Khôi phục giống cam Bố Hạ
Nằm liền kề với con sông Thương nước trong vắt, những năm 1940-1945, ở các xã Đông Sơn, Nghĩa Hoà, Bố Hạ, Tân Sỏi... huyện Yên Thế (Bắc Giang) tràn ngập cam. Bãi cam bạt ngàn ấy, phần lớn là của ông Chánh Triệu, một chủ đồn điền tầm cỡ thời bấy giờ.
Từ sáng sớm đến nửa đêm, thuyền bè từ khắp nơi, cả của thương gia người Pháp cũng cập bến sông Thương, sông Sỏi để mua cam. Cụ Chương, người làng Bộ, xã Nghĩa Hưng, năm nay đã 80 tuổi, trước đây đã từng là người quản lý, chăm sóc bãi cam của ông Chánh Triệu cho biết: Cam đặc sản đã tồn tại hàng mấy trăm năm tại vùng đất này, nó có nguồn gốc từ loại cam mọc hoang ở vùng bến cát ven sông Thương thuộc huyện Yên Thế.
Những người dân vào rừng hái củi thấy có loại quả ngon nên mang hạt về trồng... Và cứ thế, cam tồn tại phát triển và trở thành loại quả đặc trưng nổi tiếng khắp nơi. Nông trường Bố Hạ là một cái nôi của loại cam đặc sản này NT có tới hơn 200 ha cam.
Thế rồi trước sức ép của cơ chế thị trường, cộng với nhiều nguyên nhân khác. Bố Hạ đã mất giống cam từ lâu. Những vùng mất giống đầu tiên là các xã Nghĩa Hưng, Tân Sỏi, Bố Hạ... Riêng NT Bố Hạ, cầm cự được đến khoảng năm 1996-1997 thì cũng hoàn toàn mất giống loại cây này. Người ta đổ tội cho bệnh vàng lá khiến cho các vườn cam bị thui chột. Song, điều không muốn nói ra ấy là nguyên nhân từ chính con người.
Thời kỳ cách đây hơn 10 năm, cơn sốt trồng vải, nhãn... lan rộng trong dân, Bố Hạ cũng không nằm ngoài lề. Ra đường, vào ngõ ngách nào cũng thấy người bán giống vải, nhãn đi dạo. Nhà nhà trồng vải, người người trồng vải. Diện tích cây vải tăng lên vùn vụt. Giá 1 kg vải thời đó bán tới 20-22.000 đ/kg, cam lép vế, mất giá chỉ còn 3.000 đ/kg, thậm chí xuống 2.000 đ/kg. Thế là người ta chặt bỏ không thương xót. Nhà nào không chặt bỏ thì cũng bỏ bê không chăm sóc, khiến cây cam càng thêm bệnh nặng. Ông Hoàng Văn Đối, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường, kiêm GĐ NT Bố Hạ, người đã bao năm gắn bó với cây cam thở dài: "Nhìn đau lòng lắm, người ta chặt cây, vứt bỏ không thương tiếc. NT đã cố giữ lại mà không được..." Cuộc chuyển đổi đó đã khiến vùng đất cam ngày nào tràn ngập vải, nhãn.
Rất nhiều lần có những đoàn khách quốc tế, dân buôn nước ngoài biết tiếng, lên tận Bố Hạ đặt mua cam với số lượng lớn, nhưng đều không có. Thế rồi vải nhãn mất giá. Người dân Bố Hạ chẳng biết trồng cây gì để thế chân vào. Lúc này người ta mới sực nhớ ra loại quả truyền thống thuở xưa. Mọi người hiểu ra rằng khó có loại cây trồng nào có thể thay thế được cam Bố Hạ tại vùng đất này. Thế là họ bắt tay vào đi tìm những cây còn sót tại các khu vườn, dưới bờ sông.
Thế nhưng, tuyệt nhiên không còn, dù chỉ là những mắt ghép nhỏ bé… Để đáp lại lòng mong mỏi của người dân, năm 2001, Viện BVTV (Bộ NN-PTNT) kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang quyết tâm khôi phục lại giống cam Bố Hạ. Tuy nhiên, cũng không thể tìm thấy giống cam gốc nổi tiếng xưa kia. Dự án đã thảo luận, nghiên cứu kỹ càng và quyết định phải dùng tới loại cam sành có nguồn gốc từ Hà Giang để thế vào.
Đây là vụ đầu tiên, những quả cam Bố Hạ được khôi phục cho quả bói. Nhiều khách du lịch, cán bộ khoa học nghe tin này cũng đã lên Bố Hạ để thăm các vườn cam. Mặc dù không phải là giống cam gốc nhưng người dân hy vọng: Với chất đất, chất nước sông Thương, cộng với sự chăm sóc không mệt mỏi sẽ lấy lại được hương vị đặc sản nổi tiếng xưa kia. Riêng ông Hoàng Văn Đối, GĐ NT Bố Hạ thì vẫn đau đáu một điều: Phải tìm cho được giống cam gốc xưa kia thì mới yên tâm được. Ông Đối cho hay: "Chúng tôi đang cất công lên tận Văn Chấn (Yên Bái), vào NT Cao Phong (Hoà Bình) để xin lại các mắt ghép cam. Xưa kia, tại các nơi này đã lấy giống, mắt ghép của chính gốc cam Bố Hạ".
Theo NNVN (Daily News) |