Cần một chương trình cà phê quốc gia bền vững!
Sau một thế kỷ phát triển cây cà phê, Việt Nam đã
có trên dưới 500.000 ha cà phê (90% ở vào độ tuổi kinh doanh), cho sản lượng
hàng năm trên dưới 800.000 tấn cà phê nhân, có năm xấp xỉ 1.000.000 tấn cà phê
nhân. Kim ngạch xuất khẩu cà phê mỗi năm đạt 500-600 triệu USD, trở thành mặt
hàng nông sản chủ lực và chỉ sau lúa gạo.
Hiện nay, địa bàn trồng cà phê chủ yếu là trên vùng đất đỏ
bazan của Tây Nguyên. Một số vùng đất không phải bazan, nhưng có đủ điều kiện về
thổ nhưỡng, cũng được trồng cà phê. Miền Đông Nam Bộ, một số vùng bán sơn địa
duyên hải Nam Trung Bộ, cà phê còn được mở rộng ra phía Bắc, từ Khe Sanh (Quảng
Trị), Phủ Quỳ (Nghệ An), rồi Sơn La (Tây Bắc). Cây cà phê được chọn làm cây
trồng chính là cà phê vối (caffea canephora var Robusta), tức là cà phê
Robusta.
Vì sao cà phê Arabica chưa chiếm ưu thế?
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê
- Ca cao Việt Nam là một trong những người xây dựng dự án cà phê lúc ban đầu,
nói rõ về khúc mắc này. Theo chương trình phát triển cà phê 5 năm (1980-1985),
đến năm 2000, chúng ta sẽ có tổng diện tích 180.000 ha, với tổng sản lượng
180.000 tấn. Sự lựa chọn cây cà phê vối trong bước đi ban đầu là đúng, vì khi ấy
chưa tìm được biện pháp phòng trừ có hiệu quả bệnh gỉ sắt, do nấm Hamileia vas
tatrix gây ra.
Đây là một loại bệnh mang tính huỷ diệt, đã từng gây tổn thất
lớn cho nghề trồng cà phê ở Sri Lanka, Philippines... Trong khi đó, cà phê
Robusta (cà phê vối) là thứ cây ưa khí hậu nóng ẩm, có khả năng chống chịu bệnh
gỉ sắt, đã được trồng ở nhiều đồn điền trên Tây Nguyên, sinh trưởng khoẻ, sản
lượng cao.
Cuối thập kỷ 80, nhờ có công trình nghiên cứu của trung tâm
nghiên cứu bệnh gỉ sắt Oeiras Bồ Đào Nha, chúng ta đã có thể trồng cà phê
Arabica với giống chống gỉ sắt (coffee arabica var Catimor).
Đến năm 1999, lượng cung cà phê đã trở nên dư thừa trên thị
trường toàn cầu, khiến 25 triệu hộ gia đình nông dân trồng cà phê trên toàn thế
giới lâm vào cảnh điêu đứng. ở nước ta, theo tổng cục thống kê năm 2003, có
khoảng 561.000 hộ với 2,6 triệu người tham gia trồng cà phê và làm những công
việc liên quan đến cà phê.
Trước hết, sự phát triển sản xuất cà phê đã vượt khỏi tầm kiểm
soát của Nhà nước, làm đổ vỡ quy hoạch các cây trồng, phá vỡ cân đối trong sử
dụng nguồn tài nguyên đất và nước. Giai đoạn 1985-1990, diện tích cà phê từ
44.600 ha tăng lên 135.500 ha, bình quân tăng mỗi năm 18.000 ha.
Đến 1992, cà phê rớt giá, diện tích lại chững liền 3 năm. Để
rồi khi cà phê lên giá trở lại, từ 1993 đến 2000, diện tích lại từ 140.000 ha
tăng lên 553.000 ha, bình quân mỗi năm tăng 56.000 ha, nhất là trong 4 năm
(1995-1999) mỗi năm tăng hơn 80.000 ha. Khi giá cà phê lên cao, nông dân phá bỏ
các loại cây trồng, phá rừng, có khi phá cả cao su, để lấy đất trồng cà phê. Khi
giá cà phê xuống thấp, lại không chăm sóc hoặc phá đi, trồng cây khác. Đây chính
là một trở ngại lớn cho việc phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thứ hai, nhằm đạt năng suất ngày càng cao, nông dân đã thâm
canh vườn cà phê không có quy trình khoa học. Cà phê vối trồng ở Tây nguyên sinh
trưởng khoẻ, một số vùng cho năng suất rất cao, 4,5 tấn/ha trên diện tích lớn
(bình quân 2 tấn/ha toàn Tây Nguyên). Nông dân đã phá bỏ cây che bóng để tận
dụng năng lượng bức xạ mặt trời, giành năng xuất cao nhất.
