Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Giống

Vương quốc cây giống

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) những ngày tháng 4 này thật sôi động. Đảng bộ và nhân dân nơi đây tưng bừng đón nhận 2 niềm vui: danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và tên địa phương được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam về thành tích sản xuất và cung cấp cây giống lớn nhất cả nước.

  • Xứ sở của vườn cây và hoa kiểng

Chợ Lách nằm ở phía trên cùng của dải cù lao Minh, lọt thỏm giữa hai con sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên. Đến đâu trên mảnh đất nhỏ hẹp này, chúng tôi cũng thấy vườn cây và hoa kiểng bạt ngàn. Chính vì thế mà nhiều người mệnh danh Chợ Lách là “vương quốc” của cây giống.

Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện, quả quyết rằng: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà Chợ Lách trở thành vùng đất cây xanh trái ngọt. Kết quả hôm nay là giá của một quá trình lao động và sáng tạo không mệt mỏi của những người chủ trên đất này”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Chợ Lách là một trong những địa phương nghèo của Bến Tre. Thời đó, cây lúa là kinh tế chính nhưng sản xuất không đủ ăn, đời sống cơ cực, người dân phải tìm nhiều nghề sinh sống. Nghề làm vườn đã xuất hiện khá lâu nhưng chưa phát triển mạnh, mãi đến thập niên 1980, dân Chợ Lách nhận ra việc trồng lúa manh mún nhỏ lẻ hiệu quả không cao nên chuyển sang vườn trồng cây đặc sản.

Nhiều lão nông tri điền khẳng định: “Kinh tế vườn ở Chợ Lách chiếm ưu thế vượt trội so với những nơi khác. Bốn bề là nước ngọt quanh năm giúp cây phát triển tốt, cộng thêm đất phù sa màu mỡ, người dân cần cù chịu khó và có tay nghề cao trong việc thâm canh vườn cây ăn trái. Đặc biệt, vùng đất Cái Mơn luôn cho chất lượng trái cây rất ngon, không nơi nào sánh bằng”.

Ông Bảy Thảo, một nhà vườn Chợ Lách phấn khởi: “Hiệu quả kinh tế vườn cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây khác. Tôi có gần 3 ha vườn cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bòn bon… bình quân mỗi năm thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng, sống khỏe”. Theo UBND huyện Chợ Lách, nếu như ban đầu toàn huyện chỉ có 5.000 ha vườn, thì nay tăng lên 12.500 ha, diện tích đất lúa chỉ còn 189 ha. Nhiều hộ đang ăn nên làm ra nhờ chuyên canh vườn.

Ghé Hợp tác xã Cây giống – hoa kiểng Cái Mơn, nơi sản xuất và cung cấp cây giống lớn nhất cả nước, Chủ nhiệm HTX Dương Văn Huyền cho biết: “Cái Mơn là cái nôi của nghề làm cây giống. Cách nay hàng trăm năm, dân xứ này đã biết nhân giống cây ăn trái. Càng về sau, nghề làm giống càng phát triển, đến nay có 95% hộ sản xuất chuyên nghiệp. Cây giống và hoa kiểng tại đây cung cấp khắp cả nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia.

Ngoài ra, HTX còn có 52 đại lý ở miền Đông, miền Trung, miền Bắc và chuyên sản xuất giống theo nhu cầu của các viện, trường đại học, trung tâm khuyến nông, trại giống các tỉnh…”.

Ban đầu HTX chỉ có 53 xã viên, nay tăng lên 142 xã viên, trong đó 80% là các hộ giàu; số còn lại khá hoặc cũng đủ ăn. Cái lợi khi vào HTX là được giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao những kỹ thuật mới, được bảo chứng và dán tem trên cây giống. Từ đó, xã viên mang giống đi tiêu thụ rất dễ dàng. Anh Nguyễn Hải Sơn, ấp Vĩnh Hưng 2 , xã Vĩnh Thành nói: “Hoa kiểng bây giờ sản xuất quanh năm.

Nhờ HTX có uy tín nên lúc nào cũng có đại lý đặt hàng và nhiều thương lái đến tận nhà mua. Bình quân mỗi năm tôi cung cấp cho thị trường khoảng 80 ngàn chậu hoa kiểng các loại, trừ chi phí còn bỏ túi vài trăm triệu đồng, dư ăn- dư để”.

  • Tỷ phú chân đất và những sáng tạo khoa học

Thành công nhất trong nghề làm vườn và sản xuất cây giống ở đất này phải kể đến nông dân Chín Hóa (Nguyễn Văn Hóa). Chín Hóa là người lai tạo ra giống sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép, vị ngọt béo, cơm mịn và thơm ngon.

