Phát triển cây điều bền vững .
Những năm đầu thế kỷ này, nhất là năm 2005, sản
xuất và chế biến điều ở nước ta đã thể hiện rõ nét sự phát triển theo hướng hiệu
quả, bền vững. Kim ngạch xuất khẩu điều đứng thứ tư (sau gạo, cà-phê, cao-su) và
đứng thứ hai về thị phần trên thế giới (sau Ấn Ðộ). Cây điều trở thành cây làm
giàu cho hàng triệu nông dân ở một số địa phương.
Thời cơ mới - thành tựu mới.
Trong số những cây công nghiệp dài ngày đứng chân trên các
vùng, miền sinh thái ở nước ta, cây điều có ưu thế "trời cho"; vừa là cây "dễ
tính", ít kén đất, vừa có khả năng chịu hạn cao, thích nghi trên diện rộng. Bởi
thế, với các loại đất nghèo dinh dưỡng, đất trống, đồi trọc, đất pha cát ven
biển... nhiều cây khác không chịu nổi, cây điều vẫn trụ vững, ra hoa, kết trái,
cho thu hoạch. Mặt khác, giá sản phẩm, mức tiêu thụ và thị trường xuất khẩu điều
trên thế giới, nhất là thị trường ở các nước phát triển ngày càng cao và mở
rộng. Ðây là thời cơ thuận lợi phát triển sản xuất và chế biến điều của nước ta.
Ðể đáp ứng dần nhu cầu của thị trường, đồng thời phát huy lợi thế của cây điều,
nghề sản xuất, kinh doanh điều, ngày 7-5-1999, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định
số 120/1999/QÐ-TTg phê duyệt đề án phát triển sản xuất, kinh doanh điều đến năm
2010 với các mục tiêu khá cụ thể. Quyết định đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác
quy hoạch các vùng điều tập trung, chuyên canh, quy mô diện tích lớn. Các cơ sở
sản xuất bao gồm: các cơ sở chế biến công nghiệp sau thu hoạch và các chủ vườn
điều được "ưu đãi, hưởng lợi" trong quá trình đầu tư phát triển. Trải qua sáu
năm thực hiện đề án nêu trên, các vườn điều chuyên canh, thâm canh và chế biến
điều có bước chuyển biến mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kết
thúc năm 2005 vừa qua, các cơ sở sản xuất điều đã có bước tăng tốc vượt trội,
đem lại những thành tựu cao nhất từ trước đến nay, tạo ấn tượng tốt đẹp trong dư
luận xã hội. Ðó là: tổng diện tích điều đã tăng lên 450 nghìn ha (trong đó
khoảng 1/3 là diện tích điều cao sản), tăng 1,8 lần; năng suất bình quân đạt gần
bằng năm 2004, khoảng 1,1 tấn/ha, tăng 61,3%; tổng sản lượng điều thô hơn 400
nghìn tấn, tăng ba lần và kim ngạch xuất khẩu điều đạt gần nửa tỷ USD, tăng năm
lần so năm 1999.
Sản phẩm của một số doanh nghiệp trong ngành đã được cấp giấy chứng
nhận theo tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP nên hàng hóa làm ra đến đâu, được tiêu thụ
hết đến đó và bán được giá. Kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành điều năm vừa
qua đã góp phần quyết định hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm
2001-2005. Ðặc biệt, nhiều chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt mục tiêu của đề án đến năm
2010. Tổng sản lượng điều nhân hai năm 2004 và 2005 giữ mức ổn định khoảng
104-105 nghìn tấn; tổng kim ngạch điều xuất khẩu vượt khoảng 100% so mục tiêu
đến năm 2005 và vượt 11% so mục tiêu đến năm 2010. Sản phẩm điều nước ta không
chỉ có mặt ở những thị trường truyền thống, dễ tính, đã vươn tới thị trường các
nước phát triển như Mỹ, Ðông - Tây Âu, Nga, Nhật Bản và khu vực ASEAN. Sản xuất,
kinh doanh điều trở thành nghề mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu
lao động nông thôn các tỉnh ven biển miền trung, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cây
điều từ vị thế là cây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên thành cây làm giàu, nhất là
đối với vùng điều cao sản tập trung với diện tích lớn.
Nguyên nhân phát triển và hạn chế.
