Thông báo các giống lúa mới thích hợp tại Lâm Đồng
Trong các năm qua, Sở nông lâm thuỷ Lâm Đồng đã kết hợp với
Viện khoa học nông nghiệp miền Nam, Phòng nông lâm thuỷ các huyện, các cơ sở sản
xuất giống trong tỉnh, tiến hành thử nghiệm tuyển chọn được một số giống lúa,
ngô mới có triển vọng tốt. Đây là các giống cần được tổ chức khuyến cáo rộng rãi
dưới nhiều hình thức trong sản xuất nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chương
trình lương thực của tỉnh trong những năm tới.
I. Giống lúa cạn
Đây là các giống có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế
(IRRI) và Viện nghiên cứu cây trồng nhiệt đới Pháp (IRAT) do Viện khoa học nông
nghiệp miền Nam nhập nội tuyển chọn sau khi thử nghiệm tại các tỉnh Sông Bé,
Đồng Nai, Khánh Hòa. Riêng ở Lâm Đồng đã thử nghiệm qua hai vụ hè thu 1991-1992
tại hai huyện Đạ Tẻh - Cát Tiên có kết quả tốt. Các giống lúa này đã được Bộ
nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm chỉ đạo nhân ra diện rộng và nhanh chóng phổ
biến đến đồng bào các vùng núi, Tây Nguyên.
Ở Lâm Đồng, đây là các giống thích hợp phát triển trên vùng đất
cao không chủ động nước như đất thổ, rẫy ở tất cả các huyện; có thể xen canh
trong diện tích trồng mới các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày ở thời
kỳ kiến thiết cơ bản như diện tích trồng điều, cà phê... để tăng thêm lương
thực. Điều đáng chú ý là các giống lúa này ít yêu cầu thâm canh nên thích hợp
phát triển ở các vùng kinh tế mới, vùng dân tộc; đặc biệt là thích hợp với tập
quán thu hoạch đứng của người dân tộc. Hiện nay nguồn giống đang có ở Viện khoa
học nông nghiệp miền Nam, các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai. Ở Lâm Đồng đang phát triển
xen canh trên đất kiến thiết cơ bản trồng điều ở thôn 5, thị trấn Đồng Nai,
huyện Cát Tiên. Đây là giống cần nhanh chóng tổ chức nhân rộng để góp phần vào
việc phủ xanh đất trống đồi trọc trong những năm tới theo tinh thần quyết định
327 của Hội đồng bộ trưởng.

1. Giống LT 88 - 67 - 1:
Tên gốc IR 47686 - 1 - 5 - 1 - 1 là giống ngắn ngày, thời gian
sinh trưởng 90-95 ngày, chiều cao cây 100-120 cm, đẻ nhánh trung bình, bông lúa
dài 21-24 cm, hạt dài, dẹp, trọng lượng 1000 hạt là 33,0 g. Khả năng chịu hạn
tốt (cấp 1), phát triển nhanh, cạnh tranh cỏ dại. Giống có khả năng chống chịu
bệnh cháy lá, kho cổ bông, đốm nâu (cấp 2). Năng suất 25-30 tạ/ha.
2. Giống LC 88 - 66:
Tên gốc IR 47686 - 1 - 4 - 8. Thời gian sinh trưởng trung bình
110-120 ngày. Hơi thấp cây (90-100 cm), đẻ nhánh khá, lá đòng đứng, giấu bông.
Hạt lúa hơi nâu, trọng lượng 1000 hạt là 32,4 g. Khả năng chịu hạn khá (cấp 3),
chú ý trừ cỏ dại cho lúa. Giống có khả năng chống chịu bệnh cháy lá, đốm nâu,
cháy bìa lá và bệnh khô vằn (cấp 1). Năng suất khá cao 35-40 tạ/ha.
3. Giống LC 90 - 4:
Tên góc IRAT 177. Thời gian sinh trưởng 110-125 ngày. Cây cao
100-120 cm, khả năng đẻ nhánh kém, lá to, phát triển nhanh, cạnh tranh cỏ dại
tốt. Chiều dài bông 20-25 cm, trọng lượng 1000 hạt khá cao 38,2 g. Khả năng chịu
hạn tốt (cấp 1); giống có khả năng kháng được bệnh cháy lá, đốm nâu, khô vằn
(cấp 1). Năng suất tương đối cao 30-35 tạ/ha.
