Giá gạo trong nước và xuất khẩu tiếp tục giảm do nguồn cung tăng.
Hiện nay trên thị trường chỉ có Thái Lan và Việt Nam là
có lượng lớn gạo 5% tấm xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước rất cần
tỉnh táo để không vội ký đơn hàng xuất khẩu với giá rẻ bởi giá gạo xuất khẩu
hoàn toàn có khả năng tăng lên, thậm chí cao hơn mức giá năm 2005.
Ở các tỉnh phía Bắc đang trong vụ giáp hạt, giá lương
thực tiếp tục đứng ở mức cao, giá lúa tẻ thường phổ biến ở mức 2.800 –
3.000đ/kg, gạo tẻ thường ở mức 4.400 – 4.900 đ/kg. Tại phía Nam, đặc biệt là các
tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nên giá thu mua lúa giảm trung
bình từ 100 – 200đ/kg so với đầu tháng 3, hiện ở mức 2.100 – 2.300đ/kg.
Tại Đồng Tháp, giá lúa tẻ tiếp tục giảm 50đ/kg, còn 2.250 –
2.300 đ/kg, gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu cũng tiếp tục giảm 20 – 60
đ/kg: gạo nguyên liệu còn 3.020 – 3.100đ/kg; gạo thành phẩm 5% tấm còn 3.610đ/kg
(-40đ), 10% tấm còn 3.560 đ/kg (-40), 15% tấm còn 3.490đ/kg (-20đ), 20% tấm còn
3.400đ/kg (-50đ)... các nơi khác giá đứng hoặc giảm không đáng kể.
Tại Phú Yên, giá lúa tăng 50đ, lên 2.450đ/kg, gạo thường tăng
100đ, lên 4.400đ/kg. Tại chợ đầu mối TPHCM, giá bán buôn gạo nàng thơm chợ đào
tăng 300đ, lên 7.200 – 7.500đ/kg; vài loại gạo tẻ tăng 100 – 200đ/kg; nếp bắc
giảm 1.000đ, còn 9.000đ/kg; trong khi loại nếp khác tăng 200 – 700đ/kg.
Nguồn cung gạo trong nước dồi dào, kéo theo giá gạo xuất khẩu
của Việt Nam giảm. Trong tháng 1 và tháng 2, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 258 –
260 USD/tấn, sang đầu tháng 3 giảm xuống còn 245 – 250 USD/tấn và đến giữa tháng
3 gạo 5% tấm chỉ còn 240 – 242 USD/tấn; gạo 15% tấm xuống mức 232 USD/tấn, thấp
hơn 20 USD/tấn so với giá năm ngoái và thấp hơn tới 60 USD/tấn so với giá gạo
Thái cùng loại.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn
và kho dự trữ để thu mua, găm hàng chờ giá lên cao. Nắm được yếu tố này, các nhà
nhập khẩu gạo nước ngoài đã tìm mọi cách để ép giá gạo Việt Nam, kéo theo giá
thu mua lúa gạo trong nước cũng giảm trung bình 200đ/kg. Đúng lúc vụ Đông xuân ở
ĐBSCL vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng dự kiến đạt khoảng 2,6 triệu tấn.
Hiện nay trên thị trường chỉ có Thái Lan và Việt Nam là có
lượng lớn gạo 5% tấm xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước rất cần tỉnh
táo để không vội ký đơn hàng xuất khẩu với giá rẻ bởi giá gạo xuất khẩu hoàn
toàn có khả năng tăng lên, thậm chí cao hơn mức giá năm 2005. Mặt khác, theo một
số chuyên gia kinh tế, gạo Thái Lan cao giá ngoài nguyên nhân do chất lượng tốt
còn do Chính phủ nước này vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ giá gạo
nước mình như việc thu mua dự trữ gạo cho nông dân. Trong khi nông dân Việt Nam
phải bán lúa giá rẻ ngay sau khi thu hoạch để trang trải chi phí và thu hồi vốn,
còn các doanh nghiệp thì khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng nên phải chấp
nhận ký hợp đồng xuất khẩu giá rẻ để quay vòng vốn. Điều này cho thấy, để tránh
cho gạo Việt Nam tiếp tục phải bán giá rẻ, cả Nhà nước và doanh nghiệp và nông
dân cùng phải vào cuộc; đặc biệt là việc thay đổi cả hệ thống công nghệ sau thu
hoạch lẫn công nghệ kinh doanh và thông thoáng hơn về cơ chế vay vốn cho doanh
nghiệp.
Dự kiến đến cuối tháng 3, lượng gạo xuất khẩu của các doanh
nghiệp Việt Nam đạt khoảng 1,075 triệu tấn trong tổng lượng 5 triệu tấn gạo xuất
khẩu của năm nay. Như vậy, việc tránh bị ép giá gạo xuất khẩu cũng có nghĩa là
tăng kim ngạch xuất khẩu gạo hàng triệu USD.
Nguồn:Vinanet-bannhanogn.com (20/3/2006) |