Liên kết sản xuất để có cánh đồng rau 100 triệu đồng/ha.
Nông dân Bình Mỹ, Củ Chi ít ai dám nghĩ thửa ruộng của mình mỗi năm sản xuất thu lợi về 100 triệu đ/ha. Vậy mà giờ đây trở thành sự thật. Thời gian gần đây người dân trồng rau như được tiếp thêm lực nhờ sự liên kết trồng rau sạch của Công ty Sông Gianh đưa KHKT vào việc trồng rau muống nước.
Vùng rau nước quận ven như Thủ Đức, quận 12 bị ô nhiễm, Sở NN-PTNT TPHCM và UBND huyện Củ Chi phối hợp di dời dần vùng rau về xã Bình Mỹ. Hơn 1 năm qua, diện tích trồng rau muống nước tại đây đã hơn 100ha.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Nông nghiệp xã Bình Mỹ, cho biết: “Trồng lúa thu lợi chừng 6 - 7 triệu đ/ha/năm. Với rau muống nước, nếu siêng năng có thể trên 100 triệu đ/ha/năm. Chúng tôi phối hợp với Công ty Sông Gianh xây dựng tại đây mô hình trồng rau sạch và với một vài công ty khác để mua sản phẩm. Thời gian tới số diện tích không dừng lại ở 100ha.”
Theo ông Nguyễn Văn Ngợi (ấp 4A, xã Bình Mỹ), trồng rau muống thường năng suất không cao do phun xịt thuốc và bón phân không đúng quy trình nên luôn bị thương lái chê vì sợ nhiễm độc. Chính vì vậy, việc được chính quyền địa phương và Công ty Sông Gianh phối hợp tổ chức sản xuất một cách khoa học, bài bản chẳng những năng suất tăng lên mà còn tiết kiệm lượng phân bón, thương lái không còn cơ sở để ép giá.
Áp dụng mô hình trồng rau sạch này, ông Vũ Xuân Thiện ở ấp 5A tính toán chi tiết: “Trồng rau theo mô hình rau sạch của Công ty Sông Gianh, phân bón một lứa rau (20 ngày) trên 10 cao đất (1.000 m2) giảm được gần 300.000 đồng, năng suất rau tăng hơn gần 200kg. Như vậy nếu tính theo giá thành hiện nay thì lợi gần 700.000 đồng và 30 cao đất hiện gia đình đang canh tác tăng thêm 2 triệu đồng lợi nhuận”.
Anh Nguyễn Văn Nghệ, có 5.000 m2 rau tại ấp 6A đúc kết: “Việc buôn bán nhỏ lẻ gần như không còn với những người trồng rau tại đây. Gần 10 năm thuê đất trồng rau tại TPHCM chúng tôi nhận ra được điều này, nên trước khi về đây thuê đất sản xuất anh em chuyên trồng rau liên kết lại và phối hợp với các tiểu thương ở các chợ đầu mối. Nhờ vậy mà đầu ra cây rau ổn định, anh em chỉ việc chăm lo thâm canh sản xuất…”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Trần Trường Sơn cho biết: Huyện xác định 5 năm tới sẽ giảm đáng kể diện tích lúa, từ hơn 14.000ha còn 5.900ha vào năm 2010. Như vậy, mỗi năm diện tích trồng lúa sẽ giảm khoảng hơn 1.000ha. Số diện tích này sẽ được chuyển đổi sang trồng 2 loại cây chủ lực hiện nay là hoa kiểng và rau an toàn, phát triển mạnh ở xã Tân Phú Trung, Bình Mỹ, Nhuận Đức
bannhanong.vietnetnam.net (11/4/ 2006) (Nguồn:Sggp)
|