Rạng danh xứ sở Tằm Tang !
Ở Duy xuyên, chỉ riêng 2 làng dệt Phú Bông - Thi Lai hiện đã có trên 10.000 khung dệt, đạt doanh thu hàng năm là 50 tỷ đồng. So với thời làm ăn ở làng dệt Bảy Hiền thì bây giờ, dân Phú Bông - Thi Lai khấm khá hơn. Trung bình một hộ dân Phú Bông - Thi Lai hiện nay là chủ của 4-5 khung dệt, cho thu nhập hàng năm trên 40 triệu đồng. Cách không xa Phú Bông - Thi Lai là làng Đông Yên, quê hương bà Chúa Tằm tang. Đông Yên hiện có 100 hộ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ với thu nhập hàng năm từ 60 đến 70 triệu đồng.
Lễ hội Bà Chúa Tằm tang diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-4-2006 tại xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên, là một trong những lễ hội nhiều ý nghĩa nhất của Năm du lịch Quốc gia 2006 đang diễn ra tại tỉnh Quảng Nam…
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình.
Chuyện kể lại rằng: Vào năm 1615, trong một đêm trăng sáng, Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (đang tuần du ở Quảng Nam), cùng con trai thứ hai là Nguyễn Phước Lan ngẫu hứng dạo thuyền trên dòng Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng từ dinh trấn Thanh Chiêm đến địa phận làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước (là Duy Trinh, Duy Xuyên bây giờ), chợt nghe giọng hát trong ngần vọng ra từ một nương dâu.
Tiếng hát làm xao lòng công tử Nguyễn Phước Lan và chàng càng rung động hơn trước vẻ đẹp đôn hậu của cô thôn nữ vừa độ trăng tròn. Hai năm sau, người con gái hái dâu bên dòng Thu Bồn sánh duyên cùng công tử Nguyễn Phước Lan và trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu của Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.
Trước khi trở thành hoàng hậu, người con gái hái dâu được dân gian Quảng Nam biết đến với tên gọi Đoàn Quý Phi. Theo gia phả thì Đoàn Quý Phi gốc quê hương ở đàng ngoài. Ông nội của bà là Đoàn An Phận đã vào xứ Đàng Trong khai khẩn ruộng đất định cư thuộc làng Đông Yên Châu, huyện Diên Phước chuyên sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Xuất thân từ một cô gái làm nghề tằm tơ, sau khi trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, bà đã hết lòng khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa lúc bấy giờ chú trọng nghề nuôi tằm dệt lụa. Nhờ thế mà nghề tằm tang canh cửi xứ đàng trong được mở mang. Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, đã viết: “Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các loại the đoạn, lụa là hoa màu chẳng kém gì Quảng Đông”. Hiếu Chiêu Hoàng Hậu họ Đoàn đã được dân gian xưng tụng tôn vinh là Bà Chúa Tằm tang xứ Đàng Trong.
Nếu như ở những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người làng dệt Phú Bông - Thi Lai xã Duy Trinh bỏ xứ vào Sài Gòn, lập nên làng dệt Bảy Hiền giàu có thì những năm đầu của thế kỷ 21 này, họ lại quay trở về quê cùng với máy móc tư liệu sản xuất làm nên một Duy Trinh mới rộn ràng tiếng thoi. Người chứng kiến sự “di dân ngược” này rõ nhất là ông Thái Văn Dư - Chủ nhiệm HTX Dệt-may Duy Trinh. Theo lời ông Dư thì Làng dệt Bảy Hiền từ chỗ có 30.000, 40.000 khung dệt trước năm 2000, đến nay hầu như không còn bao nhiêu vì người xã Duy Xuyên huyện Điện Bàn đã chuyển hết về quê hương.
bannhanong.vietnetnam.net (13/4/ 2006)
(Nguồn:Sggp)
|