Thị trường tôm sú giống ở ĐBSCL :Cảnh báo cả lượng và chất .
ĐBSCL bắt đầu vào chính vụ tôm nuôi năm 2006 trên
diện tích hàng trăm ngàn ha. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là con giống chất lượng
cao không đáp ứng nhu cầu người nuôi. Hàng tỉ con giống kém chất lượng, trôi
nổi, không qua kiểm dịch vẫn được tung ra thị trường như một thách thức đối với
ngành chức năng và người nuôi tôm!
Đến thời điểm này, nông dân Nguyễn Văn Thắng, khóm
Kinh Tế, phường Nhà Mát, TX Bạc Liêu, đã 4 lần chọn mẫu tôm giống của các cơ sở
sản xuất nhưng vẫn chưa ưng ý, vì mẫu nào cũng nhiễm bệnh… Tình trạng này cũng
đang diễn ra đối với hàng vạn hộ nuôi tôm sú ở ĐBSCL hiện nay.
Ông Lâm Hồng Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi
Thủy sản Bạc Liêu, thừa nhận: Hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống còn nhiều
điều bất cập, không đảm bảo cả lượng và chất. Năm 2005, toàn tỉnh có 112.000 ha
diện tích nuôi tôm, cần đến 11 tỉ con con giống. Song, toàn tỉnh chỉ có vỏn vẹn
112 cơ sở sản xuất giống, mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, 9 tỉ con còn lại được
duy nhập từ các tỉnh miền Trung. Do “cung không đủ cầu”, nhiều cơ sở kinh doanh
ương thuần giống trong tỉnh bằng mọi hành vi gian lận để kiếm lời: thành lập cơ
sở “chui”, không theo quy hoạch, không giấy phép đã mọc lên khắp các vùng nuôi
tôm. Trong năm qua, qua xét nghiệm 2.326 mẫu tôm, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh phát
hiện có gần 50% số mẫu kém chất lượng; trong đó có 941 mẫu nhiễm MBV (bệnh còi),
184 mẫu nhiễm virút đốm trắng. Thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm
tra 1.489 phương tiện vận chuyển gần 1 tỉ con post nhập tỉnh, phát hiện có đến
123 phương tiện vi phạm, với lượng con giống kém chất lượng lên đến hàng triệu
con.
Ông Lê Văn Quắn, ấp Giồng Trôm, xã Long Toàn, băn khoăn: “Tôi
định thả khoảng 100 ngàn con giống. Nhưng mối lo hiện nay là việc chọn giống rất
khó khăn, với mắt thường của người nuôi tôm không thể nào phân biệt được con
giống có bệnh hay không. Do vậy, chỉ phó thác cho các cơ sở có uy tín”. Những
năm qua, việc nuôi tôm sú của người dân huyện Duyên Hải nói riêng, tỉnh Trà Vinh
nói chung, đã được nâng lên về kỹ thuật lẫn kinh nghiệm. Nhưng không năm nào
người dân Trà Vinh tránh khỏi thiệt hại từ con giống tôm sú. Ông Phan Văn Bửu,
Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh, cho biết: “Vụ tôm 2005, xã Long Khánh có 1.904
hộ thả nuôi với 337,5 triệu con giống trên diện tích gần 3.000 ha. Nhưng có tới
gần 50% số hộ phải thu hoạch sớm, gỡ được đồng nào hay đồng đó vì con giống
không đạt chất lượng. Vụ tôm 2006 chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn những
cơ sở có uy tín để mua giống; nếu có tôm chết, không nên thải nguồn nước ra
ngoài để lây lan mầm bệnh”.