4. Giống LC 90 - 5:
Tên gốc IRAT 216. Thời gian sinh trưởng 110-125 ngày. Hơi thấp
cây (90-100 cm), đẻ nhánh trung bình, chú ý trừ cỏ dại cho lúa. Bông dài 16-19
cm. Hạt lúa sậm mầu, trọng lượng 1000 hạt: 28,0 g. khả năng chịu hạn tốt (cấp
1), chống chịu được một số bệnh cháy lá, đốm nâu, khô vằn, cháy bìa lá (cấp 1).
Năng suất đạt khá 30-35 tạ/ha.
II. Giống lúa nước
Qua 3 năm tiến hành khảo nghiệm với hơn 50 giống có nguồn gốc
từ Viện nghiên cứu quốc tế (IRRI) hoặc nhập nội từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hungari được
Viện Khoa học NNMN, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường đại học tổng hợp
thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam (Cục trồng trọt - bảo
vệ thực vật)... tiến hành gây đột biến, chọn lọc và giới thiệu đã chọn ra được
một số giống thích nghi tốt ở Lâm Đồng. Đây là các giống lúa vừa có năng suất
cao, vừa chống chịu sâu bệnh, lại vừa có phẩm chất ngon, có giá trị xuất khẩu.
Trong điều kiện sản xuất theo hướng có sản phẩm hàng hóa thì đây là giống góp
phần tích cực vào việc đẩy mạnh lưu thông lương thực, qua đó thúc đẩy sản xuất,
do có hiệu quả kinh tế cần được khuyến cáo nhanh chóng phát triển.
1. Giống IR - 64:
Tên gốc IR 19348 - 36 - 3 - 3, còn gọi là OM 89. Là giống lai
của Viện lúa IRRI thuộc tổ hợp lai IR 5657 - 33 - 2/ IR 2061 - 405 - 1 - 55 do
Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long tuyển chọn. Giống được Bộ nông nghiệp - công
nghiệp thực phẩm công nhận đưa vào sản xuất năm 1987. Thời gian sinh trưởng
125-130 ngày, cây cao 95-105 cm, dạng hình thẳng gọn, thân cứng không đổ ngã, lá
nhỏ dài, trọng lượng 1000 hạt: 26-27 g. Hạt dài 7,5 mm, thon, gạo trắng, không
bạc bụng, cơm dẻo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kháng được sâu bệnh: kháng rầy
nâu (cấp 3), rất kháng đạo ôn (cấp 1), hơi sáng bạc lá (cấp 3, cấp 5), nhiễm khô
vằn (cấp5, cấp 7). Khả năng năng suất vụ đông xuân 60-70 tạ/ha, vụ mùa 40-50
tạ/ha. Giống thích nghi rộng, yêu cầu thâm canh vào vụ mưa nhiều hay bị lép hạt,
trong điều kiện khô hạn đất nhiễm phèn năng suất thấp. Hiện nay là giống chủ lực
ở các xã Phú Hội, Bình Thạnh, Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), xã Tân Văn (huyện
Lâm Hà).
2. Giống OM-576:
Tên gốc OM 576 - 18. Là giống lai và chọn lọc của Viện lúa đồng
bằng sông Cửu long giữa giống Hungari IR 48. Giống đã được Bộ NN-CNTP công nhận
cho phép đưa vào sản xuất năm 1990. Thời gian sinh trưởng 125-130 ngày, cây cao
90-95 cm, dạng hình dẹp gọn, lá đứng, ít đổ ngã. Trọng lượng 1000 hạt: 23-24 g.
Hạt dài 6,5 mm, gạo trắng, ít bạc bụng, cơm ngon đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kháng
được sâu bệnh: rầy nâu (cấp 3), hơi nhiễm đạo ôn và bệnh vàng lá úa, ít nhiễm
bệnh bạc lá và khô vằn. Khả năng năng suất vụ đông xuân 60-70 tạ/ha, vụ mùa
50-60 tạ/ha. Giống dài hạt, dễ rụng, nên lưu ý thu hoạch lúa vừa chín và tuốt
hạt ngay. Hiện nay giống đang bắt đầu phát triển ở xã Tân Văn (huyện Lâm Hà); xã
Nam Ninh, Gia Viễn, Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên). Trại giống lúa tỉnh đang có 20
tấn giống để bán cho các huyện sản xuất đông xuân 92-93.
