Ngọt, thơm là bưởi Đoan Hùng.
Bưởi Đoan Hùng ngon nổi tiếng. Tuy nhiên thời gian
qua, giống bưởi quý có nguy cơ bị thoái hoá. Một dự án phục tráng và phát triển
giống bưởi đang được triển khai, sẽ giúp Đoan Hùng có 1.000 hecta cây bưởi đặc
sản để cải thiện đời sống kinh tế của người dân và giữ mãi cho đời vị ngọt độc
đáo này
"Ở nơi ấy có đồi mua tím Có con đường đất mịn mát chân
đi ở nơi ấy có một rừng bưởi chín Có người em bé nhỏ ngóng ta về..."
Những câu thơ của Lưu Quang Vũ cứ vấn vương trong tâm trí tôi
khi ngồi trên xe ô tô, lắc lư nhìn con đường quanh co uốn lượn khi lên cao khi
xuống thấp và trùng điệp những đồi cọ xanh thẫm. Từ Hà nội lên thẳng Đoan Hùng,
tôi cứ chắc mẩm mình sẽ được lạc chân vào rừng bưởi, thoả thích ngắm nhìn những
trái bưởi chín vàng căng mọng....
Thế mà rồi, đón chúng tôi là vườn bưởi ... chỉ toàn lá xanh
thân phớt trắng. Đó đây cũng còn vài quả bưởi còn sót lại đung đưa khẽ như thể
trêu ngươi những kẻ chậm chân! "Người ta hạ bưởi từ đầu tháng 11 Âm lịch, chứ
ai để đến bây giờ! Vào mùa rét ngọt, sương muối xuống, nếu còn để trên cây thì
quả sẽ rụng hết: - Anh Nguyễn Hồng Lê, cán bộ phòng Kinh tế nông nghiệp huyện
nói với chúng tôi. "Khi bưởi đã được hạ xuống khỏi cây, người ta thường để trong
quây đan bằng tre, lót lá chuối khô. Giống bưởi ở đây còn quý ở chỗ, có thể bảo
quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường!Từ
chuyện nỗi oan to bằng .... trái bưởi Đã bao nhiêu lần được cho, tặng bưởi
Đoan Hùng rồi, vậy mà chiều ấy, tôi mới biết rằng mình lần đầu tiên được thưởng
thức bưởi ... Đoan Hùng đích thực. Trái bưởi chừng chưa đầy 1kg. Vỏ hơi héo. Bổ
ra, đã thấy vị thơm thanh khiết. Tép múi đẹp, vị rất ngọt và ngon. Thảo nào,
đôi khi ngồi chuyện ngẫu về các quả đặc sản, bạn bè tôi cũng có người nói bưởi
Đoan Hùng ăn cũng tạm được, những thua xa nhiều bưởi đặc sản khác. Bưởi ngọt,
nhưng múi nát và vị cũng vẫn hơi the. "Thế mà cứ đồn thổi là bưởi ngon
lắm!".
Bây giờ, gặp họ tôi sẽ đính chính lại rằng bưởi đích xác Đoan
Hùng ngon thật. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch huyện Đoan Hùng cười mà
bảo: "Thì đấy, dọc hai bên đường chất đống bao nhiêu là hàng bưởi. Nhiều người
đi qua, rẽ vào mua làm quà. Nhưng thực ra, bưởi này là ở các địa phương khác
chuyển tới. Đâm ra bưởi Đoan Hùng tự dưng mang tiếng là ... ngon chỉ vì đồn
thổi, ché không phải ngon thật. Sự thực, trong sử sách có chép, bưởi Đoan Hùng
đã từng được mang tiến Vua kia đấy!" Nhưng rõ ràng là bưởi Đoan Hùng rất
hiếm, có hiếm người ta mới phải bày vẽ ra như vậy. Anh Lê cho chúng tôi biết, cứ
gần Tết là lái thương đến Đoan Hùng tìm mua bưởi. Giá của mỗi quả đặc sản này
được bán tới 15 đến 30 nghìn đồng, có lẽ đắt nhất trong các giống bưởi trong
nước. Song hiện nay đa số diện tích trồng bưởi đang bị thoái hoá, qủa nhỏ
lại, năng suất, lượng quả hàng hoá không đáng kể so với nhu cầu. Không thể để
loại quả quý này mai một như thế. Năm 2001, một đề tài khoa học cấp tỉnh đã được
triển khai nhằm tuyển chọn, bảo tồn và phục tráng giống bưởi qúy Đoan Hùng.
Để có 1.000 hecta bưởi đặc sản trên đất Đoan Hùng.
Chủ nhiệm đề tài khoa học chính là Ông Đinh Văn Ngọc, khi đó là
Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng. Là người con Đoan Hùng, lớn lên cùng cây bưởi,ông
trăn trở nhiều, lo cho giống bưởi quý có nguy cơ mai một. Đề tài được UBND tỉnh
Phú Thọ phê duyệt và cho triển khai. Mục tiêu chung của dự án là nhằm tuyển
chọn, phục tráng và xác định biện pháp chủ yếu thâm canh một số giống bưởi đặc
sản tại huyện Đoan Hùng, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên đất
đồi và vườn tạp, tạo điều kiện công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư ở nông
thôn, tăng thu nhập tiến tới giảm nghèo, làm giàu.... Đồng thời bảo tồn nguồn
gen giống bưởi đặc sản Đoan Hùng. Từ đó đến nay, dù đã ở cương vị mới (ông Ngọc
hiện là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ), ông vẫn thường xuyên
theo dõi và quan tâm đến việc phát triển bưởi ở Đoan Hùng. Năm đó, tại từng
thôn, xã trong huyện, người ta tổ chức bình chọn những cây bưởi ngon có tiếng.
