Hợp tác xã lúa sạch đầu tiên ở ĐBSCL
Xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng bởi
mô hình lúa an toàn chất lượng cao. Không những vậy, xã còn thành lập HTX lúa
sạch đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Xã Mỹ Thành Nam được xem là vùng chuyên
canh lúa của huyện Cai Lậy với hơn 1.000 ha đất lúa sản xuất 3 vụ/ năm. Người
dân nơi đây lại rất nhiệt tình với những chương trình chuyển giao KHKT như
chương trình FPR, IPM, chương trình giảm mật độ sạ kết hợp bón phân theo bảng so
màu lá lúa. Chính vì vậy, từ vụ hè thu năm 2000, ở đây được chọn làm địa điểm
triển khai thực hiện chương trình "Hạt giống khoẻ", nghĩa là hạt giống không mầm
bệnh, có độ thuần cao và kháng được bệnh.
Đi đầu trong phong trào này phải kể đến những nông dân mạnh dạn
ở ấp 7. Ban đầu chỉ có 30 nông dân tham gia, nhưng đến vụ hè thu đã tăng lên 81
nông dân. "Tuy nhiên, những ngày đầu, bản thân chúng tôi không tránh khỏi cảm
giác làm chuyện lạ đời! Chúng tôi không tin là sẽ hiệu quả khi mà ít phân, ít
lúa giống mà lại không sử dụng thuốc BVTV.
Hơn nữa, chương trình truyền hình, radio luôn quảng bá
các loại thuốc trừ sâu mang lại hiệu quả cho bà con nông dân", nhiều nông dân
tâm sự. Tuy vậy, lần đầu tiên, chính mắt họ nhìn thấy chuyện "lạ đời" đó trở
thành hiện thực: chi phí sản xuất giảm 50%. Nếu trước đây 1 ha đất cần 20 ngày
công nhưng nay chỉ cần nhiều nhất 5-7 ngày. Chương trình tuân theo quy trình cụ
thể : bố trí lịch gieo sạ từng vùng cụ thể với cùng một chủng loại giống, 100%
diện tích sản xuất đều được sạ hàng với mật độ sạ không quá 100 kg/ ha. Không
phun thuốc trừ bệnh cháy lá, chỉ sử dụng thuốc hoá học để phòng ngừa bệnh thối
cổ bông. Dùng vi khuẩn đối kháng để quản lý bệnh đốm vằn, không cần sử dụng
thuốc phòng trị bệnh vàng lá. Do vùng đất này bị nhiễm phèn nên bà con phải bón
vôi trước khi làm đất, dùng phân bón có chứa hàm lượng canxi cao để cung cấp
thêm canxi cho lúa giúp hạ phèn, chống đổ ngã và sâu bệnh. Kết quả là năng suất
tăng hơn phương pháp sản xuất thông thường 10%. Thấy vậy, nhiều nơi trong xã
tham quan và bắt đầu áp dụng mô hình này. Đến nay, toàn xã có 1.000 ha được nông
dân sản xuất theo phương pháp "ba giảm, ba tăng" và 67 ha lúa an toàn chất lượng
cao (ATCLC).
Khi có sản phẩm, người dân trong xã lo ngay đến đầu ra. Nếu cứ
mạnh ai nấy bán thì chắc chắn không tránh khỏi tình trạng thương lái ép giá, sẽ
mất giá trị hạt gạo ATCLC. Năm 2004, nông dân đồng tình thành lập HTX lúa ATCLC
Mỹ Thành. Từ đó, số xã viên tăng lên nhanh chóng, hiện có 69 xã viên với tổng
diện tích 57 ha và gồm ba tổ trực tiếp sản xuất.
Hiện nay, HTX Mỹ Thành bước đầu hoạt động có hiệu quả. Công ty
lương thực tỉnh đã bao tiêu 2.200 tấn lúa, ký hợp đồng thu mua trọn vụ đông xuân
với giá sàn cao hơn giá lúa theo từng thời điểm cụ thể. Từ đầu năm đến nay, HTX
đã cung cấp cho công ty 500 tấn Jamine và 22 tấn lúa than. Ban chủ nhiệm HTX cho
biết: "Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về khả năng sản xuất lúa sạch.
Do vậy, chúng tôi không ngừng phát huy hơn nữa kết quả này đem lại thế đứng vững
vàng cho hạt lúa chất lượng cao này".
Hiện nay HTX còn ký hợp đồng với một doanh nghiệp nhận vốn đầu
tư lắp đặt một lò sấy lúa với công suất 8 tấn/ mẻ để đảm bảo chất lượng hạt lúa
ATCLC sau thu hoạch.
Nguồn tin: TBKT |