Bảo hiểm nông nghiệp trước nguy cơ khai tử
Dịch cúm hoành hành và có nguy cơ lan rộng, người nông dân tìm đỏ mắt
cũng không đào đâu ra dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp.
Sau thời gian thử nghiệm với lĩnh vực kinh doanh thừa rủi ro,
thiếu lợi nhuận này, các hãng bảo hiểm đã "bỏ của chạy lấy người".
Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia
bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đứng ở mức rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng
diện tích cây trồng, số vật nuôi.
"Khó lắm, trong lúc này không thể nhận bảo hiểm gia cầm được vì
có rất nhiều rủi ro, giống như biết khách hàng có bệnh thì làm sao ký hợp đồng
bảo hiểm sức khỏe được", ông Nguyễn Văn Công, Phòng Pháp chế Bảo Việt nói.
Theo ông, thị trường Việt Nam rất khó phát triển loại hình bảo
hiểm nông nghiệp, vì cung cầu chưa gặp nhau, mức huy động bảo hiểm thấp. Đây
cũng là lý do khiến hiện nay Bảo Việt "xa rời" dần với loại hình bảo hiểm nông
nghiệp, mặc dù lĩnh vực này là một trong những hoạt động định hướng trọng tâm
của Bảo Việt khi mới ra đời.
Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm tại Tp.HCM nhận xét, thị
trường bảo hiểm nông nghiệp mặc dù còn "mênh mông" nhưng không doanh nghiệp nào
đủ can đảm "nhảy vào" vì chưa thấy tia sáng nào lạc quan. Theo ông, những yếu tố
như tập quán chăn nuôi nhỏ của người nông dân, nhận thức về bảo hiểm và mức thu
nhập thấp đều được các công ty bảo hiểm đánh giá là những rủi ro.
Lãnh đạo Công ty Groupama cũng nhìn nhận thị trường này đang
gặp nhiều khó khăn và không dễ phát triển. Hiện nay, Groupama chỉ bảo hiểm cho
chăn nuôi gia súc như lợn, bò chứ không "bán" dịch vụ cho gia cầm. Theo họ,
những lý do như quy trình chăn nuôi gia cầm ngắn, trị giá tính trên mỗi gia cầm
thấp nên mức phí bảo hiểm không cao, tập quán chăn nuôi nhỏ, nuôi thả... không
đảm bảo doanh thu cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Điều kiện để tham gia bảo hiểm chăn nuôi của Groupama là vật
nuôi phải được chích ngừa đầy đủ, quy mô đàn đối với lợn là 5 con, bò 3 con...
Song làm thế nào để kiểm tra, kiểm soát việc chăn nuôi cho đúng kỹ thuật, không
xảy ra thiệt hại lại là vấn đề khó khăn của công ty này.
Năm 2003, Groupama bảo hiểm cho cả người chăn nuôi với quy mô
chỉ 1 con bò, tuy nhiên bảo hiểm con nào thì con đó chết. Kết hợp cùng với bộ
phận khuyến nông của địa phương kiểm tra lại mới biết nông dân chăn nuôi không
đúng cách, thiếu kỹ thuật làm cho bò suy kiệt đến chết, buộc công ty bảo hiểm
phải bồi thường. Sau đó, Groupama phải nâng quy mô đàn nuôi lên từ 3 con trở
lên.
Giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng, luật pháp
Việt Nam không bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm nên nhà nông vì nhận thức
kém, thu nhập thấp... chưa quan tâm đến bảo hiểm. Chỉ đến khi gặp những khó khăn
hay rủi ro thực sự thì mới nghĩ đến điều này.
Theo bà, phí bảo hiểm nông nghiệp thấp cũng đang là khó khăn
cho công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, mức bảo hiểm 1 lợn nái của Groupama hơn 60.000
đồng/năm, trong khi mức chi trả đền bù lên đến vài chục triệu đồng.
"Kinh doanh gặp khó khăn nhưng không có nghĩa là loại hình dịch
vụ bảo hiểm nông nghiệp không hề có tương lai", bà Loan nhận định. Groupama vẫn
"trung thành" với mục tiêu cung cấp và phát triển loại hình bảo hiểm nông
nghiệp, dù đã được Bộ Tài chính cấp phép mở rộng hoạt động dịch vụ bảo hiểm sang
nhiều lĩnh vực phi nhân thọ khác.
Hiện Groupama trở thành công ty bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam
chọn loại hình bảo hiểm nông nghiệp làm dịch vụ chính, trong khi nhiều công ty
bảo hiểm khác đã nói từ "tạm biệt" với nông nghiệp từ lâu.
"Cũng có thể do tiềm năng lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp Việt
Nam rất lớn khi nông nghiệp chiếm phần lớn cơ cấu sản xuất cả nước. Song tôi
nghĩ cái chính là thế mạnh của Groupama thuộc về bảo hiểm nông nghiệp", bà Loan
giải thích thêm. Sau gần 5 năm hoạt động, công ty này có khoảng 2.000 hợp đồng
bảo hiểm cho khách hàng chăn nuôi heo, bò, bảo hiểm tai nạn, nhà ở, kho, xà
lan... cho nông dân.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để triển khai bảo hiểm cho người
nuôi cá, tôm và hỗ trợ nông dân Tp.HCM trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản
xuất nông nghiệp theo định hướng chung của thành phố", bà Loan nói.
Theo ông Lê Song Lai, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính,
thực tế 5 năm triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa cho thấy, bảo hiểm nông
nghiệp là lĩnh vực hoạt động phức tạp, tốn kém, khả năng sinh lợi thấp, rất dễ
bị thua lỗ. Do vậy, rất cần có sự trợ giúp của Nhà nước đặc biệt là thông qua
các đòn bẩy kinh tế.
Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển
khai đề án nghiên cứu khả thi về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp
dựa trên các chỉ số về thời tiết - một mô hình đã được thực hiện tương đối thành
công tại một số nước khác như Ấn Độ, Pêru...
Trước mắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho người
tham gia bảo hiểm, trong đó ưu tiên những đối tượng chính sách, các hộ gia đình
có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại những vùng có nhiều thiên tai hoặc dịch
bệnh.
''Vấn đề là ở chỗ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
trong việc xác định những đối tượng được hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, mức hỗ trợ
và quản lý việc hỗ trợ để tránh thất thoát, lãng phí'', ông Lai nói.
Bảo hiểm nông nghiệp là một nghiệp vụ bảo hiểm phi nông nghiệp
có đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông
nghiệp và đời sống nông thôn, bao gồm những rủi ro gắn liền với: cây trồng, vật
nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu nhà xưởng. Đồng thời nó cũng là nghiệp
vụ bảo hiểm phi nhân thọ có đối tượng bảo hiểm giới hạn trong các rủi ro gắn
liền với cây trồng và vật nuôi.
Tuy nhiên, không phải mọi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp đều
có thể được bảo hiểm, đặc biệt là những rủi ro mang tính thảm họa (bao gồm thiên
tai, dịch bệnh...).
Theo Vietnam Net |