Miền núi làm giàu nhờ... thuỷ sản
Với nhiều ao, hồ, sông, suối, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng không nhỏ về nuôi trồng thủy sản, với nhiều ao, hồ, sông, suối. Ðến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực này gần 60 nghìn ha, sản lượng thủy sản hằng năm đạt hơn 40 nghìn tấn. Ði thăm rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Phú Thọ, nhưng chúng tôi thật sự bị chinh phục về cung cách làm ăn của anh Lê Văn Sáu, nông dân xã Ðoan Hạ, huyện Thanh Thủy. Vừa thấy khách đến, anh cùng vài người cùng vác lưới nhảy xuống đầm nuôi kéo cá. Anh hồ hởi:
- Các anh chờ tôi 30 phút. Tiện đây, tôi kéo cá bán luôn. Mẻ lưới này chắc không dưới một tấn cá.
Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy Nguyễn Văn An cho biết:
- Chừng ba, bốn năm, không chỉ ở Ðoan Hạ mà ở các xã Ðồng Luận, Hoàng Xá, Bảo Yên dân đều khá lên nhờ nuôi thủy sản. Nuôi cá cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/ha. Nhờ sớm chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản, điều kiện kinh tế và mức sống của bà con trong vùng thay đổi hẳn.
Thanh Thủy là huyện miền núi có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Phú Thọ. Diện tích mặt nước của huyện lên đến 1.362 ha. Ðến nay, huyện đã đưa hơn 1.000 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.000 tấn. Trong hai năm (2003-2004), huyện đã chuyển đổi hơn 150 ha ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi thủy sản; năm nay chuyển thêm 60 ha; từ năm 2006 đến năm 2010 huyện tiếp tục chuyển đổi hơn 150 ha. Mô hình nuôi cá của anh Sáu là một trong 26 hộ nuôi thủy sản theo quy mô trang trại. Không chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi, huyện còn khuyến khích phát triển nuôi thủy sản dưới nhiều hình thức như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân.
Mẻ lưới mà anh Sáu vừa kéo dần đến hồi kết, mọi người hồi hộp chờ đợi. Càng vào gần bờ, các chú cá mè, trôi, trắm, chép đua nhau nhảy lên mặt nước. Cầm con cá trắm đen to chừng 4-5 cân, anh Sáu khoe với đồng chí Bí thư Huyện ủy và các thành viên trong đoàn:
- Các bác có thấy không, cá nuôi tự nhiên đấy, không như cá nuôi theo kiểu công nghiệp ở xuôi đâu.
Cả vùng này rộng 80 ha, cấy một vụ lúa, nuôi một vụ cá. Từ năm 1996, thấy tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn, tôi thuê cả 80 ha để thả cá quanh năm, nhưng bà con chỉ cho thuê một vụ thôi (từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau). Khi bà con thu hoạch lúa xuân vào tháng 5, tôi khoanh vùng, tôn cao bờ, ken đăng mành, thả cá. Khi gốc lúa vừa cắt nhú lộc xanh là thả cá (phải thả cá giống cỡ to). Cá ăn lộc gốc lúa và động vật phù du, không cần đầu tư thức ăn công nghiệp. Năm 2004, trừ các khoản chi phí đi tôi có lãi 150 triệu, còn năm nay chắc chắn mức lợi nhuận sẽ hơn. Lời kể của anh Sáu đến đây bị gián đoạn khi có người đến thông báo mẻ lưới vừa kéo được 1,1 tấn cá.
Phú Thọ là một trong số các tỉnh miền núi phía bắc có diện tích nuôi thủy sản lớn, với hơn 7.000 ha. Nhờ hiệu quả cao, diện tích nuôi thủy sản các tỉnh miền núi ngày càng tăng; năm 2004, diện tích nuôi thủy sản đạt 56.246 ha, tăng 3.423 ha so với năm trước; sản lượng nuôi thủy sản đạt hơn 40 nghìn tấn. Người dân miền núi không chỉ tận dụng mặt nước ao, hồ, sông, suối mà còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản.
Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, nhiều địa phương mạnh dạn nuôi các giống thủy sản mới như tôm càng xanh, cá chép lai, rô phi đơn tính, ba ba gai... đạt hiệu quả kinh tế cao. Các tỉnh nuôi hơn 3.400 lồng cá, trong đó Phú Thọ có 1.700 lồng; Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, mỗi tỉnh nuôi 385-450 lồng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) cho biết: Nếu như trước đây, trong bữa cơm của bà con các dân tộc miền núi thường đạm bạc, giờ đây đã được cải thiện nhờ có tôm, cá. Chỉ cần một ao nuôi cá khoảng vài chục m2 có thể bảo đảm thực phẩm hằng ngày cho một gia đình. Vì thế, trong nhiều năm nay, Bộ Thủy sản có nhiều chính sách giúp các địa phương phát triển nuôi thủy sản miền núi, về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, khuyến ngư, sản xuất con giống.
Năm 2004, từ nguồn ngân sách trung ương, Bộ Thủy sản hỗ trợ các tỉnh miền núi 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản; trong đó, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ 2 tỷ đồng, Phú Thọ 3 tỷ đồng, Thái Nguyên 2 tỷ đồng, Hòa Bình 3 tỷ đồng, Sơn La 2 tỷ đồng... Khuyến ngư góp phần xóa đói, giảm nghèo là một trong những chương trình khuyến ngư trọng điểm.
Năm 2004, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia tổ chức 227 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho gần 12 nghìn lượt người; xây dựng 87 mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh miền núi phía bắc. Không chỉ khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước các hồ chứa như Núi Cốc, Hòa Bình, Thác Bà, các địa phương còn tận dụng các sông, suối để nuôi thủy sản.
Từ khi Chính phủ có chủ trương chuyển diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản, người dân miền núi còn mạnh dạn nuôi các đối tượng nuôi mới. Nhiều mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá trong ruộng lúa ở Ðiện Biên đạt năng suất 0,7 tấn/ha, nuôi tôm càng xanh đạt một tấn/ha ở Hà Giang.
Ðến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 đã thành công nuôi cá hồi vân, cá tra tại huyện Sa Pa (Lào Cai), mở ra triển vọng mới về nuôi thủy sản tại địa phương.
Ðến nay, hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đã hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thủy sản, đều xác định thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng, được thể hiện trong các nghị quyết, chủ trương của HÐND, UBND tỉnh. Nhiều tỉnh thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá giống thủy sản giúp bà con các dân tộc nuôi thủy sản; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản miền núi.
Năm 2004, các tỉnh miền núi phía bắc chuyển 1.012 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; trong đó, tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi 500 ha, Phú Thọ 350 ha, Hòa Bình 30 ha, Lào Cai 20 ha, Yên Bái 12 ha... Năm nay, các tỉnh chuyển đổi 1.760 ha, chủ yếu diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản.
Thực tế cho thấy, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng lớn về nuôi thủy sản, nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao nhưng cũng nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy, cho rằng: "Các địa phương khuyến khích nuôi thủy sản nhưng cũng cần tính đến hiệu quả kinh tế. Chúng ta khuyến khích nông dân đưa cá vào nuôi nhưng khi xảy ra dịch bệnh thì nông dân biết dựa vào ai? Vì thực tế tại địa phương, cán bộ thú y thủy sản cấp huyện chưa có. Theo tôi, muốn phát triển nuôi thủy sản bền vững, chúng ta phải có kỹ thuật nuôi tốt, con giống tốt, chủ động xử lý dịch bệnh thủy sản".
Nguồn tin: ND |