3. Giống OM 90-2:
Tên gốc IR 44595 - 70. Là giống lúa của Viện lúa IRRI thuộc tổ
hợp lai IR 18348-36-3-3/IR 25863-61-3-2/IR 58 do Viện lúa đồng bằng sông Cửu
Long tuyển chọn. Thời gian sinh trưởng 115-120 ngày, chiều cao 95-105 cm. Dạng
hình gọn, bông dài. Trọng lượng 1000 hạt: 24-25 g, hạt dài 6-7,1 mm, gạo trắng,
không bạc bụng, ngon cơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kháng bệnh bạc lá (cấp 3).
Khả năng năng suất vụ đông xuân 60-70 tạ/ha, vụ mùa 50-60 tạ/ha. Giống có thời
gian ngủ nghỉ dài nên phải xử lý ngâm ủ kỹ, nên sau khi thu hoạch cần làm giống
ngay cho vụ sau. Hiện nay giống đang bắt đầu phát triển tại Hợp tác xã Phú Hội
(huyện Đức Trọng), Trại giống lúa tỉnh.
4. Giống CH 158:
Giống chọn lọc và lai tạo từ các dòng lúa chịu hạn của Viện
lương thực - cây thực phẩm. Thời gian sinh trưởng 105-110 ngày, chiều cao
100-110 cm. Dạng hình gọn, bông dài, lá dầy và đứng. Trọng lượng: 1000 hạt:
26-27g. Gạo trắng, ít bạc bụng. Kháng được nhiều sâu bệnh. Năng suất trung bình:
50-55 tạ/ha, thâm canh 60-65 tạ/ha.
Vụ mùa 1992 ở Cánh đồng Cọp (xã Đầm ròn huyện Lạc Dương) trồng
20ha có kết quả tốt với năng suất bình quân 45-50 tạ/ha, điển hình có ruộng đạt
năng suất lý thuyết 86 tạ/ha. Đây là giống có khả năng chịu hạn khá, có tính
thích ứng rộng, có thể gieo trồng trên nhiều loại đất và địa hình khác nhau như
đất cát pha bạc mầu, đất thịt nhẹ, đất trồng lúa nhờ nước trời hoặc nơi có thuỷ
nông chưa hoàn chỉnh, đất lúc khô lúc ướt ...ở các huyện, đặc biệt là hai huyện
Đạ Tẻh và Cát Tiên. Cũng có thể gieo trồng trên đất đồi thấp, đất cạn hoàn toàn
(thổ, rẫy) nhưng năng suất thấp (15-20 tạ/ha).
III. Giống ngô
Từ những kết quả thực nghiệm và thực tiễn sản xuất trong nhiều
năm qua đã khẳng định được bộ giống ngô có năng suất cao thích nghi với khí hậu
thời tiết Lâm Đồng gồm các giống sau đây:
1. Giống TSB1:
Viết tắt của chữ Thái - Sông Bôi 1. Là giống thụ phấn tự do tạo
từ giống Thái - Composite 1 DNR, còn gọi là Suwan 1. Giống Suwan 1 nhập vào Việt
Nam năm 1980 và được Trung tâm giống ngô Sông Bôi chọn lọc năm 1985. Từ 1985
Viện KHNNMN (Trung tâm Hưng Lộc) chọn lọc theo phương pháp bắp trên hàng cải
tiến trong hai chu kỳ để tăng độ đồng đều và khả năng thích nghi với các tỉnh
phía Nam. Ở Lâm Đồng, từ năm 1983, giống TSB 1 tham gia vào các thí nghiệm so
sánh giống, khu vực hóa tại một số nơi trong tỉnh; đến năm 1986 bắt đầu phát
triển ra sản xuất. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 3000 ha tập trung ở các xã Liên
Hiệp, Liên Nghĩa (Đức Trọng); Tu Tra (Đơn Dương). Giống có thời gian sinh trưởng
108-115 ngày, chiều cao cây 190-220 cm. Tỷ lệ đóng bắp/ cao cây 45-55%, tỷ lệ
hạt bắp 70-75%. Hạt vàng hơi đỏ, dạng đá và nửa đá. Chống bệnh bạch tạng, đốm
rỉ, cháy lá tốt. Năng suất hạt khô trung bình 35-55 tạ/ha, thâm canh 50-65
tạ/ha.
