Làm mới vườn cà phê để chống nắng hạn.
Tháng 3 là thời gian nắng hạn ở Tây Nguyên. Giải pháp tốt nhất đối phó với nắng hạn vẫn là phải nâng khả năng chịu hạn của cây trồng. Nhưng lúc này, phá bỏ vườn cây cũ thay bằng giống cây chịu hạn không phải là điều dễ dàng đối với nông dân. Tại tỉnh Lâm Đồng, một cách làm mới vườn cà phê, giúp cho vườn cà phê chống hạn tốt hơn đang được nhiều nông dân quan tâm.
Đến với Lâm đồng thời gian này, chúng ta có thể thấy rất nhiều vườn cà phê lạ mắt. Tất cả các gốc cà phê đều bị cưa cách mặt đất khoảng 30cm, trên gốc cà phê này lại là thân cây cà phê khác. Trong khi thân cây chỉ có 2 năm tuổi thì gốc cây lại trải qua chục năm. Vườn cà phê này hình thành không phải theo cách thông thường là trồng cây con.
Ở đây, người ta sử dụng cách ghép, cải tạo vườn cà phê già cỗi - một cách làm đang được triển khai tại vùng cà phê Lâm Đồng. Những nông dân trong vùng gọi đây là cách làm mới vườn cà phê. Gọi là làm mới vì từ vườn cà phê cũ, với cách làm này, chỉ sau hai năm, nông dân đã thu trái bói. Trong khi đó, nếu trồng mới vườn cà phê phải mất ít nhất 4 năm kể từ lúc trồng, cây cà phê mới cho trái.
Rút ngắn thời gian đầu tư không phải là lý do duy nhất để nông dân áp dụng phương pháp ghép cà phê. Cây cà phê vối cho năng suất cao nhưng lại chịu hạn kém trong khi đó, giống cà phê mít có khả năng chịu hạn. Việc ghép hai giống cà phê này, nông dân có được giống cà phê chống chịu với nắng hạn vốn là khó khăn luôn lặp lại hàng năm ở vùng Tây Nguyên.
Ông Lưu Văn Son, Xã Đambri, Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết: "Cách làm mới vườn cà phê đã giúp cho cà phê cải thiện được năng suất đáng kể từ 3 tấn lên 7 tấn cà phê nhân/ ha. Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng các mô hình ghép, cải tạo vườn cà phê vối từ 3 tinh dòng cà phê đựơc chọn lọc. Chi phí của giải pháp kỹ thuật này không cao nên đã giúp cho nhà khoa học dễ dàng đưa biện pháp kỹ thuật đến với nông dân".
Sau Đắc Lắk, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai của nước ta. Những vườn cà phê già cỗi, chịu hạn kém, kháng sâu bệnh thấp đang có hy vọng đựơc làm mới bằng cách ghép cà phê.
Kỹ sư Bùi Xuân Hân, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm: "Mỗi năm, để phục vụ ghép cà phê, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng đưa ra không dưới 300 nghìn chồi cà phê". Đây là cơ sở giúp nông dân có chồi ghép đạt chất lượng phục vụ cho việc cải tạo, làm mới vườn cà phê.
Cùng với các ưu điểm khác, tính chịu hạn của vườn cà phê sẽ được nâng lên mà không cần phải thay đổi toàn bộ vườn cà phê. Chỉ bấy nhiêu đó đã là rất có ý nghiã đối với vùng nông nghiệp Tây Nguyên.
bannhanong.vietnetnam.net (3/4/2006) (Nguồn:VTV) |