Cây bông lai Điện Biên:Niềm tin trước mùa gieo hạt.
Nếu bạn đã từng đến Điện Biên vào mùa bông, được đứng
giữa những cánh đồng bông bạt ngàn và được nhìn thấy những nụ cười rạng ngời
trên khuôn mặt của những người nông dân "hai sương một nắng", hẳn bạn sẽ đồng ý
với suy nghĩ của tôi: Nông dân Điện Biên đã thành công trong trồng
bông.
Và vụ bông thứ hai này cũng hứa hẹn rất nhiều thành công song
điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố... Mỗi khi đến mùa gieo hạt lòng người nông
dân lại rộn lên những niềm vui mơ ước. Dẫu có vất vả hơn, có nhọc nhằn hơn,
nhưng người gieo hạt vẫn hy vọng những hạt giống hôm nay rồi sẽ cho những quả
chín, mùa vàng bội thu. Nhưng không sớm, không dễ dàng như lúa, ngô, đậu tương
hay khoai sắn mà đến năm 2006 này cây bông lai mới có mùa gieo hạt thứ hai trên
mảnh đất Điện Biên...
Tháng 6 năm 2005 sau nhiều lần khảo sát, đặt vấn đề và được
UBND tỉnh tạo điều kiện, Công ty cổ phần Bông miền Bắc đã đầu tư 1.400kg giống,
phân bón, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân trồng thử nghiệm cây
bông lai. Chị Đinh Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, tâm sự: Phải vất vả lắm chúng tôi mới vận động
được nông dân ở 4 huyện trồng thử nghiệm cây bông lai. Bởi mọi người kể cả những
cán bộ làm nông nghiệp chúng tôi cũng chưa thật yên tâm lắm: làm gì có loại cây
nào lại sống được ở những vùng khô hạn mà cây lạc, ngô, đậu tương không sống
được lại còn cho giá trị kinh tế cao nữa chứ; hơn nữa đầu ra của sản phẩm lại
được bao tiêu hoàn toàn. Nhưng rồi nhờ có sự nhiệt tình vận động của cán bộ
khuyến nông tỉnh, vụ đầu tiên 600ha bông lai đã chính thức được nông dân 4
huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên Đông đưa vào trồng.Trong đó,
huyện Điện Biên trồng ở 4 xã: Núa Ngam, Sam Mứn, Mường Lói và Mường Nhà, tổng
diện tích 250ha (riêng xã vùng ngoài Mường Nhà nhân dân tích cực hưởng ứng nên
đã trồng đến 130ha). Vụ đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, thời tiết lại nắng
nóng kéo dài,1/3 diện tích bông bị chết phải gieo lại lần hai. Ba tháng sau bông
thu hoạch, năng suất trung bình từ 1,5 đến 1,8 tấn/ha, nơi thu cao đạt 2 tấn/ha.
Kết quả bước đầu từ vụ bông này người nông dân vui lắm, họ như
được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin mới vào cây bông còn khá mới mẻ. Những
hoài nghi, lo âu về giá trị kinh tế của cây bông lai dường như không còn mà thay
vào đó là niềm tin vào cây bông lai trong tương lai sẽ là loại cây góp phần đáng
kể vào thực hiện mục tiêu XĐGN của tỉnh ta. Bởi cũng như nhiều cây trồng khác,
1ha bông khi thu hoạch cho giá trị từ 7,5 - 9 triệu đồng. Và thế là người nông
dân nói với người nông dân nên mùa này đã có nhiều người đăng ký trồng giống
bông lai hơn.
Ông Quàng Văn Bun, dân tộc Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
là người tiên phong trong phong trào trồng bông lai ở Điện Biên, cho biết: Vụ
đầu do chưa tin chắc vào giá trị kinh tế của cây bông lai nên gia đình tôi chỉ
trồng 1ha, thu hoạch hơn 8 triệu đồng; nhưng ưu điểm của cây bông lai không tốn
nhiều công chăm sóc, không phải đầu tư nhiều phân bón nên vụ này gia đình tôi dự
định trồng 4ha. Những người trồng bông lai chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự
hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để trồng bông hiệu quả hơn.
Tháng 3 năm 2006 đã đến như một dấu hiệu bắt đầu mùa gieo hạt
thứ hai của cây bông lai. Theo Sở NN&PTNT", sẽ có 1.800ha bông lai được gieo
trồng trên đất Điện Biên. Đây là tiền đề quan trọng khởi đầu cho việc đưa mục
tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt 2.000ha bông lai trở lên", sớm trở thành hiện
thực.
Nguồn:TTKNQG-bannhanong.vietnetnam.net (2/3/2006)
|