Đưa giống cây củ cải đường trồng thử nghiệm ở VN.
Mới đây, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với một số Bộ, Ngành tổ chức hội thảo giới thiệu giống củ cải đường nhiệt đới hiện đang được trồng thử nghiệm ở một số tỉnh của Việt Nam, mở ra triển vọng có thể thay thế cây mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trong nước.
Khác với cây củ cải thực phẩm được trồng nhiều ở nước ta chủ yếu vào vụ đông và vụ đông xuân, củ cải đường nhiệt đới được lai tạo thành công từ giống củ cải đường của các nước có khí hậu ôn đới. Với giống này các nước vùng ôn đới sản xuất chủ yếu làm nguyên liệu chế biến cho công nghiệp đường. Hạt giống củ cải đường nhiệt đới hiện bán trên thị trường các nước vùng nhiệt đới với thương hiệu HILLESHOG là thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới về lai tạo sản xuất hạt giống củ cải đường thích nghi với khí hậu vùng nhiệt đới.
Việt Nam cũng là nước đang được Cty Syngenta giới thiệu và đưa vào trồng thử nghiệm giống củ cải đường nhiệt đới ở 6 tỉnh thuộc miền Đông nam bộ, Tây Nguyên và hai tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh. Mới đây giữa tháng 2/2006, Cty Syngenta cùng với Cty TNHH nông nghiệp Yên Mô (Ninh Bình) đã triển khai thí nghiệm trên 1.000m2 tại huyện Yên Mô nhằm đánh giá tiềm năng năng suất, hiệu quả kinh tế của giống này tại vùng khí hậu, thổ nhưỡng đồng bằng Bắc bộ.
Củ cải đường nhiệt đới rất có triển vọng để sản xuất đường, các chế phẩm sinh học, phụ phẩm và thân lá dùng làm thức ăn cho chăn nuôi. Những ưu thế của củ cải đường nhiệt đới được khuyến cáo: Thời gian sinh trưởng ngắn 5-6 tháng,nhu cầu đồng ruộng cần ít nước, lượng đường sucrose cao 14-20%, năng suất trung bình 80-100 tấn/ha, có khả năng cải tạo đất, tăng năng suất cho cây trồng vụ sau, có thể trồng trên đất mặn kiềm, dễ thu hoạch và chế biến thủ công thành đường mật. So với mía nguyên liệu trồng tại Việt Nam thời gian sinh trưởng 11-12 tháng, ruộng trồng cần nhiều nước, lượng đường sucrose 8-10%, năng suất trung bình 40-60 tấn/ha, không thể trồng trên đất mặn kiềm, ít có khả năng cải tạo đất, thu hoạch chế biến không đơn giản. Kỹ thuật canh tác củ cải đường như sau:
Thời tiết: Hạt giống cần đất đủ ẩm để nảy mầm, mưa lớn nhiều ngày sau khi gieo sẽ ảnh hưởng tỷ lệ nảy mầm, đất quá ẩm ướt hoặc bị đọng nước ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành củ, nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm từ 15-25 độ C, giai đoạn tăng trưởng và tích luỹ đường cần nhiệt độ 25-35 độ C và có thể chống chịu được nhiệt độ 40-45 độ C.
Chọn đất trồng: Thích hợp với loại đất thoát nước tốt, lớp đất mặt sâu 45cm, có cấu trúc tơi xốp, đất thịt pha cát, thích hợp nhất là đất thịt pha sét có nhiều chất hữu cơ.Củ cải đường sinh trưởng tốt trên đất có pH từ 6-9, đất chua cần bón vôi. Bón 8 tấn vôi sống CaCO3 (nghiền mịn) có thể đưa độ pH từ 4,5 lên 6,5 nhưng quá trình này cần diễn biến trong 2 năm. Để có năng suất cao nên phân tích đất để xác định lượng phân bón:
Phân bón: Theo lý thuyết trung bình nếu không có loại phân Vedagro thì dùng 10-15 tấn phân chuồng, 152kg phân urê, 500kg lân nung chảy, vôi tôi (Ca(OH)2 2 tấn (tuỳ vào pH), KCl166 kg/ha, lưu ý phân urê bón 80 kg sau 30 ngày gieo hạt, sau 30 ngày tiếp theo bón nốt đợt 2- 86 kg.
Lượng giống: Để có 8-10 vạn cây/ha cần lượng giống từ 10-12 vạn hạt gieo hạt cách hàng 45-50cm, cây cách cây 15-20cm, cũng có thể làm luống đôi cao 15cm, rộng 1m, trên đó gieo hai hàng, gieo từng hạt trên chóp luống sâu 2,3-3cm, 10 ngày sau khi gieo hạt, gieo dặm lại những chỗ không mọc.
Tưới nước: Sau khi gieo hạt, tưới nước lần đầu rất quan trọng tạo độ ẩm thích hợp cho hạt mọc mầm, trên đất pha cát 5-7 ngày tưới một lần đất thịt pha sét 8-10 ngày tưới một lần, ngưng tưới nước 2-3 tuần trước khi thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh: Củ cải đường thường bị sâu ăn lá, sâu xám, bọ nhảy, sâu cắn rễ phá hoại, ngoài ra còn bị bệnh thối rễ và đốm lá, có các loại thuốc chuyên dùng trừ sâu và trị bệnh.
Cùng với việc khuyến cáo trồng củ cải đường nhiệt đới, Cty Syngenta cũng là nhà cung cấp giống, tư vấn chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, cung cấp máy chế biến thủ công và mua lại toàn bộ sản phẩm mật đường sau chế biến của nông dân. Cty TNHH Yên Mô, đang thực hiện mô hình thí nghiệm từ A-Z từ gieo trồng đến chế biến ra sản phẩm đường, mật, qua đó đánh giá hiệu quả kinh tế để so sánh với hiệu quả trồng mía, hoặc các cây rau màu khác từ đó đưa ra định hướng củ cải đường nhiệt đới có thể thay thế mía cho các nhà máy miá đường hay không.
Nguồn: NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (1/3/2006)
|