Bảo tồn giống lúa trời Đồng Tháp Mười.
Cây lúa trời (còn gọi là cây lúa ma), tên khoa học là
Oryza rufipogon, là một loại cây đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng đến
nay chúng gần như bị tuyệt chủng... hiện chỉ còn khoảng 1.000ha được lưu giữ và
bảo tồn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (VQGTC).
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Môi
trường VQGTC: "Cây lúa trời là một trong những vốn quý được đưa vào danh mục bảo
tồn thiên nhiên tại VQGTC, với những cánh đồng lúa trời tự mọc. Đặc biệt cây lúa
trời thích nghi với vùng nước ngập sâu và sẵn sàng chống chịu với lũ lớn. Năm
2000, mực nước lũ ở đây dâng cao gần 10m nhưng cây lúa trời vẫn thản nhiên vượt
theo nước và vẫn sinh sôi nảy nở bình thường và rất tốt...".
Cây lúa trời giống như cây lúa mùa, mà người nông dân xưa đã
trồng trên vùng đất này. Lúa phát triển thành bụi vào đầu mùa mưa và chín rộ vào
khoảng tháng 10-11 âm lịch. Hạt lúa trời đã nuôi sống người dân nơi đây trong
những mùa nước nổi. Muốn thu hoạch lúa trời, người ta dùng chiếc xuồng bơi vào
đám lúa, dùng 2 thanh tre gạt mạnh những bông lúa vào 2 bên ghe xuồng, do lúa
trời "múi" nên khi chạm nhẹ là rụng vào trong khoang xuồng. Hạt lúa trời có
đuôi, nhỏ và cứng, khi giã thành hạt gạo có màu hồng nhạt, nấu ăn rất thơm ngon
và có vị ngọt... Bên cạnh việc lưu giữ cây lúa trời cho thế hệ mai sau biết đến,
cây lúa trời ở VQGTC hiện nay còn cung cấp một nguồn thức ăn rất lớn cho các
loài chim, cá sinh sống trong vườn và cũng là loại cây thu hút nhiều loại động
vật về đây trú ngụ, sinh sống...
Ngoài ra, cây lúa trời thật sự có nguồn gen vượt nước rất tốt,
hiện được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu tìm ra nguồn gen tốt
phục vụ cho ngành nông nghiệp.
Nguồn:NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (03/03/2006)
|