Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Giống

Báo động nạn săn lùng, lạm thác cua biển giống ở Trà Vinh!

Cho đến đầu tuần tháng 2/06, xứ biển Mỹ Long Nam của huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) sôi động hẳn lên với cái nghề đi bắt cua biển giống.Đã 3 tháng qua,hơn 500 con người là dân bản xứ và từ nơi khác đã đổ xô về đây. Họ không quản ngại ngày đêm, bất chấp cái giá lạnh của miền biển và muỗi mòng như tạt trấu bám vào người để săn lùng loài hải sản mà biển và rừng đã ban tặng.

Hội đẩy xiệp.

Mới 5 giờ sáng, anh Phạm Văn Hải, Tổ trưởng Tổ quản lý và bảo vệ rừng số I của Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam, đã dựng tôi dậy để kịp tháp tùng theo nhóm của anh Phạm Văn Quắn ở ấp tư đi đẩy xiệp bắt cua biển giống. Tiết trời của những ngày cận tết vẫn chưa gia giảm cái lạnh. Buổi sớm mai không khí ở xứ biển Mỹ Long Nam lại càng lạnh hơn nhiều. Gió từ ngoài khơi cứ từng cơn mang cái lạnh quất vào da thịt... Vậy mà nhóm người của anh Quắn đã thức dậy từ rất sớm và chuẩn bị xong tất cả những vật dụng cần thiết để chờ tôi xuất phát. Mỗi người một gọng xiệp, một cái keo nhựa đựng mớ cỏ nước mặn, một hộp lon cơm và một bình nước uống. Tất cả “đồ nghề” để đi xiệp cua biển giống chỉ bấy nhiêu đó và cả nhóm nhắm về phía rừng bần trực chỉ. Cả nhóm người của chúng tôi phải mất hơn nửa giờ, lội sình lầy ngập đến gối để vượt qua gần 1km chiều dài của rừng bần từ chân đê ra đến tận biển.

Khi cả nhóm ra đến mép biển thì nước thủy triều đã dâng cao. Cả một bãi bồi dày đặc rễ bần như một bàn chông khổng lồ giờ đã mênh mông nước. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến tận mắt “ngày hội đẩy xiệp”. Hơn 500 con người lớn có, nhỏ có, trước, sau đến 4, 5 hàng và nối dài với nhau hơn 6km dọc theo cánh rừng bần. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu gọng xiệp, cứ hướng vào rừng bần mà đẩy. Tất cả cứ lầm lũi mà đi tới khoảng 10m rồi lại cất xiệp lên cao để thăm dò kết quả. Phải mất qua 3 lần đẩy xiệp anh Phạm Văn Quắn mới thu được “chiến lợi phẩm” cho mình là 3 con cua biển con nhỏ... bằng hạt đậu phộng! Nhẹ nhàng bắt mấy con cua bỏ vào bình nhựa, anh Quắn quay sang tôi vừa cười vừa lắc đầu mà nói: “Đông người quần mấy tháng trời nên bây giờ gần như chỉ còn lại đám cua út tiêu mà thôi”. Nhìn những con cua biển nhỏ xíu xiu, tôi nghĩ không biết liệu chúng có sống được không với cuộc hành trình dài từ biển lên bờ rồi vào các điểm thu mua. Rồi từ đây chúng được đưa lên xe để đi đến tận các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng... Cuối cùng là đến ao hồ của những người nông dân nuôi cua biển. Sống chết không biết thế nào, nhưng theo lời của anh Quắn thì: “Lớn, nhỏ gì bạn hàng ở đây cũng mua hết. Cua lớn từ bằng ngón tay cái trở lên giá 2.000 – 3.000 đồng/con. Nhỏ hơn một chút thì 1.000 đồng /con. Còn thứ cua út tiêu vầy cũng bán được 500 đồng một con”.

Cùng đẩy xiệp một bên, anh Trần Văn Thêm cùng nhóm cũng vừa cất xiệp bắt được đến 6 con cua biển con. Nghe Quắn nói chuyện, anh Thêm phụ họa vào: “Nếu tính từ hôm khởi vụ bắt cua biển giống đến giờ, tôi dám chắc đã có vài chục triệu con đã bị bắt. Đông người như vầy, có lẽ không bao nhiêu bữa nữa chắc phải đỏ con mắt mà đi kiếm cua con để bắt”. Lời nói của anh Thêm là rất hợp tình. Cứ nhìn gần 500 gọng xiệp được sử dụng bằng lưới bung đến con muỗi còn chui qua không lọt. Hết người trước rồi đến người sau, hết đẩy xiệp qua trái thì sang phải. Màu xanh của nước biển liên tục bị trộn lẫn với bùn non đến xám xịt. Với sự săn lùng như thế thì có còn được mấy con cua con chạy thoát. Một ngày theo hai con nước lớn của thủy triều, bất chấp vào ban ngày hay lúc ban đêm là bấy nhiêu con người ấy đi đẩy xiệp để bắt cua biển giống. Anh Phạm Văn Quắn cho biết bình quân mỗi ngày một người đi đẩy xiệp theo hai con nước lớn bắt được từ 80 – 100 con cua biển giống. Số tiền kiếm được của một người ít nhất là 100.000 đồng. Một khoản thu nhập mà đối với người dân quê Mỹ Long Nam và người ở vùng nông thôn không có mấy người kiếm được. Một tuần làm được cả tháng ăn của gia đình. Nguồn lợi của biển và rừng ban tặng quá hấp dẫn như vậy nên dù có giá lạnh đến thấu xương, bị muỗi mồng cắn chích đến thâm tím, nhưng chẳng ai quản ngại.