Từ hàng trăm cây bưởi ngon, mấy vòng loại, cuối cùng, lựa chọn 9 cây bưởi giống
ngon nhất, được chọn làm cây đầu dòng, được huyện đầu tư chăm sóc và quản lý để
bảo tồn quỹ gen và nhân rộng. Ở Đoan Hùng có 11 giống bưởi, nhưng có 2 giống
bưởi được xác định là qúy nhất là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu (Chí Đám). Hai
giống bưởi này sẽ được nhân rộng trồng trên diện tích 1.000 hecta đất thuộc 18
xã trong huyện. Dự án lớn như vậy, lãnh đạo tỉnh và huyện đầy quyết tâm.
Nhưng khó khăn nảy sinh không ít. Thời tiết không thuận, khô hạn, cây trồng kém
phát triển. Một điều cần khắc phục nữa là thói quen của một số bà con. Bấy lâu
họ trồng bưởi bằng giống cây chiết, chóng cho quả những rễ ăn nông, không hút
được nước. Đến nay, đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ghép mắt cây bưởi được
tuyển chọn vào gốc ghép từ cây bưởi thường. Bà con làm theo nhưng chưa thực hiện
triệt để quy trình chăm sóc cho cây bưởi.
Thông thường, cây bưởi sau khi trồng 4-5 năm mới cho thu hoạch
quả. Trong ngần ấy năm vẫn phải tưới bón kiên trì, chăm sóc đúng kỹ thuật....
Thể nào chẳng có người băn khoăn: liệu mất công chăm bón 4-5 năm, qủa thu hoạch
có mang lại sự đền bù xứng đáng? Bởi vậy, không phải một sớm một chiều mà thay
đổi được nếp nghĩ, cách làm. Vì nhiều lý do, đến nay, dự án thực hiện tiến độ
còn chậm so với kế hoạch đề ra. Lão nông Nguyễn Hữu Tiệp (ở xã Chí Đám) năm
nay bước vào tuổi 85, đã kể cho chúng tôi nghe về nỗi vất vả công phu nghề trồng
bưởi. Cụ phải thuê người mua đất phù sa về đổ trong vườn, rồi đầu tư phân bón,
nước tưới. Nhiều cây bưởi bị sâu, lại phải chữa cho hết bệnh, cây mới cho quả
ngọt. Nhưng đến mua, bưởi trồng bao nhiêu bán hết tới đó. Thông thường trong
làng, những nhà có trung bình 3 chục cây bưởi cũng thu được chừng 15 đến 20
triệu đồng/nặm Năm 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đầu tư dự án
xây dựng mô hình trồng thâm canh 2 giống bưởi đặc sản tại huyện Đoan Hùng với
quy mô 300 ha. Quyết tâm của tỉnh và huyện là trong thời gian tới sẽ tăng tốc để
hoàn thành việc trồng 1.000 ha trên toàn huyện.
Thương hiệu - hướng tới sự phát triển lâu dài và bền
vững.
Đầu xuân 2006 này, bưởi Đoan Hùng được công nhận có chỉ dẫn địa
lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ. Dự án Xác lập và quản lý quyền đối với chỉ
dẫn địa lý "Đoan Hùng" cho sản phẩm bưởi của tỉnh Phú Thọ được triển khai do
chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thuỵ Sỹ về Sở hữu trí tuệ tài trợ.
Những chiếc tem nhãn đầu tiên được dán lên quả bưởi, chứng nhận đây là loại bưởi
thơm ngon chính hiệu để đến với khác hàng. Thật tiếc, là những quả bưởi thế
này vẫn còn quá ít. Vì vậy, một trong những điều lo lắng của các nhà quản lý ở
địa phương trong vài năm tới là làm sao để giữ vững được uy tín cái tên này,
không để tem nhãn bị làm nhái, làm giả dán sang bưởi khác rồi lại gây tiếng oan
cho bưởi Đoan Hùng như một dạo. Điều này nói tưởng chừng đơn giản nhưng thực
hiện lại không phải là điều dễ.Đứng trên bãi sông, nhìn ngút ngàn màu xanh của
chồi non lộc biếc, tôi như hình dung thấy những cây bưởi lớn bỗng chốc lớn vượt
lên, đơn hoa kết trái. Một ngày kia, ở đây sẽ có "một rừng bưởi chín", đẹp như ở
trong thơ. Tương lai phát triển đó là tất yếu. Chỉ có điều, trong 5 năm hay 10
năm, hay xa hơn nữa, phụ thuộc vào con người. 5 năm - 10 năm cũng không phải là
quãng đường dài của một kế hoạch phát triển. Nhưng một năm là 12 tháng, 365
ngày. Là bao bàn tay chai sạn, là bao nhiêu giọt mồ hôi của người nông dân và
bao suy nghĩ trăn trở của những người đứng mũi chịu sào... để đến một ngày kia,
trái bưởi Đoan Hùng (có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ) sẽ nằm bên các loại quả đặc
sản trong các siêu thị ở trong nước và cả nước ngoài. Người Đoan Hùng sẽ giàu
lên nhờ giống bưởi quý quê mình.
Nguồn:VOV- bannhanong.vietnetnam.net (2/2006)
|