2. Giống HL 36 (Hưng Lộc 36):
Là giống thụ phấn tự do, được Trung tâm Hưng Lộc Viện KHNNMN
chọn lọc từ giống Across 8336 của Trung tâm nghiên cứu ngô mì mạch quốc tế
(CIMMYT). Qua 2 năm khảo sát (1988-1989) tại nông trường Đức Trọng để xác định
là giống có năng suất cao, thích nghi với khí hậu Lâm Đồng. Từ năm 1991, giống
đã được đưa vào sản xuất. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30 ha tập trung ở khu vực
N?Thol Hạ (huyện Đức Trọng), nông trường Đức Trọng. Giống có thời gian sinh
trưởng 105-110 ngày, cây cao 170-185 cm, tỷ lệ đóng bắp/cao cây 45-50%. Hạt
vàng, dạng răng ngựa và nửa răng ngựa. Chống chịu bệnh đốm lá rỉ, cháy lá lớn và
nhỏ tốt. Do thấp cây, tán lá gọn nên có khả năng tăng mật độ để tăng năng suất,
năng suất hạt khô trung bình: 40-50 tạ/ha, thâm canh 55-65 tạ/ha.
3. Giống Đà Lạt 11:
Là giống thụ phấn tự do được chọn lọc từ giống TN 11 nguyên là
một giống lai kép lai tạo tại Đài Loan từ các dòng xuất xứ từ Đài Loan, Hoa Kỳ
và Philippin. Giống TN 11 đã được nông dân Lâm Đồng trồng từ 1973 và giữ giống
như một giống thụ phấn tự do. Từ năm 1986, Trung tâm Hưng Lộc Viện KHNNMN chọn
lọc theo phương pháp bắp trên hàng cải tiến trong 2 chu kỳ tại nông trường Đức
Trọng, Trung tâm Hưng Lộc và đặt tên là ĐL 11. Giống có thời gian sinh trưởng
105-110 ngày, cao 190-200 cm, tỷ lệ đóng bắp/cao cây 45-55%, tỷ lệ hạt/bắp
72-78%. Hạt vàng, dạng răng ngựa và nửa răng ngựa. Chống bệnh bạch tạng, đốm rỉ
tốt. Hơi nhiễm bệnh cháy lá lớn, năng suất hạt khô trung bình: 30-50 tạ/ha, thâm
canh 50-70 tạ/ha.
4. Giống DK-888:
Là giống lai đơn do Công ty CP thái Lan sản xuất (Mỹ - Thái Lan
hợp tác). Năm 1992, Vương quốc Thái Lan tặng Chủ tịch HĐBT võ Văn Kiệt 10 tấn để
trồng thử nghiệm trong cả nước. Vụ 1/92, tại Lâm Đồng đã trồng thử nghiệm trên
hầu hết các huyện, có kết quả tốt. Giống có thời gian sinh trưởng 119-121 ngày,
cao 220-250 cm, tỷ lệ đóng bắp/cao cây 55-65%. Tỷ lệ cây đóng 2 bắp cao theo mật
độ hợp lý 70-75%, trong đó tỷ lệ cây đạt 2 trái hữu hiệu 45-55% (40000-45000
cây/ha), nơi trồng xen đạt 80-85%, trong đó tỷ lệ cây đạt 2 trái hữu hiệu
70-75%. Trái thon dài, hạt kín ra đầu trái. Tỷ lệ hạt/bắp 79-81%. Hạt vàng cam,
đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Có khả năng kháng hạn tốt, ăn phân nhiều, ít sâu
bệnh: chống chịu bệnh đốm lá rỉ, đốm vằn, sâu đục quả.
Trái có vỏ bì bao kín nên trong điều kiện mưa nhiều ở Lâm Đồng
ít thối ở đầu trái, bộ lá xanh lúc thu hoạch nên có thể tận dụng thân lá ủ chua
làm thức ăn xanh cho gia súc vào mùa khô. Bộ rễ mọc khoẻ, nhiều, mọc sâu nên khó
bị đổ ngã khi gặp ảnh hưởng gió bão. Cơn bão số 1 ở Lâm Đồng vụ 1/1992 đã không
làm đổ ngã được giống ngô này. Năng suất hạt khô trung bình ở các điểm tại Lâm
Đồng: 55-65 tạ/ha; những nơi điển hình như Nông trường Đức Trọng, thôn Thiện Chí
(xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) đạt 75-80 tạ/ha.
Trong thời gian tới, đây là giống vừa tiếp tục thử nghiệm để
hoàn chỉnh quy trình sản xuất vừa ứng dụng vào sản xuất ở những nơi và vùng đất
có điều kiện thâm canh để tăng nhanh sản lượng lương thực.
KS. NGUYỄN VĂN TÚ Sở nông lâm thuỷ Lâm Đồng
Nguồn tin: Thông tin khoa học, công nghệ Lâm
Đồng |