Hơn 4 giờ đồng hồ trôi qua, nước thủy triều cũng đã rút cạn để trơ lại những rễ bần ngả nghiêng vì sau một trận tra tấn dữ dội của hơn 500 gọng xiệp. Đoàn người đi bắt cua biển giống lần lượt rời khỏi rừng bần. Nhóm người của anh Quắn cũng quay về chân đê với kết quả thu hoạch được của mỗi người từ 40 – 50 con cua biển giống. Cơm nước xong, họ nghỉ ngơi tạm bợ dưới những tán cây bần ven chân đê. Họ lại chờ nước con thủy triều lớn vào lúc đứng buổi trưa để tiếp tục cuộc hội đẩy xiệp bắt cua biển giống.

Cần giữ gìn nguồn lợi vô giá!

Chia tay với nhóm người của anh Phạm Văn Quắn, tôi trở lại Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam mang theo một tâm trạng vừa mừng vui mà cũng vừa bồn chồn. Vui vì thấy người dân xứ biển Long Nam được một mùa thu hoạch cua biển giống thật lớn. Chỉ nhẩm tính thôi thì gần 3 tháng nay nguồn cua biển đã đem đến cho người dân có đến vài tỉ đồng. Nhà nào cũng có thêm thu nhập, đỡ phần vất vả trong cuộc sống. Còn bồn chồn lo ngại là với tình hình khai thác cua biển đến tận tuyệt như thế liệu nguồn lợi thủy sản này sẽ còn lâu bền? Tôi nghĩ kết cuộc của nó sẽ đúng như lời của anh Trần Văn Thêm đã nói với tôi khi ở giữa rừng bần đẩy xiệp là: “Không bao nhiêu bữa nữa chắc phải đỏ con mắt mà đi kiếm cua con để bắt”. Không phải chỉ có anh Thêm mà tất cả người dân Mỹ Long Nam đều lường trước hậu quả. Ai cũng đều biết nhưng vẫn làm.

Nguyên nhân là do chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách vẫn chưa “đánh tiếng” trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định. Anh Dương Văn Điện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Mỹ Long Nam, nói với tôi trong tâm trạng thật bức xúc: “Mười mấy năm trời tốn kém bao nhiêu công lao và tiền bạc mới có được cánh rừng bần ven biển như hôm nay. Có rừng các loài hải sản mới kéo nhau về trú ngụ. Trong 3 năm vừa qua, rừng bần không chỉ có cua biển mà có cả các loài đặc sản khác như sò huyết, vọp, chem chép... Nhưng cũng vì cái cảnh khai thác tự do vô hậu, những loài hải sản này gần như không còn. Tôi thấy thật tiếc vô cùng. Chúng tôi chỉ là những người giữ rừng, không chức trách về mặt quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản. Việc chúng tôi làm được là góp ý kiến của mình và chờ đợi động thái của cơ quan hữu trách. Thế nhưng 3 năm đã qua, chuyện bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở rừng bần để người dân được khai thác lâu dài vẫn là việc còn chờ đợi”.

Việc khai thác thủy sản bằng các phương tiện đánh bắt tận tuyệt vốn đã bị nghiêm cấm. Tôi nghĩ chuyện quản lý đánh bắt cua biển giống ở rừng bần Mỹ Long Nam đâu phải là việc khó đến không thể làm. Nói theo lời của anh Phạm Văn Hải, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng số I: “Không phải người dân Mỹ Long Nam làm càn. Chỉ vì chính quyền xã, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa có sự can thiệp, nên chẳng ai đành làm người tốt đứng nhìn những người khác tự do khai thác”. Không nghiêm cấm dân khai thác, nhưng cần qui định cho người dân sử dụng phương tiện đánh bắt hợp lý để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Sự ràng buộc này vì tính bền vững có lợi cho dân. Được như thế, tin rằng không có mấy ai đứng ngoài cuộc để làm việc vi phạm pháp luật.

Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net

 

 


° Các tin khác
• Việt Nam:Đứng nhóm đầu ASEAN về công nghệ sinh học nông nghiệp vào năm 2020.
• Bình tuyển, xác nhận giống cà phê chất lượng cao cho Tây Nguyên.
• Kiên Giang: phát hiện giống địa lan quí tại vườn quốc gia U Minh Thượng.
• Chọn giống gà sau dịch.
• Trà Vinh: Cung cấp hơn 200 triệu con cá giống.
• giống tầm mới nhập
• Tiền Giang:Xác nhận giống giống đầu dòng cam mật không hạt.
• Thái Bình:Giống khoai tây mới năng suất 17 tấn/ha.
• Nuôi gà giống Ai Cập kháng dịch bệnh tốt,hiệu quả cao.
• Công nghệ gien tạo ra gạo giàu vi chất dinh dưỡng.
• Ươm thành công giống cá nước lạnh Bắc Âu tại VN
• Các bộ giống lúa tốt, thích hợp cho từng thời vụ
• Giống Lạc
• Cuộc cách mạng giống bông ở Đông Nam bộ
• Triển vọng của giống tằm TN12
• Hoa Địa Lan (Cymbidium spp)
• Hoa Thu Hải Đường (Begonia spp)
• Một số giống rau quả khác
• Hoa Lys
• Hoa hồng
• Hoa Glayơn
• Hoa lan
• Hoa Lily (Lilium spp)
• Hoa Hồng Môn (Anthurium spp)
• Nhân giống thành công một loài cá lăng hiếm
• Một số giống dâu tây mới
• Một số giống ngô lai cho vụ xuân 2005
• Nhân giống vô tính cây hồi
• Công ty sản xuất giống thuỷ sản Phương Nam Huyện Thái Thuỵ
• Giống ngô mới cho người nghèo ở Krông Pa

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb