Sơn La, điểm đến thứ 14 của dịch cúm gia cầm
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, cúm gia cầm vừa bùng phát tại Sơn La,
khi đàn gia cầm của tỉnh biên giới phía Bắc này chưa được tiêm phòng.
Thu
gom gia cầm không rõ nguồn gốc để tiêu hủy.
Khởi đầu, dịch "hạ gục" hai
đàn gà 31 con ở xã Chiềng Hắc và Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu). Ngay sau
đó, tại xã Hát Lót (huyện Mai Sơn), 25 con ngan của một hộ dân cũng chết nghi do
cúm gia cầm; Chi cục Thú y Sơn La đã tiêu huỷ 95 ngan. Hiện tỉnh đang chờ kết
quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y TW.
Trong khi đó, Cục Thú y cho biết, tính đến 16/11, Cục mới lên
kế hoạch và ưu tiên phân phối vắc-xin cho hầu hết tỉnh, thành toàn quốc, trừ các
địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La,
Lai Châu và Điện Biên. Các địa phương này sẽ nhận vắc-xin sau ngày 15/11. Như
vậy, đàn gia cầm ở Sơn La đã chưa được tiêm phòng.
Nhiều ổ dịch mới ở các tỉnh đã công bố dịch
Ngày 6/11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi của 3
xã An Hoà, Phú Ninh và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) làm 63 vịt
chết. Đồng Tháp đã nhanh chóng tiêu huỷ 528 vịt. Đến 8/11, 49 gà và 286 vịt của
2 hộ chăn nuôi của xã Hoà Bình và Phú Thành B (cũng thuộc huyện Tam Nông) "gục".
Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ 114 gà và 1.386 vịt. Tại Hưng Yên, hôm qua,
dịch tấn công một trại vịt của hộ dân xã Dân Tiến (Khoái Châu); 200 con vịt đã
được đem đi tiêu huỷ.
Ở Thanh Hoá, dịch cúm gia cầm tiếp tục xảy ra tại 9 hộ của 6 xã
Dân Quyền, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Quảng Đông, Quảng Tiến và Đông Lĩnh thuộc 5
huyện Thiệu Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Sầm Sơn và Đông Sơn, làm 28 gà và 104
vịt chết. Chi cục Thú y Thanh Hoá đã tiêu huỷ 2.729 gà, 2.885 con vịt và 284
chim cút.
Ngày 14/11, dịch lan tới 3 hộ chăn nuôi của xã Tam Hiệp và Quế
Xuân 1 (huyện Núi Thành và Quế Sơn - Quảng Nam) làm 35 gà, 7 vịt và 8 chim bồ
câu chết. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ 85 gà và 32 bồ câu.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Ninh Bình, tính đến hết 15/11,
dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 162 hộ của 13 xã, phường thuộc 7 huyện, thị là:
Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp và Gia Viễn. Tổng
số gia cầm ốm, chết và tiêu huỷ là 25.943 con.
Như vậy, từ 1/10 đến 15/11/2005, dịch cúm gia cầm đã có mặt ở
85 xã, phường thuộc 51 huyện, thị của 14 tỉnh, thành là Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà
Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng,
Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Sơn La. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 436.029
con, tăng gấp gần 3 lần so với chỉ một ngày trước đó (136.000 con).
Chặn ngay vắc-xin nhập lậuCông văn 6596 của VPCP phát đi hôm
qua (15/11) gửi các Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
về việc nhập khẩu vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm nêu rõ: Theo báo cáo của
một số địa phương đã xuất hiện tình trạng gia cầm đã tiêm vắc-xin phòng dịch,
song, sau khi tiêm một thời gian, đàn gia cầm vẫn bị dịch chết hàng loạt và phải
tiêu huỷ cả đàn. Nguyên nhân có thể do vắc-xin nhập không đủ tiêu chuẩn, không
đúng chủng loại và chất lượng kém.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp
với các Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Y tế, Quốc phòng, Công an, các ngành
liên quan và UBND các tỉnh biên giới chủ động tăng cường các biện pháp đề phòng,
đấu tranh ngăn chặn không để các loại văcxin không đủ tiêu chuẩn xâm nhập tiêu
thụ tại Việt nam.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị được phép nhập khẩu vắc-xin phòng
chống dịch cúm gia cầm phải xem xét lại hợp đồng đã ký kết, chủ động có biện
pháp đối phó, đề phòng trường hợp đối tác lợi dụng thông tin về vắc-xin không đủ
tiêu chuẩn để thay đổi hợp đồng, nâng giá, ngừng cung cấp tiếp... Cần yêu cầu
đối tác phải thực hiện đúng hợp đồng, đúng chất lượng vắc-xin để kịp thời phòng
chống dịch cúm gia cầm.
Nguồn: Hà Yên (Vietnam
Website) |