Bao giờ có một chương trình giống đồng bộ quốc gia?
Tỉnh An Giang chúng tôi chú trọng nhất là chương trình
lúa chất lượng cao để XK. Từ chỗ dân chỉ có thói quen để giống thì từ việc thúc
đẩy phát triển lúa chất lượng, đến vụ đông xuân 2006 đã có 50% diện tích gieo
cấy (250.000 ha) dùng giống xác nhận, đưa năng suất và chất lượng lúa
lên rất đáng kể. Nhưng đấy là tỉnh bỏ tiền ra làm lấy thôi, ngân sách trung ương
hỗ trợ không đáng kể.
Như NNVN đã đưa tin hôm 3 /3/2006, Bộ NN-PTNT
tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình (CT) Giống quốc gia, đánh giá lại toàn bộ
CT sau 5 năm thực hiện và triển khai kế hoạch thời kỳ 2006 -2010. Nhìn nhận về
CT, ông Nguyễn Thọ Cảnh - GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết:
Chương trình giống đã giải quyết được những trì trệ về công tác
giống tồn tại suốt thời gian dài trước đó. Ví dụ dự án phát triển giống lúa lai
tại Nghệ An, dù sự hỗ trợ từ phía TW không nhiều nhưng nhờ có định hướng, tỉnh
vẫn quyết tâm làm. Nghệ An từ chỗ không biết SX giống lúa lai thì nay dân bắt
đầu nắm bắt được quy trình SX hạt giống F1 và dự kiến đến 2010 tỉnh sẽ tự túc
được 30-40% giống lúa lai để gieo cấy cho 70.000 ha lúa lai đại trà. Tiếp đến là
CT phát triển giống lạc, nâng NS lạc từ 13,9 tạ/ha năm 2003 lên 19 tạ/ha năm
2005. Còn bộ giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả ở Nghệ An được cải thiện về chất
lượng, sạch bệnh, có quy trình chống tái nhiễm bệnh khi đưa ra SX, nhờ đó hiệu
quả kinh tế rất cao. Mấy năm gần đây vùng cam xứ Nghệ không những được mở rộng
diện tích, NS cao hơn, lại được giá do chất lượng cam tốt từ đó đời sống người
trồng cam khá lên; vụ cam năm 2005 có hộ thu 350 triệu đồng từ cam.
Giống còn đóng góp rất lớn cho tăng trưởng chăn nuôi. Hiện số
lượng đàn trâu, bò của Nghệ An đứng đầu toàn quốc, chất lượng ngày một tốt đã
đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt 31,5% tỷ trọng nông nghiệp. Bước tiến đó về căn bản
nhờ giống tốt và phương pháp lai tạo tốt. Tóm lại CT giống đã có tác động rất
tích cực, vì vậy cần phải tiếp tục để giúp địa phương cải thiện SX. Chúng ta
khoan hãy thỏa mãn NS cây trồng, nhất là khi nói NS lúa đã "kịch trần". Như 10
năm trước ai dám nghĩ NS lúa đạt 9-10 tấn/ha/vụ, thế mà nay điều đó lại thành sự
thật.
Chương trình giống được các địa phương đồng tình nhưng khi
thực hiện thì thấy địa phương nào cũng "kêu", như cách làm manh mún, dàn trải và
vốn về địa phương quá ít?
Có sự dàn trải, xé nhỏ các dự án giống vì phía Trung ương thiếu
định hướng là cái gì cần ưu tiên làm trọng điểm, cái nào chưa nên làm. Ngoài ra
vì là lần đầu tiên thực hiện chương trình nên lúng túng. Một vấn đề mà các tỉnh
thường kêu là phân cấp, quản lý dự án thế nào? Theo tôi nên hình thành dự án
theo 3 cấp, từ trung ương, tỉnh cho đến người SX, cùng thống nhất được nội dung,
giải pháp làm và cách giải ngân (như CT cải tạo đàn bò thực hiện trước đó). Khi
đã thống nhất phương pháp làm thì kinh phí cần rót thẳng về cho các kênh làm dự
án, đồng thời người thực hiện dự án phải tự chịu trách nhiệm. Không như cách làm
hiện nay là tiền phân về cho Sở Tài chính quản lý, sau đó Sở lại phân bổ lại
kinh phí.
Các địa phương họ "kêu" kinh phí ít cũng đúng thôi, vì thực tế
đúng là nó ít thật. Về cơ bản các cơ sở SX giống ở hầu hết các tỉnh đều nghèo
nàn, không có nhà máy chế biến hạt giống, kho lạnh để bảo quản giống. Nghệ An
chúng tôi mong muốn có một cơ sở nhân giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả bằng
nuôi cấy mô mà mãi không thực hiện được. Dự án thì tỉnh duyệt rồi, đất cấp rồi,
nhưng nhìn đi nhìn lại không lấy đâu ra khoản kinh phí nào để thực hiện dự án
(khoảng trên 10 tỷ). Thế là chịu, khó khăn vậy đấy!
Nguồn: NNVN-bannhanong.vietnetnam.net ( 06/03/06)
|