Nuôi nhím
Nhím là loại động vật có nhiều tác dụng. Thịt nhím nạc, ngon và ngọt. Mật nhím được người ta dùng chữa bệnh đau mắt và dùng để xoa bóp các chấn thương và chữa đau lưng. Thịt, ruột già, gan và cả phân nhím đều được sử dụng để chữa bệnh phong nhiệt.
Chúng ta thường gặp những con nhím nặng 4-5 kg nhưng thực ra, chúng có thể đạt 10-15 kg. những con lớn thường dễ bị phát hiện và đã bị săn bắt nhiều. Hiện nay, lượng nhím trong tự nhiên giảm hẳn. Vì vậy, việc tổ chức nuôi nhím vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa góp phần hạn chế tình trạng săn bắt nhím trong tự nhiên.
Nuôi nhím không khó. Thậm chí còn dễ hơn nuôi lợn. Tại Trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp Tây Bắc (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã nuôi và nhím sống rất tốt. Ở nhiều nơi, bà con dùng ngay chuồng lợn làm chỗ nuôi nhím. Một diện tích chuồng 4-6m2 là có thể nuôi nhím. Tường phải cao ít nhất 1m. Phía trên có thể ngăn bằng lưới thép hoặc đan phên để che. Dùng ván bìa bắp tận dụng xếp ngăn thành một tối và kín đáo để nhím vào nằm. Cũng có thể nhồi rơm hoặc cỏ khô vào nhiều bao nhỏ, xếp thành đống, nhím sẽ tự tạo ra tổ cho chúng. Tốt hơn hết là nên xây chuồng rộng có tường bao cao 1m. Trong khu vực đó, ta dùng đá hoặc các gốc cây gỗ lớn xếp thành đống, tạo ra hang cho nhím ở. Nhím thích ở hang kín đáo, không nóng quá cũng không lạnh quá. Không nên nuôi cạnh đường giao thông hoặc nơi ồn ào.
Nhím là loại ăn tạp. Bà con vùng cao xếp chúng vào loại phá hoại mùa màng. Vì thế thức ăn của nhím rất phong phú, gồm trái cây, rễ cây, lá cây, củ chuối vỏ quả, rau thừa, ngô, sắn củ tới các loại côn trùng ốc, bọ cánh cứng, giun đất... Có thể kết hợp nuôi giun đất với nhím. Nhím rất thích ăn giun. Loài giun quế có hàm lượng đạm rất cao (tới 71% trọng lượng khô) rất thích hợp cho nhím.
Nhím không chịu được rét. Mùa đông, nhím chui sâu vào trong hang để ẩn và nằm lỳ trong đó cả tháng. Vì vậy cần lưu ý chống rét cho nhím. Tốt nhất là tạo ra các hang kín và chèn cỏ khô ở bên trong để nhím ngủ đông. Nhím cũng không ưa khí hậu nóng. Nếu trời quá nóng nhím lại chui vào các hang hốc và nằm lỳ trong đó có khi cả tuần. Cần có nhiều cây hoặc giàn che, tạo không khí mát mẻ cho chúng.
Nhím dễ sinh sản. Nhím đực thường trưởng thành sau 12 tháng. Còn nhím cái phải 16-17 tháng mới đủ chín sinh dục để chịu đực. Trong tự nhiên, chỉ hai tháng tuổi là nhím con đã tách đàn để kiếm ăn một mình. Dựa vào đó, ta cũng có thể xuất giống sau hai tháng nuôi nhím con. Ngay năm đầu, nếu nuôi tốt, nhím có thể đạt được 6,5 kg.
Theo Tạp chí Nông nghiệp Việt Nam |