Vú sữa Vĩnh Kim-Tiền Giang vào mùa.
Hiện nay, đa số bà con trồng cây vú sữa ở vùng đất
Vĩnh Kim này luôn có tâm tư nguyện vọng: Mong Nhà nước nên đầu tư, tìm thêm thị
trường xuất khẩu.Trước mắt để giúp bà con có điều kiện thuận lợi hơn trong thời
gian thu hoạch, nên sớm mở "Hợp tác xã mua - bán vú sữa".
Những ngày này, ai có dịp về chợ trái cây Vĩnh Kim
(Châu Thành) sẽ thấy được sự sung túc, không khí nhộn nhịp của bà con nơi đây.
Người mua, người bán lúc nào cũng tấp nập, những thương lái từ các tỉnh đổ về
thu mua các mặt hàng, càng làm "nóng" lên không khí chợ cuối năm.
Dọc theo tỉnh lộ 876 về các xã Vĩnh Kim, Bàn Long, Phú Phong,
Kim Sơn… những vườn cây vú sữa sum sê trái đã bắt đầu chín rộ. Bà con phấn khởi
thu hoạch, rồi vận chuyển đến chợ đầu mối Vĩnh Kim bán cho thương hàng. Anh
Nguyễn Tấn Hoàng, hơn 10 năm với nghề mua - bán vú sữa chợ Vĩnh Kim cho biết:
Năng suất vú sữa năm nay cao hơn năm trước, giá vú sữa đầu mùa có khi lên đến
160.000 đồng/1 chục (1 chục 14 trái). Hiện nay, vú sữa đang chín rộ, giá dao
động từ 60-70 ngàn đồng 1 chục (loại I), 40 ngàn đồng (loại II), các loại còn
lại trung bình 20 ngàn đồng. So với năm trước, giá thị trường trái vú sữa hiện
nay, hầu hết bà con miệt vườn đang phấn khởi vui mừng trong vụ mùa thu
hoạch.
Theo phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, cây vú sữa được trồng
trên khắp 17 xã, nhiều nhất ở xã Bàn Long, Kim Sơn, Bình Trưng, Long Hưng và
Vĩnh Kim… Diện tích trồng cây vú sữa trên toàn huyện là 1719,9 ha (hiện đang
trồng mới thêm 156,68 ha), trong đó diện tích đang thu hoạch là 1269,72 ha. Năng
suất thu hoạch hàng năm từ 25-30 tấn/ha.
Vùng cây ăn trái nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, nên cây ăn
trái năm nào cũng sum sê, trĩu quả. Vú sữa là một loại cây chủ lực của vùng này,
trái vú sữa luôn no - tròn. Chính nhờ cây vú sữa mà những năm qua, nhiều hộ nông
dân vùng cây ăn trái đã vươn lên làm giàu. Có được những thành quả ấy, ngoài
việc biết ứng dụng tốt các kỹ thuật về trồng trọt, với sự nỗ lực không mệt mỏi
của từng cá nhân, tính nhanh nhạy trong sản xuất, kịp thời nắm bắt nhu cầu của
thị trường, nên đời sống bà con luôn được cải thiện và nâng lên. Bác Lê Văn
Bánh, ấp Đông, xã Kim Sơn với trên 30 năm trồng cây vú sữa đã tích lũy được
nhiều kinh nghiệm. Bác cho biết: Để cây vú sữa cho trái sớm, sau khi thu hoạch
bác tiến hành tỉa cành, sau đó bắt đầu bón phân lân, kali vào đầu tháng 12 âm
lịch, đến độ rằm tháng chạp tiếp tục bón phân đạm, hữu cơ, đợi đến khi bông vừa
rớt nhụy thì bón phân kali, canxi thêm một lần nữa để giúp trái vú sữa bóng,
đẹp. Đến khoảng đầu tháng 8 Âm Lịch là thời điểm rước trái, bác bắt đầu cắt
phân, cắt nước. Nếu phát hiện trái vú sữa bị héo hoặc úng, bác tiến hành phun
thuốc chống héo, chống úng. Bác cho biết thêm: Để ngăn ngừa cây vú sữa bị bệnh
chết do tuyến trùng ăn quanh bộ rễ, khoảng đầu tháng giêng bác sát trùng xung
quanh từng gốc vú sữa. Như năm nay do thời tiết bất thường, mưa vẫn còn rải rác,
để trái vú sữa không bị úng, bác bón thêm phân kali, vì kali có thêm tác dụng
chống úng - thối ở trái. Được biết, hiện nay bác có 1,5 ha trồng cây vú sữa, với
trên 100 gốc, nhờ những kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, mà những năm gần đây
cây vú sữa nhà bác cho trái rất sớm, khoảng rằm tháng 9 AL bác đã thu hoạch vụ
đầu mùa, giá từ 140-160 ngàn đồng/1 chục. Bác bật mí, năm ngoái bác thu hoạch
trên 180 triệu đồng, nhờ vậy mà mấy năm qua bác mua thêm được vài công đất, mở
thêm một đại lý bán phân bón và đáng mừng hơn là xây dựng được một căn nhà kiên
cố - khang trang sạch đẹp. Hiện nay, vú sữa nhà bác đang chín rộ, tính đến thời
điểm này bác đã thu hoạch trên 100 triệu đồng tiền vú sữa. Bác phấn khởi cho
biết: Tết năm nay gia đình bác sẽ chuẩn bị ăn tết khá hơn mọi năm…
Thật vậy, cũng chính nhờ vào cây vú sữa mà những năm gần đây
đời sống bà con miệt vườn được nâng lên, nhà cửa được xây dựng lại khang trang,
sạch đẹp, con cái có điều kiện đi học đến nơi đến chốn. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh,
xã Vĩnh Kim có được 3 công đất, trồng hơn 30 gốc vú sữa, thu hoạch hàng năm từ
35-40 triệu đồng, đã giúp gia đình chị luôn được cải thiện trong cuộc sống.
Đến với chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim trong những ngày này lúc
nào cũng nhộn nhịp. Ông Phùng Long - Phó Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: Lượng
mua bán trái cây ở chợ luôn sung túc, mỗi ngày có từ 1.500 đến 2.150 lượt người
mua bán, nhất là trong những ngày cúng vía trong tháng (rằm, ba mươi) hàng xuất
khẩu đi các tỉnh miền ngoài Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. HCM, chợ hoạt động
suốt ngày.
Nguồn:Website UBND TG
|