Xem đá gà mùa cúm gà
Cứ vào dịp cuối tuần từ thứ sáu đến chủ nhật người ta nô nức kéo nhau sang bên kia biên giới để sát phạt, tỉ thí ở một trường đá gà qui mô lớn.
Hàng trăm con người phấn khích hò hét vang trời, mặc cho lông gà, máu gà bay tứ tung. Dân chơi “trường gà” này phần lớn đến từ VN...
Tại đấu trường: sợ thật!
Tôi đến trường gà xuyên Á Bavet trên đất Campuchia - cách cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh khoảng 1km - sau hai ngày bế mạc hội nghị quốc tế về dịch cúm gia cầm tại Geneva. 11g trường gà mới mở cửa nhưng từ sớm tinh mơ đã có hàng trăm tay chơi tụ tập bàn tán xôm tụ ở những quán cà phê bên ngoài.
Đúng giờ G, cả trăm con người háo hức chen nhau vào “đấu trường” được thiết kế vòng tròn bậc thang khá chuyên nghiệp. Mặt mày ai cũng tươi rói như chuẩn bị vào sân Mỹ Đình xem
U-23 VN đá với Thái Lan! Dạo một vòng trong bãi giữ xe, ngoài số xe gắn máy mang biển số Campuchia, một vài chiếc xe khách chở cả hội cổ động viên, tôi đếm được hơn 30 chiếc xe máy mang biển số Tây Ninh, vài chiếc mang biển số Long An và có cả một chiếc mang biển số Huế! Khi nghe tôi hỏi có bao nhiêu chiếc xe đến từ VN, ông giữ xe kêu: “Ối! Người Việt không thôi, cả trường gà đều nói tiếng Việt mà!”.
Cả “đấu trường” ồn ào, nhốn nháo bỗng im phăng phắc khi hai chú “hùng kê” xuất hiện cùng chủ của nó. Hai “kê sĩ” lần lượt được đưa lên bàn cân mà theo lời quảng cáo của một tay chơi thì “chính xác đến từng phân”. Sau màn so cân, hai chú “hùng kê” chuẩn bị làm nóng thì “đấu trường” lại vỡ òa tiếng reo hò, thách thức, ra giá, đặt kèo… Tay nài gà cẩn thận lên cựa, vuốt lại lông lá cho gà và ghé răng cắn nhẹ “tít” gà như một liều thuốc kích thích.
Trận chiến bắt đầu, chỉ sau vài cú “song phi”, “kê sĩ” lông đỏ bị dính cựa, máu rơi lã chã xuống sàn làm đấu trường càng hăng máu hơn. Nhưng “kê sĩ” vẫn không chịu đầu hàng và lao vào quấn lấy đấu thủ quyết liệt hơn. Khán giả la rần trời làm trọng tài phải ra hiệu cho hai ông chủ kéo gà ra “giải lao”.
Vừa ôm con gà bị thương ra, anh chủ liền đưa ngay cái mồng bị rách toác vào miệng và… hút chụt chụt rồi nhổ ra một đống máu đỏ tươi. Nhổ xong, anh nhe răng cười với cái miệng đỏ lòm máu gà ra chiều muốn nói “con này còn chơi được, chưa sao…”. Trong tích tắc, hai chú gà được thả lại sân. Choạch…! Choạch…! Chỉ sau vài cú “song phi” của gà đen, chú gà đỏ nằm lăn quay ra sàn ximăng. Anh chủ gà lại kê miệng vào mỏ gà “hô hấp nhân tạo”. Máu gà lại tuôn đỏ cả miệng anh.
Trường gà lại sôi động với những cặp đấu mới. Máu của các “kê sĩ” lại phun ra. Lông gà lại bay tứ tung trong tiếng reo hò, cổ vũ. Những tay nài gà lại ngậm miệng hút máu gà… Tiếng nhốn nháo cất lên, những kẻ bại trận lủi thủi ôm xác “chiến binh” đi làm vài xị xả xui! Tôi xáp lại gần hỏi anh chủ gà miệng vẫn còn đầy máu gà: “Ghê quá vậy cha, đang có dịch cúm gà bộ hổng biết hả?”. Anh chủ gà liền trợn mắt lườm tôi: “Thôi đi cha, chưa cúm gà mà tui đã cúm cái túi rồi nè. Làm vài xị vào thì H5N10 cũng tiêu chứ đừng nói H5N1...”.
Sau mỗi trận đấu, những ngón tay vừa móc nhớt gà, những cái miệng vừa hút máu gà lại tìm nhau để bắt, lại chia nhau điếu thuốc rít từng hơi dài. Nơi này chuyện cúm là chuyện của bên Tây, bên Tàu. Anh chàng chạy xe máy đến từ Long An còn lên giọng dạy đời: “Cha này lạc hậu quá, ở bên nước mình mới có cúm gà, còn bên này làm gì có mà sợ”.
Trọng tài tuyên bố gà đen thắng trận. Anh chủ buồn bã ôm xác gà ra khỏi trường đá và cẩn thận vạch từng mảng lông quan sát những vết tử thương như người ta khám nghiệm tử thi. Xúm quanh con gà đầy máu me là những người hiếu kỳ và những đứa trẻ tò mò. Một cậu bé ngồi bệt bên con gà chết và sờ mó xác gà đầy đàm nhớt, máu me xong đưa tay lên gạt nước mũi một cách hồn nhiên. Một người đàn ông lớn tuổi bên phe bại trận lên tiếng: “Thôi đưa ra quán hầm sả nhậu đi tụi bay!”. Cả hội hết cái cảnh ngậm ngùi “tang gia”, cười nói kéo nhau ra quán nhậu!
Chỉ sợ chết vì vỡ nợ!
Tranh thủ lúc những anh bảo vệ đang say sưa với cú song phi của những cặp gà, tôi lẻn ra “hậu trường” quan sát. Hàng loạt chuồng gà kiên cố được dựng lên phía sau với hàng trăm con gà.
Anh Tiên, người gốc Bến Tre, phụ trách chăm lo những “kê thủ” tại trường gà xuyên Á Bavet, thở dài: “Chăm sóc tụi nó còn mệt hơn cả giữ trẻ con. Ngày ngày phải cho ăn cho uống vài bận, tắm rửa chúng hai lần. Cả trăm con gà, tui cứ loay hoay tối ngày…”. Một con gà cất tiếng gáy nghe khò khè như ông già bị ho, anh Tiên vội vàng ẵm nó vào lòng đưa tới vòi xả nước rồi vuốt vuốt trên lưng cho nó.
Xong, anh dốc ngược con gà, thò tay móc họng thổ đàm một cách thành thục như một bác sĩ chăm sóc bệnh nhân. Trở lại chuồng gà, anh nâng ly cà phê đang uống dở uống cái ực một cách khoái trá! Tôi ái ngại hỏi anh không sợ cúm gà sao, anh lắc đầu: “Biết chứ anh, cũng sợ nhưng đã vào cái nghiệp này rồi biết làm sao. Gà ở đây cỡ từ vài trăm đến cả ngàn đôla, chăm không cẩn thận để nó chết thì tiêu. Chưa thấy chết vì H5N1 mà chết vì vỡ nợ đấy!”.
Buổi tối, tôi trở về nước cùng với mấy tay đá gà “cứng cựa”. Trong số họ, kẻ xuýt xoa hối tiếc vì không đặt cược nhiều tiền hơn, kẻ than thở vì đánh mười độ thua mất chín độ. Nhiều người còn thề thốt tuần sau sẽ kéo sang phục hận. Văng vẳng từ những ngôi nhà dân ven đường, truyền hình đang phát chương trình thời sự, những thông tin về dịch cúm gia cầm cứ liên tục phát đi. Tất cả họ đều nghe nhưng tất cả đều hững hờ. Thậm chí một tay đá gà lớn tiếng: “Sao bên nước mình cúm gà ghê quá, bên Campuchia vậy mà yên ghê...!”.
Nguồn: THẾ ANH |