Hưng Yên: bảo tồn, thâm canh và quản lý giống cây nhãn quí
"Cần có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, lưu giữ và thâm canh
quản lý tốt cây giống nhãn lồng đặc sản" là chủ đề được bàn luận sôi nổi trong
cuộc hội thảo tại Hưng Yên ngày 13/8. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ và Sở
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 100 hộ làm
vườn có kinh nghiệm thâm canh nhãn tham dự. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm
là phải bằng mọi cách bảo tồn, lưu giữ cây nhãn giống bản địa. Với Hưng Yên, cho
dù các giống lai tạo mới hiện nay như nhãn chiết Hương Chi, nhãn ghép cho năng
suất, hiệu quả cao gấp 3-5 lần, nhưng không vì thế mà quên và loại bỏ giống nhãn
cũ trước đây, dù năng suất, hiệu quả thấp nhưng là giống cây truyền thống, mang
đậm bản sắc địa phương.
Theo ông Caclo, chuyên gia đang thực hiện dự án bảo tồn cây
giống tại Việt Nam: bản sắc văn hoá của mỗi vùng mang nét đặc trưng riêng khác
nhau, những đặc sản mang nét truyền thống sẽ không bao giờ bị quên lãng. Khi
nhận thức, nhu cầu con người ngày càng cao thì thị trường của những mặt hàng
truyền thống sẽ ngày càng rộng mở. Điều này khẳng định giá trị của những đặc sản
truyền thống luôn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu con người trong xu thế phát triển.
Hơn nữa, những giống cây truyền thống có thế mạnh, ưu điểm đặc biệt: khả năng
thích ứng với ngoại cảnh, thổ nhưỡng, đặc biệt không nhiễm sâu bệnh nên là loại
thực phẩm sạch. Trong khi các giống mới thường phải dùng thuốc hoá học để phòng
trừ sâu bệnh mới có khả năng cho năng suất, chất lượng cao. Do vậy, giống cây
cho năng suất hiệu quả cao hôm nay chưa hẳn ngày mai đã phù hợp và được ưa
chuộng.
Nhiều người cho biết: những năm qua, do xu hướng chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, nhiều làng quê ở Hưng Yên đã chặt phá hết những cây nhãn cũ, tuy
chất lượng thơm ngon hàng đầu nhưng vì năng suất thấp. Điển hình là giống nhãn
đường phèn ở Hưng Yên hiện tại rất hiếm. Những cây nào còn sót lại là nhờ những
người còn tâm huyết, luyến tiếc cây giống cha ông để lại nên không chặt bỏ.
Những cây nhãn như thế thường cho quả đều đặn nếu chăm sóc tốt. Tại các vườn
nhãn ở xã Hồng Nam (thị xã Hưng Yên), Phương Chiểu, Thiện Phiến (Tiên Lữ), khách
sành ăn muốn mua được nhãn đường phèn phải mất công tìm kiếm. Trong số hàng
nghìn cây chỉ có thể bói được 5 đến 10 cây là cùng, giá mua cũng cao hơn nhãn
chiết Hương Chi từ 20 -30%.
Tại hội thảo, việc tuyển chọn, quản lý chất lượng giống và kỹ
thuật thâm canh những cây nhãn đầu dòng cũng được thảo luận sôi nổi. Chất lượng
nhãn Hưng Yên vẫn đứng đầu cả nước, trong đó hai yếu tố quyết định là do truyền
thống lâu đời và sự đóng góp tích cực của khoa học kỹ thuật. Để lưu giữ nguồn
giống nhãn lồng đặc sản, Hưng Yên đã coi trọng việc bình tuyển cây nhãn đầu
dòng. Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã xây dựng được vườn ươm, chọn lọc gần
400 cây nhãn giống đã qua bình tuyển, với các tiêu chuẩn: độ đường từ 19-23%,
cùi dày và giòn, trọng lượng đạt từ 50-80 quả/kg, năng suất cao ổn định.
Cùng với việc bảo tồn lưu giữ cây giống quí, vấn đề mấu chốt mà
các chuyên gia và người làm vườn nhất trí cao tại hội thảo là Hưng Yên cần qui
hoạch phát triển vùng nguyên liệu qui mô rộng lớn, tăng cường chuyển giao khoa
học kỹ thuật, thường xuyên chọn lọc giống, nhân giống và trồng mới những cây
chất lượng cao; đồng thời coi trọng khâu bảo quản chế biến, tiêu thụ nâng cao
sức cạnh tranh trên thị trường./.
Theo TTXVN |