Chín Hóa kể: Hồi còn trai trẻ anh đã mê vườn đến bỏ ăn. Một lần, cha anh bảo, trong vườn có cây sầu riêng rất ngon nhưng sắp chết. Nghe vậy, anh liền ra xem và phát hiện dưới gốc sầu riêng có tược non, thế là Chín Hóa mổ hình chữ U để ghép da. Cách thử nghiệm này không ngờ thành công và từ đây anh có thêm giống sầu riêng mới.

Năm 1996, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mở hội thi trái ngon. Chín Hóa mang trái sầu riêng mới của mình tham gia và đoạt luôn giải A. Các nhà khoa học cũng đánh giá đây là giống ngon không thua các giống sầu riêng ngoại nhập. Tiếng lành đồn xa, sầu riêng Chín Hóa nổi tiếng khắp nơi. Bình quân mỗi năm anh sản xuất trên 30 ngàn cây giống nhưng không đủ cung cấp. Chín Hóa còn sáng tạo ra cách bứng gốc, cắt ngọn sầu riêng mang về ghép tại nhà lưới, tỷ lệ thành công đạt trên 90%. Hiện nay, Chín Hóa vừa sản xuất giống vừa chuyên canh vườn sầu riêng; doanh thu mỗi năm trên 500 triệu đồng.

Ở xã Vĩnh Bình, ai cũng phục ông Trần Văn Tặng về tài chuyển giống từ chất lượng thấp lên giống chất lượng cao hơn. Ông Tặng áp dụng phương pháp cắt bỏ cây không đạt và ghép cây mới tốt hơn ngay trên cây cũ. Cách làm này rút ngắn được thời gian từ 2- 3 năm so với trồng mới, mà vẫn đảm bảo chất lượng. Còn ông Hai Hoa thì xử lý thành công cho bưởi da xanh đậu trái theo ý muốn, bằng việc xử lý lá và cành. Hay như ông Sáu Lợi ở xã Sơn Định tìm tòi khắc phục được tình trạng bị sượng ở trái sầu riêng…

Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chợ Lách nhìn nhận: “Nông dân Chợ Lách có đầu óc sáng tạo rất hiệu quả, chẳng khác nào nhà khoa học. Đặc biệt, phương pháp ghép và nhân giống hiện nay đã đạt trình độ rất cao. Hầu hết các cơ sở sản xuất giống đều có đội ngũ công nhân lành nghề, am tường kỹ thuật và ứng dụng khoa học rất tốt. Tại đây, còn hình thành một dây chuyền từ chọn giống, lai tạo, sản xuất, tiêu thụ… hoạt động hiệu quả cao, khó nơi nào sánh kịp”.

Một làng nghề có đến 8.000 hộ, sản xuất mỗi năm 15- 17 triệu cây giống các loại, riêng năm 1999 sản xuất 22 triệu cây giống… quả là ở Việt Nam chỉ có một Chợ Lách. Thành tích ấy phần lớn do nông dân nghiên cứu lai tạo thành công. Chính vì vậy mà Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh họ và ghi vào “kỷ lục Việt Nam”.

Theo thống kê của UBND huyện Chợ Lách, bình quân 1 ha vườn cây ăn trái ở đây cho thu nhập 58 triệu đồng; hoa kiểng 80- 120 triệu đồng; cây giống 100- 200 triệu đồng… Tới đây, tỉnh Bến Tre sẽ hỗ trợ Chợ Lách qua việc xây dựng khu nông nghiệp kỹ thuật cao, phát huy thế mạnh cây giống và hoa kiểng, hướng đến kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái và mở ra các khu công nghiệp để thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ cây ăn trái…

Rời cù lao nhỏ hẹp chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nhìn lại thấy ngút ngàn xanh thẳm là những vườn cây trái. Ở đó, có những nông dân chân đất lao động miệt mài bằng chính đôi tay và khối óc. Họ đã góp phần tạo nên một sắc diện rất riêng cho Chợ Lách mà ai nghe cũng muốn đến. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI (Vietnamese Website)


° Các tin khác
• Một số giống lúa có triển vọng trong vụ Đông Xuân 2005-2006
• Cách chọn gừng giống
• Cách chọn giống đu đủ cho nhiều quả
• Chọn giống cây Ca cao
• Nuôi loài chim nào có lãi cao nhất?
• Cách để giống cà rốt

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb