Tiền Giang:Xác nhận giống giống đầu dòng cam mật không hạt.
Thông báo thường kỳ của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả
miền Nam (VNCCĂQMN) về các loại cây trồng có triển vọng phát triển của Đồng
bằng sông Cửu Long, ngoài những loại trái cây đặc sản hiện có,giống cam mật
không hạt của một nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang đang được viện này làm thủ tục
xác nhận giống cây đầu dòng.
Chủ nhân của giống cam mật không hạt là ông Nguyễn Văn Lộc
(Mười Nhỏ) ở xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy. Trái cam mật không hạt của ông Mười
Nhỏ đã đạt giải nhì ở Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ năm 2002; giải nhì tại
Hội thi cây - trái ngon, lạ năm 2005 ở huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre.
Ông Mười Nhỏ hiện có khoảng 400 cây cam mật không hạt được trồng xen
trong khu vườn trồng các cây ăn trái khác gồm quýt, bưởi Long Cổ Cò, Năm Roi..
Tôi đem chuyện nghe người ta cho rằng cây trồng xen nhiều loại sẽ bị lai giống,
ông Mười Nhỏ nói như thách: “Bây giờ chú chỉ tôi trái nào tôi hái trái đó, chẻ
ra mà có hạt thua gì chú tôi cũng chịu. Từ khi trồng đến giờ, cả nhà tôi ăn
không biết bao nhiêu trái cam chỉ gặp duy nhất một hạt nhỏ xíu”. Nói là làm, ông
Mười Nhỏ bước ra vườn hái 5 trái cam từ những cây cam khác nhau đem vô chẻ để
chứng minh lời nói của mình. Rõ ràng là 10 miếng cam được ông chẻ ra ruột vàng
ngính không có hạt nào
Ông Mười Nhỏ không nhớ chính xác thời điểm năm nào, mà chỉ nhớ
mang máng là khoảng năm 1974 người nhà có mua cam về cho má ông ăn thì ông lượm
hạt cam gieo để lấy giống trồng. Sau năm 1975, ông cải tạo vườn tạp 8 công đất
,trồng các loại cây cam mật, quýt… Đến khi cam mật có trái chín, ông phát hiện
có một cây cam mật ra trái mà bên trong ruột không có hạt nào. Cam chẻ ra ruột
vàng tươi, ăn ngon và lột vỏ rất dễ không bị chảy nước. Người con trai thứ sáu
của ông đang học liên tỉnh ngành nông nghiệp bên lĩnh vực trồng trọt thấy lạ,
đem đi hỏi thăm nhiều nơi và anh quyết định chiết cành, nhân giống từ cây
cam mật không hạt để trồng. Cam trồng phát triển rất tốt, tất cả ra trái không
có hạt. Nhưng khổ cái là đến mùa lũ thì cả khu vườn của ông Mười Nhỏ bị nước
ngập làm cây trồng chết, cây nào sống sót thì còi cọc. “Chú nghĩ coi cái nhà tôi
cao hơn mặt đất ngoài vườn cả nửa thước mà nước còn ngập cao hơn 3 – 4 tấc thì
vừa gì. Mỗi lần nước lên là bứng vài cây cam lớn nhất để “di tản” đến chỗ đất
cao trồng, nước rút thì đem trở lại vườn trồng giữ lấy giống” – ông Mười Nhỏ cho
biết. Giống cam mật không hạt của ông Mười Nhỏ mới được “yên ổn” một chỗ và được
ông trồng ngày càng nhiều khi đê sông Ba Rài phía trước nhà ông được đắp ngăn lũ
hồi năm 2001.
Khi biết ông Mười Nhỏ có giống cam lạ, từ năm 2001 đến nay Viện
nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã đến vườn cam của ông để chọn 3 cây cam mật
không hạt lấy mẩu làm cây sạch bệnh. Qua quan sát, so với các loại cây khác
trong vườn thì cây cam mật không hạt sống khoẻ mạnh nhất, tốt nhất. Cây trồng 5
năm vẫn tươi tốt và chưa có dấu hiệu bệnh. Một cây cam mật không hạt 3 năm tuổi
sẽ lượng trái đạt 20 kg. Tuy còn mới lạ, nhưng giá cam mật không hạt được ông
bán ổn định 10.000 – 12.000 đồng/kg. Phân biệt giữa cam mật không hạt với cam
mật thường là khi chín cam mật không hạt có màu vàng tươi, vỏ đẹp; cam mật không
hạt có đồng tiền ở phần dưới trái, còn cam mật thường thì không có đồng tiền.
Năm 2006 Viện Nghiên cứu Cân ăn quả miền Nam sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn công nhận một số cây cam không hạt trong vườn ông Mười
Nhỏ là cây đầu dòng.
Nguồn:Website UBND TG
|