Giải mã hoàn chỉnh bộ gen virus cúm H5N1
Sáng 15/11, Viện Pasteur Thành phố.HCM và Trung tâm Thú y vùng TP.HCM đã gặp gỡ và trả lời báo chí một số vấn đề liên quan đến công trình “Nghiên cứu giải mã bộ gen virus cúm A H5N1 Việt Nam trên bệnh phẩm người và gia cầm”.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố - nghiên cứu này đã được Bộ Khoa học - Công nghệ nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, vì đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam giải mã hoàn chỉnh được bộ gen và xây dựng được bản đồ về gen của virus cúm A trên người và gia cầm với số lượng mẫu lớn.
Đây mới là nghiên cứu bước đầu và viện còn tiếp tục phối hợp với nước ngoài nghiên cứu sâu và lâu dài hơn. Mục tiêu nghiên cứu là theo dõi, xác định những biến đổi gen cúm virus cúm A và tìm hiểu cơ chế lây truyền của virus từ gia cầm sang người và từ người sang người như thế nào...
Tiến sĩ Cao Bảo Vân - Trưởng phòng Sinh học Phân tử Viện Pasteur Thành phố - cho biết thêm: tại buổi báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu có đại diện của Bộ Y tế và nghiên cứu này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biết đến. WHO cũng nhận thấy những chủng virus cúm A H5N1 của năm 2005 có thay đổi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước khác.
Trong khi đó, ông Ngô Bảo Long - Trưởng phòng chẩn đoán dịch tễ Trung tâm Thú y vùng TP.HCM - đơn vị hợp tác với Viện Pasteur Thành phố trong nghiên cứu trên, lại cho biết thêm thông tin bất ngờ: qua giám sát những dòng virus trên gia cầm và khả năng đột biến gen trên gia cầm, trung tâm đã phát hiện ngoài virus H5 còn xuất hiện virus H3 và H4 (phát hiện 2/4 con thủy cầm có virus H3, H4).
Theo ông Long, khi gia cầm đã có virus H5 mà lại có thêm virus H3 và H4 thì trên lý thuyết có thể có sự chia sẻ gen với nhau giữa chúng. Tuy nhiên, thực tế có xảy ra hay không và ở mức độ nào thì chưa xác định được. Cũng theo ông Long, vừa qua Trung tâm Thú y vùng thành phố mới chỉ tập trung tìm virus H5, còn virus H7 và H9 chưa chú ý lắm do mức độ ảnh hưởng của chúng đến gia cầm không nhiều.
* Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam) đã hoàn tất qui trình sản xuất vaccine cúm H5N1 cho gia cầm và có thể chuyển giao, mở rộng sản xuất đại trà. Thông tin này được ông Lê Trần Bình, viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, đưa ra tại buổi họp báo cáo kế hoạch nghiên cứu, triển khai sản xuất vaccine cúm H5N1 trên gia cầm chiều 15/11.
Theo ông Bình, hiện đã có hai đơn vị được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đồng ý cho phép sản xuất vaccine cúm H5N1 cho gia cầm là Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương 1 (Hà Tây) và Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương 2 (TP.HCM). Ông Bình cho biết nếu mọi thủ tục được thông qua, đầu năm 2006 sẽ tiến hành sản xuất khoảng 20-50 triệu vaccine liều phục vụ mùa dịch cúm gia cầm năm sau.
* Đối với vaccine H5N1 cho người, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để triển khai đại trà loại vaccine này.
Theo Tuổi Trẻ (Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh) |