Quảng Nam: Khẩn cấp đối phó dịch cúm gia cầm
Trong khi tỉnh Quảng Nam phải mải lo chống đỡ với lũ bão thì dịch bệnh cúm gia cầm đã "nhân dịp" bùng phát. Thiếu vắc-xin và cả sự thiếu ý thức của người dân đã khiến dịch bệnh càng có cơ hội lây lan... Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải ban bố "tình trạng khẩn cấp" để phòng chống dịch.
"Thiếu chủ động"
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Theo kế hoạch trước đây, từ ngày 20.10 toàn tỉnh triển khai tiêm vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm đợt 1 đồng loạt, nhưng Chi cục chỉ mới nhận được 1.080.000 liều vắc-xin H5N2 (tiêm cho gà) và 40.000 liều vắc-xin H5N1 (tiêm cho vịt) nên công tác triển khai tiêm phòng đồng loạt bị "đứng bánh".
Đến nay, Chi cục Thú y tỉnh cũng chỉ mới cấp về cho 8 huyện, thị xã 471.000 liều vắc-xin H5N2 và 40.000 liều vắc-xin H5N1. Và trên thực tế, cũng chỉ mới có 33 xã, phường của 8 địa phương này đã tổ chức tiêm phòng được 294.566 con gà và 16.536 con vịt.
Ông Nguyễn Thành Nam cũng cho biết: "Với số vắc-xin vừa được Cục Thú y cấp bổ sung, chúng tôi sẽ triển khai tiêm phòng khẩn cấp ngay cho đàn thuỷ cầm tại các địa phương, đề phòng dịch bệnh cúm lây lan trên diện rộng... Tuy nhiên, vẫn chưa hết khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vắc-xin cung ứng cho việc tiêm phòng dịch, bởi số lượng gia cầm trên thực tế đã được tiêm phòng cũng đã tăng quá nhiều so với số lượng đăng ký ban đầu. Đơn cử như Tam Kỳ, đăng ký 28.000 con gà, thực tế đến nay đã tiêm được 46.181 con gà ở 10 xã phường, vẫn còn gà ở 3 xã phường chưa tiêm phòng. Trong khi đó, Cục Thú y chỉ cấp về số lượng vắc-xin theo số liệu đăng ký ban đầu".
Cũng theo Chi cục Thú y tỉnh, tuy từ giữa năm 2005 đã có lệnh ngừng ấp trứng, sản xuất con giống, nuôi mới gia cầm, nhưng người dân đã không thực hiện triệt để, và họ còn không khai báo đầy đủ số lượng gia cầm chăn nuôi. Nếu chiếu theo các quy định về ngăn ngừa dịch cúm gia cầm của Trung ương và địa phương, thì hiện có phân nửa trong tổng đàn gia cầm đã được sinh nở và tồn tại bất hợp pháp. Vì vậy, việc phòng chống dịch càng thêm khó khăn.
"Tình trạng khẩn cấp"
Và, điều nghịch lý đã xảy ra: trong khi Chi cục Thú y tỉnh cấp vắc-xin tiêm phòng dịch ở 8 huyện, thị xã này, thì dịch bệnh lại bùng phát ở 2 địa phương khác chưa hề được cấp vắc-xin, là huyện Núi Thành, Thăng Bình và Quế Sơn. Liên tục từ ngày 22.10 đến nay, hàng loạt đàn gà, vịt của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã Tam Xuân 1 huyện Núi Thành, Bình Đào, Bình Quế, Bình Nam huyện Thăng Bình và Quế Phú huyện Quế Sơn đã lăn ra chết đồng loạt với các triệu chứng nghi nhiễm cúm gia cầm. Ngành thú y đã tổ chức tiêu huỷ hàng ngàn con gà, vịt bị chết và bị nhiễm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực.
Sự thiếu chủ động của ngành Thú y lẫn sự không nhận thức hết mối nguy hiểm từ dịch bệnh cúm gia cầm đã khiến đại dịch càng có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Các hộ chăn nuôi có gia cầm bị chết tại Bình Đào, Bình Quế, Quế Phú ban đầu còn tỏ ra thờ ơ và chậm trễ cấp báo với cơ quan thú y khi gia cầm có triệu chứng dịch bệnh. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng gà vịt chết bị vứt bừa bãi ra sông Trường Giang, địa phận xã Bình Đào, và ngành thú y đã phải dùng thuyền đi vớt được đến 5 bao xác gà vịt chết, đem về tiêu huỷ. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ ở nhiều vùng nông thôn và đặc biệt là tại các chợ đầu mối ở các thị xã Tam Kỳ, Hội An hiện nay vẫn chưa chấm dứt. Ngay tại Tam Kỳ, vẫn xuất hiện những người chở chim cảnh đi bán dạo nghênh ngang khắp phố phường mà vẫn không có ai ngăn chặn, xử lý.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường, ông Mai AÁi Trực dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Quảng Nam vào ngày 9.11 đã nêu ra 5 khó khăn rất lớn của tỉnh mà theo ông là đặt Quảng Nam vào tình thế nan giải: Địa bàn quá lớn; vừa qua mưa bão; chăn nuôi nhỏ lẻ tràn lan trong dân; đời sống nhân dân khó khăn, phần lớn nguồn sống dựa vào chăn nuôi gia cầm; dịch đã tái xuất hiện nhiều lần trên diện rộng.
Ngày 10.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức "ban bố tình trạng khẩn cấp phòng chống đại dịch" trên địa bàn. Công điện của Chủ tịch tỉnh ký ngày 10.10 gửi các địa phương, ban ngành, yêu cầu lập tức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người. Cũng trong ngày 10.11, UBND tỉnh mở hội nghị triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch. Theo Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Xuân Phúc, dịch cúm gia cầm có nguy cơ trở thành đại dịch, nhưng ý thức của người dân chưa cao, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu toàn tỉnh tập trung, huy động mọi lực lượng, phương tiện để phòng chống dịch, dập các ổ dịch, không để tiếp tục lây lan. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức đến người dân. Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến gia cầm ở các địa phương có dịch và giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ trong tỉnh. Thành lập các tổ chốt chặn tại các điểm trọng yếu. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch.
Nguồn: Laodong News Paper Online |