Trước hết là sự đóng góp tích cực của địa phương, các cơ quan
khoa học trong việc vừa tiến hành nhập nội một số giống điều mới từ Thái-lan,
Ô-xtrây-li-a, vừa điều tra, sưu tập, chọn lọc cây điều đầu dòng phục vụ cho công
tác nghiên cứu, tạo giống và chuyển giao kỹ thuật canh tác đến nông dân. Các
vườn điều cũ, vùng điều trồng mới được cải tạo và trồng bằng giống có năng suất
cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn các
hộ nông dân tập trung vốn đầu tư trồng và thâm canh tăng năng suất điều.
Thứ hai, thực hiện đề án phát triển điều đến năm 2005 và 2010,
các tỉnh đã hoàn thành tốt việc rà soát quy hoạch phát triển điều, dành ngân
sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, hỗ trợ đưa giống mới vào sản
xuất và hỗ trợ mở rộng diện tích điều cao sản. Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng
tỷ đồng cho phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống cho nông dân. Nhờ đó, đến
nay trong số hơn 400 nghìn ha điều cho thu hoạch, có khoảng 130 nghìn ha điều
cao sản, năng suất đạt 2-2,5 tấn, cá biệt có vùng đạt gần ba tấn/ha, tăng hơn
năm lần so với giống điều cũ.
Thứ ba, đầu tư nâng cấp các cơ sở công nghiệp chế biến; hệ
thống cơ sở chế biến có bước phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ðến
nay, cả nước có khoảng 100 cơ sở chế biến, với tổng công suất hơn 400 nghìn tấn
điều thô/năm, tăng 80,2% so với năm 1999. Trong hai năm gần đây, bình quân mỗi
năm toàn ngành đã chế biến hơn 400 nghìn tấn điều thô. Các cơ sở chế biến điều
áp dụng công nghệ Việt Nam. Máy móc thiết bị được sản xuất trong nước với giá
rẻ, dễ thao tác, phù hợp trình độ người lao động, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Một số đơn vị được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP. Nhờ đó,
mặc dù ra đời và phát triển muộn so với các ngành hàng nông sản khác, nhưng sản
xuất, kinh doanh điều đã nhanh chóng mở rộng được thị trường.
Thứ tư, Hiệp hội cây điều Việt Nam đã phát huy vai trò của mình
trong việc phối hợp hỗ trợ và khuyến cáo các hội viên tổ chức sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm lợi ích cho nông
dân trồng nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Nhìn tổng thể, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất,
kinh doanh điều còn có những hạn chế tồn tại chậm khắc phục. Tuy năng suất và
chất lượng điều đạt vượt mục tiêu đề án giai đoạn 2005, nhưng còn thấp so với
mức năng suất bình quân trên thế giới (hai tấn/ha). Hiện nay, cả nước vẫn còn
2/3 diện tích vườn điều là giống cũ, còn quảng canh, chưa được cải tạo; việc đầu
tư để tăng nhanh năng suất trong giai đoạn tới đang là một thách thức lớn. Tốc
độ phát triển cơ sở chế biến nhanh, nhưng chưa cân đối, chưa thật sự gắn bó với
vùng nguyên liệu. Trình độ công nghệ chế biến chưa cao, lao động thủ công còn
nhiều, năng suất thấp, giá thành chế biến cao, số nhà máy chế biến đạt tiêu
chuẩn quản lý theo hệ thống ISO, GMP, HACCP còn ít. Một số doanh nghiệp chưa
quan tâm việc xây dựng, củng cố thương hiệu, làm giảm uy tín mặt hàng điều Việt
Nam trên thị trường quốc tế. Sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối
với quá trình đầu tư phát triển còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách quy định
trong Quyết định 120 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện có kết quả. Hầu
hết những người trồng điều trên các vùng đất trống, đồi trọc, vùng phòng hộ chưa
được sự hỗ trợ.
Ðó là những tồn tại và thách thức đòi hỏi các cấp, các ngành,
các địa phương có giải pháp giúp người sản xuất điều khắc phục khó khăn, khai
thác tốt hơn lợi thế, để cây điều phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, tham
gia hội nhập kinh tế thế giới.
Nguồn:Báo Nhân Dân -bannhanong.vietnetnam.net
(11/02/2006)
|