Do Tây Nguyên không có cơ sở sản xuất phân hữu cơ, nên nông dân
bón phân hoá học với liều lượng cao, và sử dụng một lượng nhỏ phân vi sinh không
được xác định chất lượng để thay thế phân hữu cơ. Trong mùa khô, nông dân lại
tăng lượng nước tưới đến mức tối đa, thường dùng 650 lít/cây cà phê cho một lần
tưới, và với chu kỳ 20-25 ngày/lần.
Cách làm như thế khiến vườn cà phê phát triển nhanh, năng suất
cao, nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro, nhất là làm suy kiệt đất đai và làm
cạn kiệt nguồn nước ở Tây Nguyên.
Thứ ba, ngành công nghiệp sau thu hoạch và công nghiệp chế biến
cà phê còn lạc hậu và nhỏ bé, lẫn cả quả xanh, quả chín, thiếu sân phơi, có nơi
còn xát dập để phơi mau khô đã làm cà phê bị nhiễm nấm bệnh; cà phê chế biến
theo phương pháp ướt thường không được ủ lên men, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi
trường. Sản lượng cà phê chế biến còn quá nhỏ, các chủng loại còn đơn
điệu...
Về tiềm năng, cũng như về điều kiện tự nhiên và điều kiện lao
động, Việt Nam có thể đưa sản lượng cà phê lên trên 1 triệu tấn mỗi năm. Nhưng
xem xét chung thị trường cà phê toàn thế giới, với cán cân cung cầu thường bị
xáo trộn, thì sản xuất lượng cà phê quá lớn sẽ bị mất tính bền vững. Chúng ta
cũng không nên giữ cơ cấu chủ yếu là cà phê như Robusta hiện nay, để tiết kiệm
đất đai và nguồn nước sạch, vì nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên là bể chứa nước của
miền Đông Nam Bộ.
Đưa dần cà phê Arabica vào cơ cấu trồng trọt.
Cây cà phê Arabica tỏ rõ có hiệu quả cao ở một số vùng như Lâm
Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Tây Bắc. Lâm Đồng có một vị trí địa lý ở vào
khoảng 11 độ 20 vĩ độ bắc, tương đương với vị trí địa lý của Costa Rica và xa
đường xích đạo hơn Colombia, Costa Rica sản xuất ra loại cà phê Arabica dịu, thể
chất đầy đủ, axit nhẹ và là loại cà phê chất lượng cao, chế biến ướt, năng suất
bình quân 1,545 tấn/ha.
Cây cà phê Arabica ưa thích điều kiện khí hậu mát mẻ, ánh sáng
nhẹ, tán xạ, hoàn toàn thích hợp với vùng Nam Tây Nguyên bao gồm các cao nguyên
Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc. Khí hậu ở đây mang tính chất nhiệt đới ẩm rõ rệt, và
có chiều cao địa hình kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi cho cà phê Arabica.
Tây Bắc cũng là vùng cà phê Arabica nhiều triển vọng, nếu được đầu tư công nghệ,
cũng sẽ có được những sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trồng được cà phê Arabica,
vì loại cà phê này đòi hỏi người sản xuất phải có nhiều vốn, có hiểu biết về kỹ
thuật và có lao động giỏi. Phát triển cây cà phê Arabica sẽ giải quyết lao động
đáng kể, góp phần xoá đói giảm nghèo. Vừa qua, một số nơi thất bại đau đớn dự án
trồng cà phê Arabica, trong đó có tỉnh Thanh Hoá.
Nguyên nhân chủ yếu là do “bệnh dự án”, ai cũng đổ xô đi xin dự
án hàng nghìn ha, mang về chia đều cho các hộ nông dân rải rác, tưởng thế là
công bằng trong xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn gần như bỏ lửng chương trình này, và Tổng công ty Cà phê - Ca cao Việt Nam
cũng chỉ nặng về kinh doanh theo chức năng.
Nguồn:VNeconomy/bannhanong.vietnetnam.net (cập nhật
10/2/06)
|