Hiện nay, người dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đã bắt đầu
xuống giống tôm, chất lượng con giống vẫn là mối quan tâm hàng đầu.Ông Huỳnh Kíp
Nổ, Trưởng Phòng Nông nghiệp–Thủy sản huyện Duyên Hải, cho biết: “Huyện Duyên
Hải là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Từ đầu vụ đến
nay, 6.400 hộ thả nuôi với 338 triệu con giống trên diện tích 9.337 ha. Nhưng
ngành chỉ mới kiểm dịch được 66,1 triệu con giống sản xuất tại địa phương và 17
triệu con giống nhập tỉnh”. Được biết, năm 2006, nhu cầu tôm giống của Trà Vinh
khoảng 3 tỉ con, trong khi trên 110 trại sản xuất giống trong tỉnh mới đáp ứng
được khoảng 45%, số còn lại phải nhập từ các nơi khác về.
Trước mắt để có nguồn tôm giống tốt, Sở Thủy sản Bạc Liêu sẽ
trực tiếp hợp đồng với các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, có uy tín ở
các tỉnh miền Trung để cung cấp giống cho nông dân. Đồng thời, tăng cường kiểm
tra các cơ sở sản xuất, phương tiện vận chuyển giống và xử lý thật nghiêm những
trường hợp vi phạm. Khuyến cáo bà con nên chọn nguồn tôm giống tốt, đã qua xét
nghiệm mới thả nuôi.
Đối với Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất nước với
diện tích 240.000 ha, thị trường tôm sú giống đang có những dấu hiệu đáng mừng
cho cả người nuôi tôm, các nhà quản lý và giới kinh doanh chân chính. Các thương
hiệu Tôm giống số 1, Hợp tác xã (HTX) Đồng Khởi (Ngọc Hiển), Thủ Túc (Trần Văn
Thời)… được người nuôi tôm Cà Mau tín nhiệm cao. Ông Lê Thái Sơn, Chủ tịch Hội
nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho biết: “Bà con bây giờ rất sợ tôm
không rõ lai lịch, nguồn gốc. Vì thế nhiều người rất thận trọng trong việc chọn
mua con sú giống. Nhiều người có chung quan điểm: Thả với số lượng ít, giá cao
cũng được nhưng phải chất lượng”. Còn ông Bùi Văn Nho, Trưởng ấp Rau Dừa B, xã
Hưng Mỹ, huyện Cái Nước nói: “Số lượng giống thả mỗi đợt bây giờ chỉ bằng 2/3
lúc trước, nên chọn giá cao hơn trước vài đồng/con; số vốn bỏ ra vẫn vậy mà chắc
ăn hơn”.
Ông Ngọc Thanh, Chủ nhiệm hợp tác xã tôm giống Đồng Khởi, ấp
Đồng Khởi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Sau thời gian kiên trì xây
dựng thương hiệu, nay chúng tôi cũng đã thấy có hiệu quả phần nào. Hiện con tôm
mang thương hiệu HTX Đồng Khởi của chúng tôi đã được thị trường chấp thuận với
giá cao hơn giá tôm giống trôi nổi đến 10 đồng/con. Cụ thể, giá tôm không có
thương hiệu 15 đồng/con, thì giá của chúng là 25 đồng/con”. Trên chương trình
quảng cáo của đài truyền hình địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều các thương
hiệu tôm giống chất lượng cao, góp phần đem đến cho nông dân Cà Mau nhiều sự
chọn lựa để có được con giống tốt nhất…
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, nhận định: “Thị
trường tôm giống Cà Mau đang có bước chuyển mình so với những năm đầu chuyển
dịch cơ cấu sản xuất. Nó thể hiện ở mấy điểm: sản xuất ngày càng tập trung; kỹ
thuật sản xuất ngày một được đầu tư cao hơn, tiên tiến hơn; tiêu chí về chất
lượng đang được người nuôi tôm tôn lên hàng đầu”. Thế nhưng, với diện tích nuôi
240.000 ha, năm 2006 Cà Mau cần 11 tỉ con giống, đa số vẫn nhập tỉnh. Tỷ lệ tôm
giống kém chất lượng từ 70-80% ở các năm trước nay giảm xuống còn 50%, tuy nhiên
con số này vẫn rất đáng lo ngại.
Nguồn: CTOL -bannhanong.vietnetnam.net (28/2/2006)
|