Thái Bình: Phát triển nghề trồng nấm
Những năm gần đây nghề trồng nấm ở Thái Bình phát triển khá mạnh, 11
tháng qua, toàn tỉnh đã sản xuất được 3.000 tấn nấm nguyên liệu, tăng 1,5 lần so
với năm 2004. Trong quá trình phát triển, nghề trồng nấm đang mở ra triển vọng
phù hợp với tỉnh thuần nông Thái Bình, ngày càng xuất hiện nhiều trại trại làm
ăn hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm ở
địa phương. Dẫu vậy, để nghề sản xuất nấm thật sự phát huy tác dụng phát triển
nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình vẫn còn những "rào cản" cần tháo gỡ.
Lấy sản xuất nấm để bù vụ đông
Theo ông Hoàng Phó Thảo- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình), sản xuất cây màu vụ đông năm nay
Thái Bình bị thất bại nặng do trận mưa đầu tháng 11/2005, ảnh hưởng của cơn bão
số 8 đã làm cho gần 30.000 ha vụ đông bị ngập chìm trong nước và thiệt hại nặng
nề, nhiều thửa ruộng cây trồng bị chết bà con chán bỏ hoang không trồng nữa.
Chính vì vậy, vụ nấm đông năm nay tỉnh đã khuyến khích, chuẩn bị những điều kiện
tốt nhất về giống để các địa phương mở rộng diện tích sản xuất nấm, bù lại diện
tích cây vụ đông.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 3.000 đồng/kg nấm giống và mở các lớp tập
huấn kỹ thuật trồng nấm cho nông dân. Tỉnh chỉ đạo các HTX xây dựng chương
trình, kế hoạch sản xuất nấm hàng vụ, hàng năm, tập trung thực hiện giải pháp về
khoa học công nghệ, tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tập huấn cho
các xã, tạo điều kiện cho các hộ xây dựng trang trại trồng nấm được thuê đất lâu
dài. UBND tỉnh giao kế hoạch cho Công ty nông sản Thái Bình cung cấp số lượng
nấm giống kịp thời và thuận lợi cho các hộ trồng nấm...
Nhờ vậy, phong trào trồng nấm phát triển tương đối mạnh ở tất
cả các xã trong tỉnh. Đặc biệt, toàn tỉnh đã hình thành 60 trang trại sản xuất
nấm, với quy mô trên 100 tấn nguyên liệu/trang trại; hàng nghìn hộ trồng với quy
mô trên 30 tấn/năm. Các trang trại và các hộ trồng nấm ở Thái Bình chủ yếu sản
xuất 5 loại nấm gồm: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ. Trong
đó, sản lượng nấm rơm và nấm mỡ chiếm tỷ lệ nhiều nhất, gần 1.700 tấn/năm.
Chúng tôi tìm đến trại sản xuất nấm của anh Nguyễn Đức Hải, xã
Thuỵ Hồng (huyện Thái Thuỵ), mỗi năm gia đình anh đưa vào sản xuất trên 100 tấn
nguyên liệu, doanh thu hàng năm đạt gần 100 triệu đồng. Anh Hải cho biết, nghề
trồng nấm rất đơn giản có thể trồng được quanh năm, vốn đòi hỏi không nhiều,
nguyên liệu lại rất sẵn, nhất là nấm rơm có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có ở
địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình trồng nấm cần chú ý tới các yếu tố
về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, bởi những yếu tố này ảnh hưởng lớn tới năng suất,
chất lượng của nấm thương phẩm sau này. Thị trường tiêu thụ nấm rất sẵn không sợ
ế như các loại cây trồng khác, nấm sản xuất ra đến đâu được các thương lái đến
mua hết đến đó; với giá hiện nay, nấm rơm 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg, nấm sò
5 nghìn đồng/kg, nấm linh chi 300 nghìn đồng/ kg... Cũng theo các hộ trồng nấm
cho biết, lợi nhuận thu được từ trồng nấm rất cao, có thể đạt 500 triệu đồng/ha,
gấp 20 đến 30 lần trồng lúa và tận dụng được nguồn lao động trong dân.
Những "rào cản" cần tháo gỡ
Có thể khẳng định sự phát triển nghề trồng nấm là nhân tố mới ở
nông thôn, là động lực mới cho sự phát triển kinh tế hộ nông dân ở Thái Bình.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nghề sản xuất nấm ở Thái Bình còn gặp
nhiều "rào cản" như: thiếu vốn, kỹ thuật, đất, đầu ra cho sản phẩm, giao thông
thuỷ lợi... Bên cạnh đó, sự phát triển tự phát, không theo quy hoạch, ảnh hưởng
đến sự phát triển bền vững chung của nghề sản xuất nấm. Trình độ quản lý của các
chủ trại trồng nấm và tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ
hộ chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường, dẫn đến thụ động trong việc đầu tư phát
triển sản xuất.
Bên cạnh đó, phong trào trồng nấm ở Thái Bình tuy được duy trì,
một số mô hình sản xuất lớn được hình thành, song một số địa phương chưa thực sự
quan tâm, tạo điều kiện cho nghề trồng nấm phát triển. Tỉnh chưa có kinh phí
khuyến nông hỗ trợ cho công tác chuyển giao kỹ thuật nghề trồng nấm, việc chuyển
giao tiến bộ khoa học- công nghệ còn hạn chế, sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm
trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật thâm canh nấm về thị trường chưa được chính
quyền cơ sở quan tâm.
Đặc biệt, cơ sở sản xuất nấm giống của tỉnh được trang bị tương
đối hiện đại, năng lực sản xuất lớn nhưng việc sản xuất chưa chủ động, còn để
lãng phí, lượng giống sản xuất ra còn quá ít, không đáp ứng yều cầu sản xuất.
Một số hộ muốn mở rộng quy mô sản xuất lớn nhưng còn thiếu vốn, mặt bằng sản
xuất. Bên cạnh đó, giá cả vật tư cho trồng nấm (nilông, phân đạm, hoá chất...)
tăng cao, hạn chế hiệu quả sản xuất.
Nghề sản xuất nấm đang mở ra hướng phát triển tích cực cho tỉnh
Thái Bình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu lao động và
khai thác có hiệu quả quỹ đất đai còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để nghề sản
xuất nấm phát triển hiệu quả, bền vững tỉnh Thái Bình còn rất nhiều việc phải
làm như: nhanh chóng xây dựng quy hoạch cụ thể đến từng thôn, xã, nhất là quy
hoạch hệ thống giao thông thuỷ lợi, điện, xử lý môi trường, cơ sở chế biến, sản
xuất cung ứng nấm giống cho người dân. Cơ sở sản xuất nấm giống của tỉnh, tiếp
tục nắm bắt nhu cầu các chủng loại giống để chủ động cung cấp cho người dân.
Trung tâm Khảo nghiệm và Khuyến nông tỉnh cần tổ chức nhiều lớp học, chuyển giao
kỹ thuật về thâm canh nấm cho nông dân, từ việc chọn, ủ nguyên liệu, vào giống
và thu hoạch.
Đặc biệt, kỹ thuật sơ chế nguyên liệu nấm cho nhu cầu xuất
khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thuê đất, vay vốn tín dụng mở rộng
sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động; tích cực hỗ trợ tìm
kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân; tạo điều kiện nâng cao năng lực
quản lý cho các hộ gia đình, tay nghề của người lao động và ứng dụng công nghệ,
kỹ thuật cao vào sản xuất.../.
Nguồn tin: TTXVN |