Gâm.
Là loài cá quý hiếm được Sách đỏ “kêu cứu” ở cấp độ V
(mức nguy cấp, có thể bị tuyệt chủng), song cá chiên đang từng ngày cạn kiệt bởi
nạn đánh bắt bừa bãi.
Cá chiên (tên khoa học: Bagarius) có trọng lượng
lớn so với các loài cá nước ngọt, sinh sống ở vùng nước chảy và sâu, chủ yếu ở
hệ thống sông Lô - Gâm (miền Bắc). Có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ xếp sau cá anh
vũ, cá chiên đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng với giá rất đắt. Điều đáng
lưu ý là loài cá này sinh sản ít, hiện nay đa phần chưa kịp lớn đã bị đánh
bắt.
Ông Dương Văn Phúc, nhà ở thị trấn Bảo Lạc (Cao Bằng) dẫn đường
cho chúng tôi lên xã Khánh Xuân, nơi có vực nước Vằng Biu ở thượng nguồn sông
Gâm để xem cách săn loài cá quý này. Nhiều năm làm nghề đánh cá trên đoạn sông
này nên ông thông thạo mọi khe lạch, thác ghềnh.
Ông bảo, mùa lạnh nên cá đi ăn đêm vì thế dân “săn cá” chủ yếu
hoạt động về đêm. Vực Vằng Biu thực tế là một đoạn sông sâu ngầm dài chừng 5km,
chảy dưới dãy núi Bảo Lạc - Tắp Ná, thấp xuống một chút là vực Hát Tắng dài
chừng 2km.
Trước kia, khu vực này rất ít người đến nhưng sau này phát hiện
có “mỏ” cá chiên nên mọi người ở khắp nơi đổ về đánh bắt. Lều bạt của ngư dân
dọc suốt hai bên bờ sông, lưới chài phơi đầy bên ngoài nhưng chẳng thấy người
đâu. Theo ông Phúc, đấy là lều họ “xí phần” vùng họ định đánh cá đêm nay.
Chúng tôi đếm sơ sơ được khoảng 20 chiếc bè suốt dọc theo dòng
sông. Đến 10 giờ đêm, ông Phúc đưa chúng tôi sang bên kia bờ gặp ngư dân tên là
Thiêm. Anh Thiêm mách, bè nhà ông Luận vừa đánh được con cá khoảng 3kg, lên đó
mà xem nhưng mua chắc là khó vì có người đặt mua rồi. Tiếp tục chèo bè ngược
dòng lên chỗ bè ông Luận đang thả lưới, ông Luận hồ hởi kể: Hôm nay vừa “ra
quân” bè của ông đã “tóm” được một con, thế là may rồi. Dạo này đánh bắt khó vì
cá ít mà người đánh thì nhiều. Vực Vằng Biu đêm nào may thì đánh bắt được từ 1
đến 2 con nặng từ 3 đến 5kg thôi.
Chị Hồng, dân buôn cá ở Hà Giang sang cho biết: hiện tại giá cá
mua vào tại đây là 300.000đ/kg, biết vùng này nhiều cá nên chị phục sẵn, được
con nào mua ngay để mang theo đường Hà Giang về xuôi. Ngoài 2 điểm Vằng Biu và
Hắt Tắng ở huyện Bảo Lạc ra, xuôi dòng chừng 15km có một vực khác là Kẹm Đá. Vực
này giờ còn rất ít cá vì cách đây 3 năm một số đối tượng đánh cá bằng mìn đã gần
như quét sạch loài cá chiên ở đây.
Thạc sĩ Phạm Báu, chuyên gia Viện Nghiên cứu thủy sản I, người
có hơn 40 năm nghiên cứu về cá nước ngọt đánh giá: Sông Gâm là một trong những
con sông có nguồn cá trong tự nhiên phong phú nhất của hệ thống sông Hồng. Duy
nhất con sông này còn có đủ 4 loài cá nước ngọt quý hiếm là cá anh vũ (cá tiến
vua), cá chiên, cá lăng, cá bỗng sinh sống. Nhưng nguồn lợi này đang ngày bị
kiệt quệ do số lượng người đánh bắt cá tăng, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại
nghiêm trọng.
Ông Nông Ngọc Động, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết:
“Việc đánh bắt cá chiên liên quan đến cuộc sống của người dân nên cũng khó cấm.
Muốn bảo vệ được cá chỉ có cách chuyển nghề cho ngư dân nhưng cũng khó áp dụng
đối với một huyện nghèo như Bảo Lạc”. Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Viện phó Viện
nghiên cứu thủy sản I - Bộ Thủy sản, vì chưa có lực lượng kiểm ngư nên khó bảo
vệ các nguồn thủy sản nước ngọt quý hiếm, nhiều loại đã bị tuyệt chủng chỉ vì
vậy.
Nếu vùng Bảo Lâm, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng không được khoanh
vùng thành khu bảo tồn cá nước ngọt quý hiếm thì cá chiên sẽ nhanh chóng cạn
kiệt
Nguồn:Sggp-bannhanong.vietnetnam.net (9/3/ 2006 )
|