Nghề trồng hoa kiểng ở Bình Lâm
Hơn 10 năm trở lại đây, nghề trồng hoa kiểng ở thôn Bình Lâm -
xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) phát triển khá mạnh. Bà con nông
dân trong thôn biết tận dụng lợi thế đất vườn nhà đưa vào trồng các loại hoa
cúc, hồng, thược dược, mai... cho thu nhập khá, có hộ thu nhập không dưới 50
triệu đồng trên năm. Tết Ất Dậu này, người dân Bình Lâm có thu nhập khá từ cây
kiểng.
Người trồng hoa kinh doanh đầu tiên trên đất Bình Lâm là thầy
giáo Nguyễn Văn Pha (hiện là giáo viên Trường tiểu học số 2 Phước Hòa), ông kể:
"Năm 1987 trong một lần đến thị trấn Bình Định, thấy nhà cửa san sát bên nhau,
đất đai hẹp, nhưng nhiều gia đình vẫn trồng hoa cúc để bán thu tiền triệu.

Trong khi nhà mình đất vườn rộng, đầu tôi suy nghĩ phải học hỏi
xin giống về trồng, năm đó tôi trồng thử 200 chậu cúc Đà Lạt bán thu 1 chỉ vàng.
Mừng quá những năm sau tôi trồng nhiều hơn có khi lên đến 1.800 chậu. 3 năm trở
lại đây thấy giá cúc biến động theo chiều hướng giảm tôi chuyển sang trồng hoa
hồng và hoa phong lan. Tích cóp tiền bán hoa, năm 2004 tôi xây được ngôi nhà
ngói”. Thấy thầy giáo Pha trồng hoa đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con trong thôn
đến học hỏi được ông chỉ bảo tận tình và hiện giờ có 70 hộ trong thôn theo nghề
trồng hoa kiểng, tập trung phần lớn ở 2 xóm Bình Trung và Bình Đông.
Anh Nguyễn Tồn Hiếu, có thâm niên 10 năm trong nghề trồng hoa,
khoe với tôi: "Trước Tết, mình mới bán sỉ 100 chậu hoa hồng được 2,2 triệu đồng,
còn 200 chậu bán lai rai thu khoảng 6 triệu đồng nữa. Khách ăn hoa hồng rất mạnh
trong dịp Tết, nếu có mối lái chở đi bán giá cao hơn”.
Đặc biệt anh Nguyễn Ngọc Tùng, đã dốc hết vốn liếng, công sức
vào nghề trồng hoa. Kết quả thu nhập của anh vào loại nhất, nhì trong thôn. Từ
năm 2003 đến nay mỗi năm anh trồng từ 1.000-2.000 chậu hoa kiểng, gồm hoa hồng
nhung Đà Lạt, cúc đại đóa Hà Nội, cúc Đà Lạt; cứ 20 tháng chạp anh bắt đầu xuất
hoa chở đi bán ở các huyện phía bắc tỉnh, ra tận Quảng Ngãi và Quảng Nam...
Nghề trồng hoa kiểng rất phù hợp cho những người có sức khỏe
hạn chế, chẳng hạn như anh thương binh 2/4 Nguyễn Minh Trực, coi nghề trồng hoa
nhẹ nhàng, làm lúc nào cũng được, rất thuận tiện cho bản thân, mấy năm trở lại
đây năm nào anh cũng thu nhập 7-10 triệu đồng/năm từ tiền bán hoa, nhờ vậy cuộc
sống gia đình anh từng bước được nâng lên.
Điều đáng quí quá trình trồng hoa bà con nông dân thôn Bình Lâm
đã tích lũy kinh nghiệm, áp dụng các TBKT tự tạo giống để trồng và biết chọn
thời điểm trồng cho hoa nở đúng vào dịp Tết bán được giá. Chi phí cho việc trồng
hoa theo bà con ở đây chỉ tốn tiền mua xi măng đúc chậu, mua phân chuồng, ngoài
ra chỉ lấy công làm lời. Nghề trồng hoa kiểng còn giải quyết 280 lao động có
việc làm thường xuyên.
Nguồn tin :NNVN
|