Ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm sản và nghề
muối, Trưởng Ban chỉ đạo Liên kết GAP sông Tiền cho biết, mục tiêu của Liên kết
là hình thành khu vực sản xuất tập trung trái cây chất lượng cao, an toàn theo
quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (Good Agricultural Practise - GAP), đạt
tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh
tranh và tạo sự phát triển bền vững cho ngành rau, quả Việt Nam. Theo ông
Khang, nhiệm vụ chủ yếu của Liên kết trong năm nay là kiện toàn tổ chức, xây
dựng các tổ chuyên môn để tham gia huấn luyện về GAP; nghiên cứu xây dựng hệ
thống tiêu thụ, trong đó ưu tiên củng cố thị trường nội địa, làm cơ sở cho xuất
khẩu. Liên kết hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tin tưởng lẫn nhau dưới
sự lãnh đạo của Ban điều hành theo Quy chế hoạt động của Liên kết, trong đó có
quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên. Nhà doanh nghiệp
được đặt hàng nhà sản xuất cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của thị trường với
chất lượng cao, an toàn với giá thỏa thuận, được đóng góp ý kiến và tham gia
kiểm tra quy trình sản xuất, được hỗ trợ xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ
thu mua, xử lý, bảo quản, chế biến, tiêu thụ trái cây, vay vốn đầu tư phát triển
theo chương trình và chính sách của nhà nước. Nhà doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ
cung cấp yêu cầu của khách hàng cho nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà quản lý
ngành, ký kết và nghiêm túc thực hiện hợp đồng sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ
với các nhà sản xuất và doanh nghiệp khác là thành viên của Liên kết...
Đến nay, Liên kết đã thu hút trên 50 thành viên,
bao gồm 26 nhà sản xuất, 19 nhà doanh nghiệp, 5 nhà nghiên cứu và 6 Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn của 6 tỉnh, thành trong Liên kết (Đồng Tháp, Vĩnh
Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An và TP.HCM). Các tỉnh này là khu vực có diện
tích và sản lượng trái cây tập trung lớn nhất nước, với tổng diện tích trên
169.500 ha, cho sản lượng trên 1,4 triệu tấn mỗi năm. Các loại trái cây chủ lực
được thực hiện trong Liên kết là bưởi, xoài, thanh long, dứa và
chuối. Các chuyên gia
trong ngành cho rằng, Liên kết hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ
về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực rau,
quả nói riêng, thực hành được mô hình nông nghiệp an toàn và bền vững theo vùng
để nhân rộng ra các địa phương, cũng như các ngành hàng nông sản khác, tạo sự
thống nhất, đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt,
theo kinh nghiệm quốc tế, Liên kết sẽ giúp các thành viên giảm được chi phí sản
xuất - tiêu thụ, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh
doanh, tăng sức cạnh tranh.
Theo
VIR |