Nhân giống vô tính cây hồi
Ở nước ta, hồi được trồng nhiều ở các tỉnh biên giới Đông Bắc nhưng tập trung chính ở Lạng Sơn. Đa số rừng hồi hiện nay có nguồn giống chưa được cải thiện nên năng suất còn rất thấp. Để nâng cao năng suất chất lượng rừng hồi, việc cải thiện giống hồi là rất quan trọng. Xin giới thiệu kết quả bước đầu về chọn và nhân giống vô tính cây hồi.
Vật liệu: Hom của cây con 2 tuổi gieo từ hạt, hom của cây mẹ 10 tuổi và hom 25 tuổi, thuốc kích thích IBA. Chọn cây mẹ chia làm hai bước.
Bước 1: Xác định sản lượng quả trên cây bằng phương pháp ước lượng. Đồng thời với việc ước lượng sản lượng quả trên cây, chọn những cây có bộ tán lá dài, rộng, tròn và cân đối
Bước 2: Chọn lọc chất lượng: Phân tích tinh dầu được thực hiện tại phòng phân tích hữu cơ Viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên. Mẫu quả phân tích được lấy riêng cho từng cây mẹ. Mỗi cây mẹ lấy 0,5 kg quả ở các điểm đại diện của tán. Mỗi lâm phần lấy 1 hỗn hợp để phân tích làm đối chứng.
Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng được chia làm hai bước:
Bước 1: Nghiên cứu thăm dò phương pháp giâm hom và phương pháp ghép.
Bước 2: Nghiên cứu nhân giống mở rộng
Kết quả chọn giống: Căn cứ vào sản lượng quả thực tế trên cây đã chọn được100 cây dự tuyển tại 3 huyện trọng điểm trồng hồi ở Lạng Sơn là Cao Lộc, Văn Quan và Văn Lãng. Bằng phương pháp phỏng vấn để xác định những cây thường xuyên sai quả trong vòng 2-3 năm gần nhất, kết hợp với phương pháp chọn hình dáng bộ tán lá, hình dáng và kích thước quả của từng cây đã xác định được 35 cây trội để lấy mẫu phân tích hàm lượng tinh dầu, độ đông (35 cây trong số 100 cây đã sơ tuyển ở trên). Tổng hợp kết quả số liệu chọn giống về sản lượng quả và chất lượng tinh dầu đã phân tích cho thấy sản lượng quả của 35 cây trội biến động từ 20-47,33%, hàm lượng tinh dầu của 38 mẫu quả (gồm 35 mẫu quả của 35 cây trội và 3 mẫu quả hỗn hợp của 3 quần thể đại diện) biến động từ 5,12- 9,72%. Kết hợp cả sản lượng quả và chất lượng tinh dầu của 35 cây trội dự tuyển trên đã chọn ra được 18 cây vừa có sản lượng quả cao vừa có chất lượng tinh dầu tốt.
Nhân giống bằng phương pháp ghép: Nên tiến hành vào tháng 11 dễ thành công hơn. Sau khi ghép được gần 2 tháng, cành ghép nhú chồi và ra lá mới. Nếu ngày ghép hoặc sau ghép có mưa khoảng 1 tuần thì tỷ lệ ghép đạt rất thấp.
Thí nghiệm nhân giống mở rộng: Cây ghép bằng chồi vượt cho tỷ lệ sống cao hơn và khả năng sinh trưởng cũng tốt hơn cây ghép với chồi đầu cành.
Kết luận: Phương pháp ghép có tỷ lệ sống khá cao, sau 3 tháng đạt hơn 79%, sau 5 tháng còn gần 74% và sau 14 tháng có thể xuất vườn chỉ còn gần 46%. Bằng phương pháp ghép áp với vật liệu ghép là chồi đầu cành thì sau 14 tháng tuổi cây ghép có tỷ lệ sống gần 46%. (Theo tài liệu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)
Nguồn tin: NNVN |