Vaccine phòng H5N1 Việt Nam sản xuất: Nhóm nghiên cứu thử trên cơ thể mình
Ngay từ khi những ca bệnh nhiễm H5N1 đầu tiên được phát hiện (26/12/2003), các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vaccine phòng cúm H5N1.
Sau gần hai năm nghiên cứu sản xuất vaccine phòng cúm H5N1, tới thời điểm này, viện đã thực hiện các thủ tục báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan thẩm quyền để có thể tiến xa hơn sau khi đã có một thời gian dài, liên tục thử nghiệm trên khỉ cho kết quả khả quan. Công đoạn thử nghiệm thành công trên khỉ là một quãng đường quan trọng, nó được ví như ngôi nhà đã xây xong phần "thô".
Chủng vi-rút H5N1 giúp cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm của một tỉnh phía Bắc. Giống vi-rút H5N1 dành cho sản xuất vaccine phân lập được nuôi cấy trên tế bào thận khỉ. Theo nhóm nghiên cứu, việc nuôi cấy trên tế bào thận khỉ giúp chúng ta có nguyên liệu "sạch" hơn theo cách sản xuất nuôi trên trứng gà phôi, góp phần đảm bảo chất lượng của vaccine.
Trong môi trường thích hợp, nuôi cấy tốt, lượng vi-rút giống sẽ được nhân lên nhiều lần và làm thành nguồn "nguyên liệu" sản xuất vaccine. Vaccine này chứa một lượng vi-rút đã được tinh khiết và đã xử lý giảm độc lực. Phương pháp "nuôi cấy tế bào" mà viện áp dụng được đánh giá là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và là xu thế chung của thế giới hiện nay trong sản xuất vaccine. Và, nhóm nghiên cứu chính là những người đầu tiên sẽ tiêm vaccine đó.
Ngày 14/11, thông tin từ một lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Để vaccine đến được với người dân, nó cần được thử nghiệm rất chặt chẽ. Tại thời điểm này, các mẫu vaccine của Việt Nam đã được gửi đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để được kiểm định về chất lượng. Nếu dịch bùng phát, đối tượng ưu tiên sử dụng là những người dân trong vùng có dịch.
Thanh Niên (Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh) |