Ngô rau - hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Song Phượng,Hà Tây.
Thảm nhung xanh bạt ngàn, mướt mát như làm dịu tiết trời oi nóng của ngày chớm hạ, những cánh đồng ngô rau đang báo hiệu một vụ bội thu sắp đến. Là loại cây trồng mới được đưa về thâm canh trên đồng đất Song Phượng (huyện Đan Phượng), sản phẩm ngô rau (ngô bao tử) đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân nơi đây.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng ngô, anh Nguyễn Huy Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng hồ hởi: "Cây ngô rau này hay lắm, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và có thể thâm canh 4 vụ trong năm. Lứa nọ tiếp lứa kia, chỉ sau 40-70 ngày (tuỳ theo giống) khi bắp ngô phun râu được 0,5-1,5cm là có thể cho thu hoạch. Mỗi sào đạt năng suất khoảng 1-1,5 tạ ngô thành phẩm, trừ chi phí, lãi khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và ngô hạt". Chúng tôi nhẩm tính, vậy là giá trị trên một hec-ta canh tác ngô rau ở đây đạt khoảng gần 80 triệu đồng/năm.
Hiện nay, cây ngô rau đang là một trong những giống cây trồng được chọn lựa trong chuyển đổi cây trồng ở Song Phượng và một số xã ở huyện Đan Phượng như: Đan Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ Xuân, Thọ An... Cây ngô rau khá dễ tính, có khả năng thích nghi rộng, có thể trồng quanh năm trên các loại đất tận dụng, hai vụ, đất mạ... đặc biệt trồng được ở vụ đông muộn là vụ vốn không thích hợp với ngô hạt. Với khoảng cách giữa các cây từ 12-15cm, bên dưới gốc ngô, có thể xen canh các loại rau màu khác như: đỗ, lạc, khoai lang... vừa không bỏ phí khoảng đất trống, vừa có thêm nguồn thu.
Ngô rau là loại cây có giá trị cao, có chất lượng dinh dưỡng khá như: vitaminE, protein, chất khoáng... rất tốt cho sức khoẻ con người. Nó được coi là loại rau sạch, có tính an toàn cao do thu hoạch vào giai đoạn bắp non (bao tử) là giai đoạn sinh trưởng mạnh nhất của cây ngô. Thời điểm này, cây ngô ít bị sâu bệnh nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, lại được bao kín trong lá bi nên tồn dư chất độc do nấm không có. Chính vì vậy, ngô bao tử đang là lựa chọn khôn ngoan của các bà nội trợ và những nhà hàng cao cấp. Không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước, ngô rau còn thâm nhập nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Anh Hoàn cho biết: Thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Hầu hết, khách hàng do quen mối, về cất buôn ở ngay tại ruộng chứ người dân không phải mang đi tiêu thụ ở nơi xa, vừa đỡ tốn sức và chi phí vận chuyển cho bà con nông dân. Thậm chí, có khách hàng còn đặt cọc trước khi ngô cho thu hoạch. Đặc biệt, thân và lá cây ngô rau còn là nguồn thức ăn rất tốt cho chăn nuôi gia súc như: bò sữa, bò thịt, cá... Mỗi sào, ngoài tiền bán sản phẩm ngô bao tử, còn thu được hơn 100.000 đồng từ thân và lá của cây ngô rau...
Hiện nay, khâu giống ngô rau ở Song Phượng đều do HTXNN đứng ra cung ứng. Các giống ngô chủ yếu được mua từ Viện Ngô Trung ương (Bộ Nông nghiệp-PTNT) ở thị trấn Phùng (Đan Phượng) như: LVN23, DK49... và một số giống nhập của Công ty Zicenta (Thái Lan). Các giống này có năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng kháng sâu bệnh... Có thể gieo hạt trực tiếp hoặc gieo trong bầu khi được 2-3 lá thì đem ra ruộng cấy. Phương pháp gieo trong bầu có ưu điểm: Tiết kiệm giống, định dạng cây, đảm bảo mật độ và cho thu hoạch đều... Chị Hiền ở thôn Thống Nhất (Song Phượng) cho biết: Từ khi trồng đến thu hoạch phải luôn giữ ẩm cho cây và chỉ dùng nước sạch để tưới, không dùng được các loại nước thải công nghiệp, nước bẩn ao tù. Trong quá trình chăm sóc, khâu rút cờ là biện pháp kỹ thuật quan trọng với ngô rau. Rút cờ được thực hiện sau khi gieo từ 45-50 ngày hoặc trước khi tung phấn nhằm tập trung dinh dưỡng cho bắp phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng trọng lượng bắp non.
Được du nhập vào đồng đất Song Phượng từ cuối thập kỷ 90, ngô rau được một số hộ trồng theo đơn đặt hàng của khách, rồi từ đó rộ lên trong toàn xã và đến nay đã lan tới các xã trong huyện Đan Phượng. Để đạt hiệu quả kinh tế như hiện nay, không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Thời kỳ đầu, do sản xuất thụ động theo đơn đặt hàng của khách nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào một số ít khách hàng. Sau đó, vào khoảng năm 1999-2000, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm ngô rau do nhiều nguồn cung cấp, ngô rau của Song Phượng phải chịu sự cạnh tranh từ nhiều phía và cả sự ép giá của tư thương. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen sử dụng trong các bữa ăn nên sản phẩm ngô rau của Song Phượng đã có lúc bị ế ẩm. Đang từ 7000đ/kg giảm xuống chỉ còn 1000-1200đ/kg khiến bà con nông dân hoang mang. Trước tình hình đó, vừa muốn duy trì cây rau có giá trị, vừa để bù đắp cho nông dân, chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể hô hào thu mua hỗ trợ với giá 1700đ/kg ngô rau rồi sơ chế, đóng hộp để xuất bán đi các nơi. Đó là vào thời điểm năm 2001-2002, công đoạn đóng hộp do một công ty TNHH ở địa phương đảm nhận (hiện nay, công ty này đã chuyển hướng hoạt động sang ngành nghề khác).
Dần dần vừa sản xuất, vừa chịu khó tìm kiếm thị trường cùng sự nhận thức của người tiêu dùng về giá trị dinh dưỡng của cây ngô rau nên hiện nay ngô bao tử ở Song Phượng đã có "lối ra" thông thoáng. Nó không chỉ được sử dụng trong các nhà hàng cao cấp mà còn "có mặt" trên mâm cơm của mỗi gia đình. Cây ngô rau đã có vị trí quan trọng trong đời sống ẩm thực của nhiều người và trở thành mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Đến Song Phượng bây giờ thấy ai cũng bận rộn với các cây rau màu. Không cho đất nghỉ: trên ngô, dưới xen đỗ, khoai..., nhờ đó mà chất lượng cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện. Điều quan trọng hơn cả là mọi người có việc làm ổn định và thu nhập khá ngay tại đồng đất quê hương.
"Làm thế nào để nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác?" đang là câu hỏi đặt ra cho Hà Tây trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản có giá trị cao. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đang hướng tới nhằm đưa Hà Tây trở thành tỉnh mạnh ở vùng trọng điểm Bắc Bộ. Trên lộ trình tới đích, một trong những việc trước mắt là đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào thâm canh như cây ngô rau là một hướng đi tất yếu không chỉ ở Song Phượng.
bannhanong.vietnetnam.net (7/4/2006) (Nguồn:Báo Hà Tây điện tử ) |